Động thái Tập đoàn Central Group của Thái Lan đột ngột dừng nhập hàng may mặc Việt Nam vào siêu thị Big C đang đặt ra mối lo ngại về việc hàng Việt Nam nói chung và các sản phẩm may mặc nói riêng sẽ dần mất chủ quyền trong siêu thị ngoại trên chính sân nhà.

Big C tạm dừng nhập hàng may mặc Việt: Những câu hỏi lớn cần giải đáp?

tuyetnhung | 04/07/2019, 17:09

Động thái Tập đoàn Central Group của Thái Lan đột ngột dừng nhập hàng may mặc Việt Nam vào siêu thị Big C đang đặt ra mối lo ngại về việc hàng Việt Nam nói chung và các sản phẩm may mặc nói riêng sẽ dần mất chủ quyền trong siêu thị ngoại trên chính sân nhà.

Trước thông tin hệ thống siêu thị Big C đột ngột dừng nhập hàng may mặc Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng gay gắt. Ngay sau đó, phía Big C cũng lên tiếng trấn an dư luận bằng việc lý giải nguyên nhân dừng nhập hàng may mặc Việt là để phát triển các thương hiệu mới tại siêu thị Big C.

Những lý giải từ phía Big C vẫn không khiến dư luận khỏi hoang mang về sự thất thủ của hàng Việt trong siêu thị ngoại. Trao đổi với PV báo Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết theo Luật Cạnh tranh, nhà bán lẻ không có quyền từ chối nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng.

Big C giải thích việc ngừng nhập hàng dệt may của Việt Nam là do đang cơ cấu lại hệ thống, tuy nhiên cơ cấu như thế nàolà câu hỏi không ai biết. Vấn đề cũng đặt ra là sau khi cơ cấu, họ có tiếp tục nhập mặt hàng của Việt Nam không, hay lại để doanh nghiệp nước ngoài vào rồi nâng chiết khấu?

Việc Tập đoàn Central Group đột ngột dừng nhập hàng may mặc Việt Nam vào siêu thị Big C, theo ôngPhú,đặt ra mối lo ngại doanh nghiệp Việt sẽ thất thủ trên sân nhà.

Trước đó Big C đã mời các nhà sản xuất nhãn hàng riêng ra khỏi hệ thống. Một năm trước, Thế Giới Di Động cũng rời khỏi Big C. Vậy tiền lệ này có lặp lại với những mặt hàng may mặc, dụng cụ, gia đình...? Những động thái trên cho thấy Big C đang làm trái với cam kết đầu tư.

"Tôi cho rằng cơ quan quản lý là Bộ Công Thương và Hiệp hội Bán lẻ nên vào cuộc kiểm tra, rà soát kỹ xem vấn đề nằm ở đâu. Trong đó bao gồm cả chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài", ông Phú nhấn mạnh.

Trong khi đó, trao đổi nhanh với PV báo Một Thế Giới, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này đã vào cuộc kiểm tra, rà soát thông tin. Sau khi biết được vụ việc diễn ra, sáng nay (4.7), đoàn Vụ Thị trường trong nước đã làm việc với Big C về việc dừng nhập đột ngột hàng may mặc Việt Nam vào siêu thị Big C từ tháng 7.

"Chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề báo chí nêu. Thông tin về kết quả làm việc giữa các bên hiện đang được lãnh đạo bộ xem xét. Kết quả sẽ được thông tin với báo chí ngay sau đó", bà Lê Việt Nga thông tin.

Vào ngày 2.7, Central Group Việt Nam gửi thông báo đến các nhà cung cấp về việc dừng mua các sản phẩm may mặc trong nước.

"Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7.2019", thông báo nêu.

Việc tạm dừng đặt hàng của Central Group sẽ kéo dài đến khi có thông báo tiếp theo. Phía tập đoàn cho biếttất cả vấn đề phát sinh trước ngày2.7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại mà công ty đã ký với nhà cung cấp.

"Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan", thông báo cho hay.

Ngay sau thông báo, chiều 3.7, nhiều người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở TP.HCM nhằm làm rõ vụ việc.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Big C tạm dừng nhập hàng may mặc Việt: Những câu hỏi lớn cần giải đáp?