Kiều Trinh là một trường hợp đặc biệt của làng phim Việt Nam: Xuất phát điểm rất thấp - vào nghề muộn... nhưng cuối cùng đã có một vị trí trang trọng trong giới.
Văn hóa

Kiều Trinh: Từ gái quê dõng dạc đi thẳng vào làng phim Việt

Hoàng Lê 29/12/2023 17:05

Kiều Trinh là một trường hợp đặc biệt của làng phim Việt Nam: Xuất phát điểm rất thấp - vào nghề muộn... nhưng cuối cùng đã có một vị trí trang trọng trong giới.

Nói đến giới nghệ sĩ người ta thường nhắc đến những vị trí lấp lánh của họ dưới ánh đèn màu trên thảm đỏ hoặc ở sự kiện giải trí. Và khi đánh giá sự thành công của giới nghệ sĩ hiện giờ, nhiều người có thói quen nhìn vào mật độ xuất hiện trong các tin bài, chùm ảnh điểm danh váy áo và hoạt động thường nhật trên các trang báo mạng...

Nhưng với nghệ sĩ Kiều Trinh thì khác. Chị không phải là sao hot trên thảm đỏ hay cái tên ưa thích ở mục tin showbiz. Vị trí đang nói đến của Kiều Trinh chính là chỗ đứng trong lịch sử phim Việt - nơi chị nghiễm nhiên đường hoàng là một trong những cái tên đáng nhớ nhất...

414367940_737507516.jpg
Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Kiều Trinh - Ảnh: NVCC

Đời như phim

Như nhiều người biết, cuộc đời Kiều Trinh có lẽ còn nhiều tình tiết hay ho hấp dẫn hơn cả những bộ phim chị đóng. Trong đó có cả cái mê-lô của phim tình cảm lẫn những bước ngoặt ấn tượng trong phim ly kỳ và cả những khoảng lặng ám ảnh trong phim nghệ thuật. Ngay từ khi được biết đến sau phim Mùa len trâu, câu chuyện về cuộc đời Trinh đã được báo chí chú tâm khai thác.

Kiều Trinh xuất thân trong một gia đình nghèo, lớp 9 đã phải bỏ học để mưu sinh. Chị rời quê Bình Phước lên Sài Gòn làm đủ nghề, từ bưng bê, dọn dẹp trong quán ăn đến làm công nhân may với đồng lương ít ỏi rồi chuyển nghề phục vụ quán bar. Cuộc sống riêng tư cũng là một bi kịch khi chị sớm lấy chồng rồi cũng sớm bỏ chồng lúc con gái còn nhỏ dại. Chị có lẽ sẽ vẫn là một bà mẹ đơn thân vô danh, bất hạnh nếu không có bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời: Được chọn đóng phim.

Vai diễn đầu tiên đã ngay lập tức là một nhân vật nặng ký trong một bộ phim lớn, trong khi chị chưa có chút kinh nghiệm nào, hiểu biết điện ảnh cũng hạn hẹp. Vậy mà Kiều đã thể hiện chân thật, trọn vẹn cứ như thể chị chính là nàng Bân mặn mòi, truân chuyên trên những cánh đồng Nam Bộ mênh mang mùa nước nổi ấy.

411613049_3778274139075636_8618638160966126776_n.jpg
Kiều Trinh và Lê Thế Lữ trong phim Mùa len trâu - bộ phim chạm ngõ điện ảnh của Kiều Trinh ở tuổi 28 - Ảnh: NVCC

Mùa len trâu (2004) là đứa con đầu tay của cả đạo diễn và hai diễn viên chính, vậy mà “nó” trưởng thành và già dặn như thành phẩm của một tập thể đầy mình kinh nghiệm. Gần như hoàn hảo, bộ phim của tiến sĩ vật lý U.50 Nguyễn Võ Nghiêm Minh xứng đáng ở những vị trí tốp đầu trong danh sách những phim Việt hay nhất nhiều năm qua. Cùng với chàng trai trẻ Lê Thế Lữ cũng lần đầu đứng trước ống kính, Kiều Trinh đóng góp công lớn trong thành công đó.

Có lẽ, chính sự tương đồng trong cuộc đời và trải nghiệm của chị với số phận nhân vật đã giúp Kiều Trinh cảm nhận và lột tả vai diễn dễ dàng hơn. Nhưng, tiên quyết vẫn là tài năng! Kiều Trinh không phải kiểu người chỉ nhờ hợp vai “mài mình ra ăn” mà có năng khiếu diễn xuất trời cho. Hàng loạt vai diễn tiếp theo là minh chứng cho điều đó.

Ai đã xem Rừng đen (2007) của đạo diễn Vương Đức, hẳn sẽ không thể không ấn tượng với Vân, một phụ nữ đẹp hừng hực sức sống, hoang dã và quyết liệt bên bến sông giữa rừng đại ngàn.

174996.jpg
Kiều Trinh và Thạch Kim Long trong Rừng đen - một trong những cặp đôi ấn tượng nhất trên phim Việt - Ảnh: NVCC

Còn trong Bi, đừng sợ (2010) của đạo diễn Phan Đăng Di - bộ phim Việt đầu tiên đến LHP Cannes, chị diễn như đang sống trong ngôi nhà của mình - của “mẹ cu Bi”.

“Diễn như đang sống” chính là cảm giác khi xem Kiều Trinh trên các bộ phim điện ảnh. Trong ba cái tên đáng chú ý nhất của dòng phim nghệ thuật Việt Nam hiện tại thì: Xem Hồng Ánh, người ta vẫn nhận thấy là chị đang diễn, có điều là diễn rất giỏi. Xem Đỗ Hải Yến, người ta thấy chị diễn thản nhiên như không diễn. Còn xem Kiều Trinh, thậm chí người ta thấy chị như đang sống đời thực trên phim.

Trong điện ảnh, Kiều Trinh đặc biệt được các đạo diễn phim độc lập tin tưởng. Ngoài 3 vai chính nói trên, chị xuất hiện trong nhiều vai phụ ở các bộ phim đáng xem của điện ảnh Việt trong 10 năm qua. Đó là Dịu dàng (đạo diễn Lê Văn Kiệt), Cha và con và... (đạo diễn Phan Đăng Di), Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (đạo diễn Mai Thế Hiệp - Bình Nguyên), Song lang (đạo diễn Leon Quang Lê), Thưa mẹ, con đi (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh).

411360527_384633430634513_5763649820627962339_n.jpg
Kiều Trinh và Hà Phong trong Bi, đừng sợ - bộ phim Việt đầu tiên tham dự LHP Cannes năm 2010

Dù đất diễn không nhiều, Trinh vẫn làm người ta phải nhớ đến mình. Chẳng hạn như cảnh bà dì ghê gớm trong Dịu dàng ngồi võng vạch ti hở trọn vẹn bầu ngực cho con bú hết sức tự nhiên, thật như thể ta ngang qua vườn nhìn thấy vậy. Hay như cảnh bà cán bộ phụ trách kế hoạch hóa gia đình trong Cha và con và... ngồi nhờ cậu sinh viên nhiếp ảnh (Lê Công Hoàng) tính toán phần trăm các chỉ tiêu này khác cứ nhẩn nha, bình thản như đang diễn ra trong buổi chiều nào đó. Hoặc chỉ một scene (bối cảnh) ngồi sụt sùi xem cải lương trên tivi đen trắng cùng tập thể lối xóm thời thập niên 1980 trong Có căn nhà nằm nghe nắng mưa cũng đủ khiến chị nổi bật giữa đám đông hàng xóm trong khu chung cư cũ. Vào vai cô đào cải lương trong phim Song lang, Trinh cũng có màn ca trên sân khấu ngắn ngủi nhưng chuyên nghiệp như nghệ sĩ cải lương thứ thiệt. Còn trong Thưa mẹ, con đi, chỉ vài phân đoạn, chị đủ làm khán giả khó quên hình ảnh bà thím đanh đá, sân si.

411467268_830615618864498_7511276787959102509_n.jpg
Đài các trong Song lang (đạo diễn Leon Quang Lê) và chao chát trong Thưa mẹ, con đi

Trên đây chỉ là vài vai diễn ít ỏi trong phim điện ảnh. Chưa kể hàng chục nhân vật mà chị hóa thân trong hàng trăm tập phim truyền hình, đủ nhân dạng, tính cách, số phận từ nghèo khó đến cao sang, từ cam chịu đến cay nghiệt. So với Hồng Ánh xuất sắc nhưng các vai diễn hơi cùng một tông và thường không lẫn đi đâu được sự duyên dáng, thì biên độ cảm xúc và sắc thái trong các vai diễn của Kiều Trinh lớn hơn, đa dạng hơn.

Ít ai biết, nếu may mắn hơn, Trinh đã là cô gái điếm Sương của Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình) - vai diễn sau đó thuộc về Đỗ Hải Yến; đã là người mẹ bán hoa quả mê anh tài xế xe tải trong Tâm hồn mẹ (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) - vai diễn sau đó vào tay Hồng Ánh. Đó là những vai diễn mà chị đã được các đạo diễn nhắm tới trước tiên.

Nhìn tài năng của Kiều Trinh, lại ước điện ảnh nước nhà sôi động hơn, để vẻ đẹp đàn bà mặn mòi của chị được sáng lên nhiều lần thêm nữa trên màn ảnh rộng. Nói đến “vẻ đẹp đàn bà”, phải nói đến những cảnh nóng Trinh đã thể hiện. Dù mới đóng ít phim điện ảnh nhưng chị đã có nhiều cảnh nóng gây chú ý, đến mức có thời được báo chí đặt danh xưng là “nữ hoàng cảnh nóng”. Trinh xứng đáng là “nữ hoàng cảnh nóng”, nhưng không phải vì chị chịu khó “cởi đồ”, mà bởi chị sở hữu những cảnh nóng nghệ thuật, đáng xem nhất.

Những cảnh nóng của Trinh không phải dạng “đẹp và thơm” (một câu thoại trong Cô dâu đại chiến của Victor Vũ) kiểu music video. Thứ đèm đẹp, bắt mắt, ve vuốt cảm xúc kiểu “phim siêu thị” (một câu thoại trong Scandal: Bí mật thảm đỏ của Victor Vũ) mà ta gặp nhiều trên phim ảnh Việt.

Những cảnh sex của Trinh ở một đẳng cấp khác. Đó là chân thật, trần trụi, riêng tư, sống động và đặc biệt không cảm giác mang tính trình diễn. Nó cũng là những cảnh nóng nghệ thuật, rất đẹp và cần thiết quan trọng trong chuyện phim hoặc thể hiện tâm lý, tính cách nhân vật chứ không thừa thãi hay câu khách đơn thuần.

409502721_729544335895879_7635539279480941877_n.jpg
Kiều Trinh diễn xuất đa dạng trong các phim truyền hình

Trong Mùa len trâu, Bân gội đầu đêm bên suối đá, nhoẻn cười khi thấy Kìm (Lê Thế Lữ) đi ra. Cậu trai mới lớn bất ngờ ôm đè chị ra phiến đá, trước khi bị đạp ngã ngồi xuống khe nước. Trong Bi, đừng sợ, mẹ cu Bi nằm sau quặp chân vào người bố cu Bi (Nguyễn Hà Phong) trong khi bàn tay miệt mài thọc vào quần đùi người chồng đang nằm thờ ơ mặt không biểu lộ xúc cảm. Trong Rừng đen, Hoạt (Thạch Kim Long) giằng bát rượu từ tay cô chủ quán Vân, sấn sổ ôm cô một cách ráo riết sau khi thản nhiên giới thiệu “Cho nợ nhé, mới ra tù, chưa có tiền”.

Có nhiều "scene" như thế trong các phim của Trinh. Tiếc rằng, xuân sắc nhanh qua, vẻ đẹp mặn mòi của chị chưa kịp được khai thác nhiều bởi năng lực sản xuất của phim Việt chưa cao, và chị bây giờ thường phải vào vai bà, vai mẹ.

Gia đình điện ảnh

Lại nói tiếp về câu chuyện cuộc đời Trinh - như phim. Bước đi tiếp theo bất ngờ không kém gì bước ngoặt ban đầu: Cuộc đời bù đắp cho chị hạnh phúc lớn lao khi đứa con gái từ cuộc hôn nhân thiếu may mắn đầu tiên ai ngờ cũng có năng khiếu diễn xuất và sớm được “tổ đãi”.

16 tuổi, chưa hề có chút kinh nghiệm đứng trước máy quay, Thanh Tú cũng tình cờ được chọn vào vai chính nặng ký về tâm lý trong bộ phim Dịu dàng (2013) của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Phim nhỏ đẹp đúng kiểu phim độc lập và gây ấn tượng sâu sắc, đặc biệt diễn xuất của Tú được tán thưởng. Một vai diễn ám ảnh. Sau màn chào sân gây chú ý với giới mộ điệu, Tú lập tức lọt vào mắt xanh của một loạt đạo diễn cả dòng phim nghệ thuật lẫn thương mại. Và cô nhanh chóng trở thành một trong số những gương mặt trẻ hứa hẹn nhất của điện ảnh Việt ở thế hệ mình.

410969474_909975713630715_2755789855963699279_n.jpg
Thanh Tú, con gái Kiều Trinh qua loạt phim ấn tượng

Thanh Tú đã có góp mặt thêm trong những phim nghệ thuật đình đám nhất trong vòng một thập niên qua như Cha và con và... (2015) của Phan Đăng Di, Song lang (2018) của Leon Quang Lê, Ròm (2019) của Trần Dũng Thanh Huy, Thưa mẹ con đi (2019) của Trịnh Đình Lê Minh và nhận được những lời đánh giá đầy tích cực của các đạo diễn tài năng này.

Năm 2018 là năm thăng hoa trong sự nghiệp của Tú khi cô có tới 5 tác phẩm điện ảnh ra rạp. Trong đó, nổi bật là vai phản diện cực kỳ ấn tượng - cô nữ sinh cá biệt đối lập với nhóm Ngựa hoang trong bộ phim thanh xuân gây sốt Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) và vai diễn xuất sắc - Duyên, cô gái miền biển cô đơn, chứa đựng nhiều nỗi niềm trong Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ).

Giữa lúc hứa hẹn nhất của sự nghiệp với một vai diễn chính được đạo diễn Phan Đăng Di nhắm tới cho phim nghệ thuật Tiệc trăng tròn chuẩn bị khởi quay nhưng sau đó đình trệ, Tú đã giã từ màn bạc một cách âm thầm không một lời tuyên bố. Bộ phim ấy cho đến năm nay, sau 7 năm mới đủ điều kiện chín muồi để khởi động lại, và Kiều Trinh vẫn được Phan Đăng Di tin tưởng "chọn mặt gửi vàng" nhưng Thanh Tú thì đã không còn đồng hành với phim nữa.

Cô đã xa rời trường quay để làm công việc chuyên môn ở một công ty sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa tại Trường đại học Hoa Sen, để lại bao tiếc nuối cho những khán giả trót yêu vẻ đẹp rất điện ảnh và khả năng diễn xuất trời phú của mình.

Lại tiếp tục một bước ngoặt khác nữa của cuộc đời Kiều Trinh. Trong khi con gái cả không tiếp tục theo nghề thì bất ngờ cậu con trai thứ 2, em cùng mẹ khác cha của Tú, là Đỗ Kỳ Phong lại nối gót mẹ và chị bước vào làng điện ảnh.

410071314_372941665407356_8514578639039273104_n.jpg
Đỗ Kỳ Phong, con trai Kiều Trinh sớm chạm ngõ điện ảnh khi chưa đầy 4 tuổi, với phim Cha và con và...

Đời điện ảnh của Kỳ Phong khởi đầu sớm và thuận lợi, thậm chí còn hơn cả cô chị, khi em ra mắt khán giả ở tuổi 13 trong phim bom tấn Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Dù vai Cò của Kỳ Phong không nhiều đất diễn nhưng việc xuất hiện trong một tác phẩm đình đám cũng là một điểm truyền thông tích cực cho tên tuổi cậu bé. Khi Đất rừng phương Nam còn chưa hạ nhiệt, Phong đã cùng mẹ ra Phú Yên để vào phim Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, trong vai phiên bản thời trẻ của một trong 3 nhân vật chính. Bộ phim dựa theo truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh này cũng thu hút sự quan tâm từ khi công bố dự án.

411058417_725807752945088_1842087674543804368_n.jpg
Kiều Trinh đồng hành cùng con trai trong 2 dự án phim lớn: Đất rừng phương nam và Ngày xưa có một chuyện tình

Ít ai biết, thực tế, ánh sáng trường quay còn chiếu vào Phong từ gần 10 năm trước, khi mới chưa tròn 4 tuổi. Khi ấy, bé được bác Phan Đăng Di chọn vào vai cháu của nhân vật chính do Lê Công Hoàng đóng trong phim Cha và con và... bộ phim Việt đầu tiên tranh giải tại LHP Berlin. Trinh và Di vẫn còn cười khi nhắc lại kỷ niệm về sự ngây thơ của Phong khi ấy. Cậu bé diễn cảnh quăng điện thoại của chú xuống sông, ném xong thấy mọi người xôn xao, lo lắng và bị mẹ đánh mắng (tình huống trong phim) thì quên mất là mình đang diễn, nên sợ thực sự và khóc tức tưởi, lại thành ra hợp đúng với cảnh quay, không cần phải diễn.

403396299_1101372641023596_183320463491484886_n.jpg
Kiều Trinh có một mùa Giáng sinh ấm áp bên cha và các con - Ảnh: NVCC

Kiều Trinh còn một bé gái út rất dễ thương. Hỏi chị có hướng nốt bé theo nghề "gia truyền" không, chị bảo: "Nàng đó thì mê nghề số 1 nhưng còn nhỏ nên Tổ chưa chọn. Để từ từ chị lo cho cậu con trai xong sẽ lo cho bé út theo nghề". Dù có đời tư sóng gió, phức tạp, với 3 đứa con của 3 người cha khác nhau, Trinh vẫn là một người may mắn và hạnh phúc khi sở hữu tài năng hơn người, được làm nghề đúng sở trường và có các con giỏi giang, ngoan ngoãn, hiếu thuận. Hiện tại, chị đang rất sung sức với nghề ở cả hai địa hạt điện ảnh và truyền hình.

Và chắc chắn, trang vàng điện ảnh Việt Nam sau này sẽ không thiếu tên Nguyễn Kiều Trinh.

Bài liên quan
Kiều Trinh: Cuộc đời buồn hơn phim
Nói đến Kiều Trinh, khán giả nghĩ ngay đến một diễn viên chuyên trị những vai sexy bạo liệt. Thế nhưng, đằng sau những vai diễn thành công của Kiều Trinh là muôn vàn nỗi niềm cay đắng, là phận người trải qua nhiều thử thách đến khó tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
4 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiều Trinh: Từ gái quê dõng dạc đi thẳng vào làng phim Việt