Áp dụng quy trình canh tác rải vụ cây vú sữa rải vụ ở Kế Sách có hiệu quả. Đây là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn.

Kinh nghiệm cho vú sữa ra trái rải vụ ở Kế Sách

Vũ Bá Quan | 26/04/2023, 10:11

Áp dụng quy trình canh tác rải vụ cây vú sữa rải vụ ở Kế Sách có hiệu quả. Đây là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn.

Huyện Kế Sách là vùng trồng và cung ứng vú sữa xuất khẩu chính của tỉnh Sóc Trăng. Tính đến nay, diện tích trồng cây vú sữa trên địa bàn huyện là hơn 2.234 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Thời gian thu hoạch vú sữa từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 4 năm sau; thu hoạch cao điểm vào tháng 1-2 hàng năm. Việc ra hoa và thu hoạch theo mùa vụ tự nhiên dẫn đến cung vượt cầu khiến thị trường bị dội chợ khi thu hoạch rộ, giá vú sữa rớt mạnh; trong khi các tháng còn lại nguồn hàng vú sữa bị gián đoạn.

hoi-thao.jpg

Trong giai đoạn từ 2018 - 2022, sản lượng vú sữa hợp đồng xuất khẩu và cung ứng cho phân khúc thị trường chất lượng cao trong nước chỉ chiếm từ 5 - 8% sản lượng của nhà vườn trong các hợp tác xã do thời vụ thu hoạch tập trung, cung vượt cầu, thị trường không thể tiêu thụ hết trong một thời gian ngắn.

Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn nêu trên, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng vú sữa tím tứ quý (giống vú sữa cho trái quanh năm) thì việc nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật xử lý ra hoa rải vụ là giải pháp cấp thiết để có thể gia tăng sản lượng tiêu thụ theo hợp đồng. Đặc biệt, giải pháp ra hoa rải vụ giúp cho sản lượng xuất khẩu gia tăng và duy trì thường xuyên. Qua đó, hiệu quả kinh tế của nhà vườn trồng vú sữa sẽ tăng cao và bền vững hơn.

Biện pháp xử lý ra hoa trái vụ trên cây vú sữa tại ở huyện Kế Sách được phát hiện từ thực tế sản xuất: Một vài vườn bị giông lốc làm gãy nhánh đang mang bông, trái non, sau khi cắt dọn lại thì cây ra đọt non và ra đợt bông mới; những cây này cho thu hoạch trễ hơn vài tháng so với những cây bình thường. Từ quan sát thực tiễn và dựa vào đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây vú sữa, nhà vườn đã tìm ra cách rải vụ bằng cách cắt tỉa cành cây vú sữa khi cây đang mang bông để có vụ thu hoạch vú sữa muộn hơn. Biện pháp rải vụ/trái vụ này không áp dụng biện pháp tạo sốc cho cây, không sử dụng hóa chất để xử lý nên sinh trưởng của cây không bị ảnh hưởng xấu. Do đó, biện pháp xử lý nêu trên an toàn và bền vững.

quy-trinh.jpg

Biện pháp xử lý ra hoa trái vụ bằng cách cắt tỉa nhánh như sau:

Theo tập quán canh tác truyền thống thì vào tháng 6 - 7 cây vú sữa đang ra bông vụ thuận, muốn cây ra trái vụ thì nhà vườn phải mạnh dạn cắt bỏ các nhánh mang bông để tạo cơi đọt mới. Chăm sóc tốt thì cơi đọt này sẽ ra bông vào tháng 9 - 10 và trái sẽ cho thu hoạch vào tháng 5 - 6 năm sau (xem sơ đồ quy trình tóm tắt).

tham-vuon.jpg
Khách tham quan vườn vú sữa ra trái rải vụ - Ảnh: Vũ Bá Quan

Điều kiện để việc xử lý ra bông trái vụ thành công là độ tuổi cây từ 5 - 10 năm sau khi trồng, cây sinh trưởng tốt; việc cắt nhánh để tạo cơi đọt phải phù hợp (cắt hết đoạn nhánh của cơi đọt trước), sao cho ánh sáng có thể xuyên qua tán cây đến được tất cả các nhánh trên cây.

Việc chăm sóc cho cây vú sữa rải vụ cũng tương tự như chăm sóc cây vụ thuận. Cụ thể như sau: 

- Chăm sóc giai đoạn làm đọt, sau khi cắt đọt, nếu trời nắng, đất vườn khô thì tưới cho đủ ẩm; khoảng 5 - 7 ngày sau khi cắt đọt bón phân lần 1 gồm: hữu cơ (3 - 5kg/gốc) + phân Urea (200g/cây) + DAP (200g/cây). Khoảng 30 - 35 ngày sau khi bón lần 1, bón phân lần 2: NPK 20-10-10 hoặc NPK 20-20-15 với liều lượng 400 - 500g/gốc.

Khi cây nhú đọt, phun thuốc có hoạt chất Emamectin, Imidacloprid, Propineb để bảo vệ đọt non khỏi sự gây hại của côn trùng và bệnh hại. Phun bổ sung phân bón lá Bioted, chất kích thích tăng trưởng Atonik để đọt mập, mạnh. Phun lặp lại lần 2 với thuốc bảo vệ thực vật như trên, cách lần phun thứ nhất 20 ngày.

- Chăm sóc giai đoạn ra bông - xổ nhụy bón phân NPK 25-25-5 hoặc NPK 20-20-15 với liều lượng khoảng 300-400g/gốc. Phun thuốc bảo vệ bông với thuốc có hoạt chất Emamectin, Propineb. Bổ sung phân bón lá có chứa Bo để tăng khả năng đậu trái.

-  Chăm sóc giai đoạn mang trái: Phun thuốc bảo vệ trái không bị nhiễm sâu rầy, bệnh thán thư với thuốc có hoạt chất Emamectin, Propineb. Phun bổ sung phân bón lá có chứa calci, NPK 6-6-6.

Sau khi đậu trái đến khi trái được 1,5 tháng tuổi, tùy vào lượng trái trên cây, có thể bổ sung phân NPK 12-12-18 hoặc NPK 15-03-15 với liều lượng khoảng 400 - 500g/gốc. Khoảng 2 dến 2,5 tháng sau khi đậu trái (đường kính trái đạt 2-2,5cm) tiến hành bao trái.

Ông Sử Quốc Lộc - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách) cho biết, từ vài cây làm thử nghiệm của niên vụ trước, năm nay trong hợp tác xã đã có 6ha thực hiện xử lý ra hoa trái vụ.

Việc xử lý ra hoa trái vụ được nhà vườn áp dụng nhờ đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: Chi phí không tăng, năng suất tương đương vụ thuận (20 tấn/ha) nhưng giá bán trung bình cao hơn 9.000 đồng/kg (25.000 đ/kg so với 16.000 đ/kg); lợi nhuận vụ nghịch tăng thêm hơn 180 triệu đồng/ha so với vụ thuận. Ngoài ra, nhân công thu hoạch vụ nghịch không bị khan hiếm và giá thuê nhân công thu hoạch rẻ hơn vụ thuận.

Từ kết quả thành công trong năm 2023, trong các năm tiếp theo nhà vườn đã áp dụng rải vụ tiếp tục điều chỉnh rải vụ để kéo dài vụ thu hoạch đến tháng 6 hoặc tháng 7.

Việc xử lý ra bông trái vụ để rải vụ thu hoạch vú sữa chỉ thành công khi có hợp tác xã đứng ra tổ chức sản xuất và lên kế hoạch rải vụ cho các thành viên. Nếu tổ chức tốt, các hợp tác xã có thể kéo dài thời gian cung ứng trái vú sữa phục vụ cho xuất khẩu và siêu thị trong nước từ 4 - 5 tháng như hiện nay lên 7 - 8 tháng khi áp dụng biện pháp rải vụ.

Nhằm nhân rộng mô hình này, vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật rải vụ trên cây vú sữa”. Tại hội thảo này các nhà vườn tiêu biểu của 8 hợp tác xã trồng vú sữa sau khi được “mắt thấy, tai nghe”, “tâm phục, khẩu phục” đã đăng ký thực hiện các mô hình rải vụ tại địa bàn của mình. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện quy trình rải vụ trên cây vú sữa và đánh giá so sánh các chỉ tiêu về chất lượng trái (độ dày vỏ, cấu trúc thịt trái, độ brix) vụ giữa trái vụ thuận và trái rải vụ để đưa ra biện pháp canh tác phù hợp.

Giải pháp rải vụ trên cây vú sữa “lợi cả đôi đường” cho cả nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nên trong thời gian tới chắc chắn diện tích rải vụ sẽ được nhân rộng và đạt hiệu quả ngày càng cao hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh nghiệm cho vú sữa ra trái rải vụ ở Kế Sách