Một án mạng với ba người chết. Tuy nhiên, “điều khiến cho những người có lương tri thấy nhói đau là mạng xã hội lại tràn ngập những lời đùa cợt, những bình luận hả hê”, một bài viết trên VTC News ngày 18.8.2016 thốt lên như thế sau vụ thảm sát ở Yên Bái.

Kiến tạo một nước Việt Nam nhân bản

01/09/2016, 11:49

Một án mạng với ba người chết. Tuy nhiên, “điều khiến cho những người có lương tri thấy nhói đau là mạng xã hội lại tràn ngập những lời đùa cợt, những bình luận hả hê”, một bài viết trên VTC News ngày 18.8.2016 thốt lên như thế sau vụ thảm sát ở Yên Bái.

Và bài viết đó không ngần ngại gọi tác giả những thể hiện đó là “những kẻ vô lương”. Ngay tiếp theo, các trang mạng lên tiếng: “Chúng tôi vô lương hay các người không biết tự kiểm điểm lại chính mình?”.

Bài viết này không nhằm bênh vực hay phản bác lập luận nào bên trên. Có lòng nào bênh vực hay phản bác khi ba người vừa mới bị giết thì anh em trong nhà lao vào sỉ vả nhau?

Tôi chỉ xin được quan sát bầu không khí chung quanh sự việc. Để sự quan sát được đầy đủ hơn, bao trùm hơn, tôi xin lùi xa ra cả về không gian lẫn thời gian. Lùi xa trong không gian nghĩa là không chỉ quan sát án mạng tại Yên Bái, không để mình bị ảnh hưởng, bị ràng buộc bởi một phe nhóm nào; lùi xa trong thời gian nghĩa là tôi không nhìn sự việc của ngày hôm nay, mà là từ vài chục năm về trước. Vụ án mạng như VTC News nhận định là “thảm án khủng khiếp”, và là “mất mát quá lớn”. Nhận định trên chỉ đúng nếu xét về mức độ quan chức cao cấp của những nạn nhân và nghi can, còn nếu xét về con số nạn nhân và về mức độ tàn bạo, dã man thì đã có những vụ việc lớn hơn. Mười ngày trước đó là vụ án giết 4 người trong một gia đình ở Lào Cai, một năm trước là thảm sát 6 người ở Bình Phước, trước đó nữa Đặng Ngọc Viết mang súng vào Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình bắn 6 người rồi tự tử, nhưng chỉ giết được một người. Và còn nhiều vụ thảm sát khác…

Các vụ thảm sát rất dã man đó có vai trò gì trong việc khiến xã hội thờ ơ, xem nhẹ mạng người bị tước đoạt? Ngoài thảm sát, vô số vụ việc hành hung hay tác phong sống mất nhân tính thường xuyên xảy ra. Một số tài xế xe tải khi đụng xe là chạy trờ tới hay lùi xe lại cán qua mình nạn nhân cố tình giết chết cho dù nạn nhân còn sống đang kêu la. Lý do rất đơn giản: đền tiền cho gia đình người chết ít hơn nhiều nếu phải bồi thường nạn nhân bị thương phải điều trị! Các cách cư xử mất nhân tính đó có vai trò gì trong việc khiến xã hội hung ác hơn và xem nhẹ mạng người bị tước đoạt? Trong các tai họa, tai nạn lớn xảy ra, kể cả thiên tai và nhân tai, số người chết có thể 7-8 hay vài chục người.

Tai nạn sập cầu Cần Thơ đang xây giết chết gần 80 người làm việc trên công trường. Chỉ có Thứ trưởng Bộ Xây dựng tới thăm hiện trường. Không có quốc tang. Sinh mạng con người rẻ như vậy làm sao xã hội có thể nghiêng mình trước những cái chết? Các xung đột giữa dân chúng giữ đất với lực lượng trang bị vũ khí trục xuất họ đi có giúp lòng dân yêu mến chính quyền hơn? Đại đa số dân chúng sống ở mức thu nhập bình quân 3-4 triệu/ người/tháng có thể yêu thương các viên chức công quyền từ địa phương tới trung ương sở hữu tài sản từ hàng chục tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng? Các đại án tham nhũng và cách hành xử rất nhiều khi khuất tất của chính quyền đối với tham nhũng có làm dân chúng tin cậy và tôn trọng hơn những nhà lãnh đạo, quản lý, điều hành? Thảm họa môi trường 4 tỉnh miền Trung và thái độ của chính quyền với Formosa để lại những dấu ấn tích cực hay tiêu cực trong lòng dân?

Theo phát biểu của các nhà lãnh đạo cao cấp, xã hội Việt Nam hiện nay có quá nhiều thế lực thù địch. Nước Việt Nam đã và đang làm gì để tiến tới một xã hội ngày càng giảm các thế lực thù địch, càng tăng các thế lực đồng tâm cộng tác nhau xây dựng đất nước chung? Ngày càng giảm sự chia rẽ và bất hợp tác, càng tăng lòng thương yêu và đùm bọc nhau trong xã hội? Những bài tập toán cho các em học sinh tiểu học trước đây hỏi rằng sáng nay bộ đội ta giết được 5 tên địch, chiều nay giết thêm 10 tên nữa, hỏi tổng cộng hôm nay bộ đội ta giết được bao nhiêu tên! Những bài tập đó có vai trò gì trong việc giáo dục các em khi trưởng thành xem nhẹ tính mạng người khác? Tôi nghĩ, bản chất của truyền thống dân tộc không cho phép dân chúng Việt Nam hả hê với cái chết của đồng bào. Trong số người tham gia bình luận ngay sau đó, có mấy ai biết lý lịch hoạt động của người bị giết? Sự cười cợt, hả hê chưa chắc vì thù ghét người bị giết, có thể vì một lý do khác, mang một thông điệp khác mà xã hội cần nghiêm túc tìm hiểu và cầu thị. Tuy nhiên, dù lý do gì thì cũng nên theo triết lý nghĩa tử là nghĩa tận của cha ông đối với người đã mất.

Vậy nên những ngày qua nhiều người Việt hẳn đau lòng vì các thể hiện thù địch thiếu lòng nhân ái, nghĩa đồng bào trong xã hội chúng ta. Một đất nước thiếu lòng nhân ái, tương trợ rất khó phát triển, và không thể phát triển bền vững. Một cộng đồng thiếu lòng tin nhau thì làm việc gì cũng thất bại. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã nói “dân thiếu niềm tin, nước khó bình yên”. Làm gì để môi trường sống của Tổ quốc ngày càng rộng mở hơn, nhân bản hơn, trong đó sự bình đẳng trở thành nguyên tắc, mỗi sinh mạng và số phận công dân được bảo vệ, tôn trọng, thương yêu…? Chính quyền có trách nhiệm và đủ nguồn lực để làm điều này. Nếu có đủ dũng khí lấy quyết định bắt đầu tiến trình về hướng đó, tôi tin chính quyền sẽ có nguồn lực vô biên là lòng dân ủng hộ.

Lê Học Lãnh Vân

(Theo Duyên Dáng Việt Nam)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến tạo một nước Việt Nam nhân bản