Có hai sự kiện nổi bật trong tuần qua, một là cuộc tọa đàm về chính sách công nghiệp quốc gia, hai là phát ngôn của ca sĩ Mỹ Linh về thực phẩm sạch. Tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với nhau, song hai sự kiện này lại có mối quan hệ mật thiết.

Thả mồi bắt bóng…

29/08/2016, 14:39

Có hai sự kiện nổi bật trong tuần qua, một là cuộc tọa đàm về chính sách công nghiệp quốc gia, hai là phát ngôn của ca sĩ Mỹ Linh về thực phẩm sạch. Tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với nhau, song hai sự kiện này lại có mối quan hệ mật thiết.

Bao giờ thì chúng ta mới có một nền nông nghiệp sạch? Ảnh minh họa.

Mỹ Linh tâm sự có phần “tuyệt vọng” khi cho rằng “người Việt đang giết nhau bởi những điều bình thường nhất, trong cái ăn uống mỗi ngày”. Cơ chế tự vệ mà cô có thể làm được là tự lo tăng gia sản xuất như một người nông dân “trong sạch” hoặc để có cái ăn sạch hoặc phải trả giá cao cho thực phẩm sạch. Nhưng chừng ấy cũng chưa đủ để bảo vệ gia đình, như cô than thở.

Cuộc toạ đàm có cái tên dài ngoẵng và khá “kêu” như thường lệ là “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam: Thực trạng và định hướng đổi mới trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế” do Ban kinh tế trung ương tổ chức vào ngày 25.8.2016. Trong cuộc toạ đàm này, các chuyên gia đã cho thấy tương lai công nghiệp hoá của nước ta là rất mờ mịt. Bao năm dưới định hướng này, chúng ta cũng chưa làm nổi những con ốc vít.

Tiến sĩ Dương Đình Giám, nguyên viện trưởng Viện chính sách công nghiệp của bộ Công thương, thẳng thắn đề nghị trong cuộc tọa đàm về công nghiệp này là nước ta nên chuyển đầu tư trọng điểm từ công nghiệp sang… nông nghiệp. Ông cho rằng Việt Nam nên trở thành quốc gia cung cấp các sản phẩm nông sản và nông sản chế biến chất lượng cao với một số thương hiệu tầm cỡ khu vực và thế giới.

Có lẽ chẳng có mấy cơ hội “đi tắt đón đầu” nào cho công nghiệp Việt Nam khi mà trình độ công nghiệp của ta đang lạc hậu đến 2 – 3 thế hệ so với thế giới. Một đất nước chưa làm ra nổi một ký thép nào đến nổi phải “dung dưỡng” cho các nhà máy thép như Formosa mà cứ mơ đến vài ba năm nữa, đến năm 2020, sẽ là nước công nghiệp hoá…

Trong khi ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh của mấy ngàn năm của dân tộc, cho đến bây giờ cũng không làm ra nổi những sản phẩm sạch, an toàn cho cả gần trăm triệu dân. Chẳng cần phải mơ đến chuyện xuất khẩu với những thương hiệu tầm cỡ gì, chỉ cần mơ đến chuyện “người Việt đừng giết nhau bởi những điều bình thường nhất, trong cái ăn uống mỗi ngày”.

Trong cơn sốt say mê “công nghiệp hóa – hiện đại hoá” toàn cầu của những nước còn nghèo nàn, nước ta cũng mắc vào cái bẫy bỏ bê ngành nông nghiệp. Ừ, phải công nghiệp hóa, đô thị hóa thì mới “oách”, mới “cất cánh”, thành rồng thành hổ, “bằng chị bằng em”.

Đành rằng tỉ lệ lợi nhuận của các sản phẩm công nghiệp ở mức rất cao so với nông nghiệp, song cũng đừng quên rằng không “dễ ăn của ngoại” chút nào để đua tranh với những quốc gia đã có truyền thống hàng trăm năm phát triển công nghiệp.

Ngay cả những quốc gia được mệnh danh là những “con rồng” của châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… cũng đã phải trầy trật như thế nào, may mắn như thế nào khi có những nhà “kiến tạo quốc gia vĩ đại”, mới bám gót được các quốc gia phát triển.

Và cũng đừng tưởng rằng nông nghiệp là mãi đồng nghĩa, gắn liền với hai chữ “lạc hậu”. Cho đến tận bây giờ chúng ta vẫn sử dụng cụm từ “nông nghiệp lạc hậu” và những nhà nông vẫn còn phải chịu cái mặc cảm về thân phận “hai lúa” của mình. Thực chất, những ngành nông nghiệp ở những nước tiên tiến bây giờ là những ngành công nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, rất tiên tiến.

Như nước Nhật, một trong những siêu cường công nghiệp, vẫn rất chú trọng phát triển nông nghiệp. Chỉ với 3% dân số làm nông và với số đất trồng khá ít ỏi, nông nghiệp Nhật Bản đã đủ nuôi toàn thể đất nước. Những nông dân của họ là những người chủ các doanh nghiệp trồng trọt với công nghệ cao chứ không phải là những người “chân lấm tay bùn”, “một nắng hai sương” như nông dân nước ta.

Nước Mỹ, sau định hướng phát triển ngành công nghệ thông tin đã gặt hái những thành tựu kinh tế to lớn cho đất nước, tiếp tục định hướng phát triển công nghệ sinh học. Chỉ với khoảng 1% dân số lao động nông nghiệp thôi nhưng đất nước này đã dư ăn và còn xuất khẩu nông sản thuộc loại hàng đầu thế giới, chiếm đến 18% thị phần toàn cầu.

Chính sách hỗ trợ cho nông dân của nước Mỹ có từ thế kỷ XIX kéo dài cho đến nay. Ngay từ đầu thế kỷ XX, Quốc hội nước Mỹ đã lập ra các cơ quan dịch vụ hỗ trợ cho nông dân từ kỹ thuật trồng trọt cho đến công nghệ sau thu hoạch. Mức trợ giá của Mỹ đối với nông sản không cao so với châu Âu, nhưng cũng đạt khoảng 7%.

Ở nước ta người nông dân đã không nhận được sự hỗ trợ nào còn phải gánh tròm trèm khoảng 1.000 loại phí theo các báo. Những hoạt động nghiên cứu và khoa học kỹ thuật cho nhà nông khá yếu ớt và điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thì cứ được ca đi hát lại không biết bao năm mà hầu như không có sự can thiệp ở mức độ vĩ mô nào cả.

Hậu quả? Như những lời than thở của Mỹ Linh và những câu tục ngữ mới, như “con đường ngắn nhất đi từ nhà ra nghĩa trang là đi qua bao tử”, “Ăn gì cũng chết, không ăn chết lẹ hơn”…

Bao giờ thì chúng ta mới thôi “thả mồi bắt bóng”…?

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiêu thụ điện lập kỷ lục, cảnh báo hóa đơn tiền điện tăng cao
Cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc lên cao kỷ lục, có ngày lên tới gần 1 tỉ kWh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thả mồi bắt bóng…