Cùng với sự phát triển chóng mặt của internet thì các loại hình dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) cũng không ngừng gia tăng. Người tiêu dùng sử dụng ngày càng phổ biến các ứng dụng CNTT, từ đi xe chung cho đến chia sẻ phòng dư trong nhà. Mặc dù còn đối mặt với nhiều “thị phi” nhưng sự tăng tốc của loại hình kinh tế chia sẻ này đang góp phần tạo nên một môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, mà suy cho cùng thì người tiêu dùng được hưởng lợi.

Kinh tế sẻ chia: Thị phi cũng lắm, tiện nghi cũng nhiều

Kim Vân | 09/08/2016, 16:03

Cùng với sự phát triển chóng mặt của internet thì các loại hình dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) cũng không ngừng gia tăng. Người tiêu dùng sử dụng ngày càng phổ biến các ứng dụng CNTT, từ đi xe chung cho đến chia sẻ phòng dư trong nhà. Mặc dù còn đối mặt với nhiều “thị phi” nhưng sự tăng tốc của loại hình kinh tế chia sẻ này đang góp phần tạo nên một môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, mà suy cho cùng thì người tiêu dùng được hưởng lợi.

Các loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ thông qua các ứng dụng CNTTđang rất được ưa chuộng trong thời gian gần đây. Có thể kể đến một vài ứng dụng phổ biến như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông, Airbnb trong lĩnh vực cho thuê phòng, và gần đây là Propzytrong giao dịch bất động sản (BĐS).

Không ít thị phi

Những ứng dụng này đều giống nhau ở chỗ giúp kết nối trực tiếp người có nhu cầu sử dụng với người cung cấp dịch vụ, từ đó giảm đáng kể chi phí. Tuy nhiên, theo những người sử dụng dịch vụ thì đằng sau những lợi ích dễ thấy là nhiều vấn đề mà họ phải đối mặt.

Chị Hạnhnhà ở quận 9, TP.HCM cho biết do nhà còn dư một phòng nên chị tìm đến với dịch vụ chia sẻ phòng airbnb.com. Thông qua trang web này, chị tìm được một vị khách nước ngoài thuê 3 tháng với giá thuê khá tốt so với mặt bằng cho thuê phòng trên thị trường, mà lại không mất phí trung gian. Ngoài ra, khi cho người nước ngoài thuê phòng, chị cũng kỳ vọng tạo điều kiện cho cậu con trai thực hành tiếng Anh.

Tuy nhiên, khi vị khách đến ở thì gia đình chị mới biết phải đối mặt với những chuyện không ngờ. “Cậu ta ra khỏi phòng không bao giờ chịu tắt máy lạnh;ăn uống, nấu nướng xong thì không chịu dọn dẹp, mặc dù gia đình đã nhắc nhở nhiều lần”, chị Hạnh cho biết. Chị cho rằng nhiều người hiện nay khi quyết định chia sẻ lại không gian nhà mình cho người khác, chỉ nhìn thấy khoản lợi tức mà không lường trước được những rắc rối có thể phát sinh do khác biệt lối sống.

Còn đối với các khách sạn chính thống, dịch vụ Airbnb bị cho là gây tác động xấu đến công việc kinh doanh của họ khi khách bình dân luôn có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, đồng thời muốn tìm cơ hội hòa mình với cuộc sống thực sự của người bản xứ. Tại nhiều nước trên thế giới, các khách sạn tố dịch vụAirbnb cạnh tranh không lành mạnh do không chịu ràng buộc, không phải đóng thuế nên dẫn đến phá giá.

Dịch vụ chia sẻ xe Grab, Uber không còn xa lạ gì đối với những khách hàng trẻ, có kiến thức về công nghệ. Chỉ cần tải ứng dụng này về máy smartphone, bằng vài lần chạm, khách đã có thể kết nối trực tiếp với một chủ xe hơi (hoặc xe máy) cung cấp dịch vụ chở thuê, với mức giá rẻ bằng khoảng 50 -70% so với sử dụng taxi truyền thống. Sự ra đời của các ứng dụng này khiến đa số người tiêu dùng hài lòng, nhưng cũng không ít người trải nghiệm những bực dọc do chất lượng dịch vụ cung cấp không tốt, thiếu chuyên nghiệp. Chị Hoanhà ở quận Tân Bình, TP.HCM kểchị đã hết sức khó khăn vào một ngày trời mưa vì anh tài xế Uber ngại không chịu chở 3 mẹ con chị vào nhà trong hẻm, cũng không chịu giúp đỡ gì, điềm nhiên nhìn một người phụ nữ xoay xở với 2 đứa con nhỏ, lại còn giục chị xuống xe nhanh để anh ta đi đón một người khác. Trong khi đó, cũng nhiều người tỏ ra lo lắng liệu người tài xế bất kỳ họ liên hệ được qua các ứng dụng trên có đáng tin cậy không...

Người tiêu dùng vẫn chọn

Cũng tương tự như Airbnb, các ứng dụng chia sẻ xe đang bị xem là cạnh tranh không lành mạnh với các hãng taxi truyền thống. Và đây xem ra vẫn tiếp tục là cuộc cạnh tranh không có hồi kết, khi mà dù có những phàn nàn, lượng người đăng ký sử dụng các dịch vụ chia sẻ vẫn không ngừng gia tăng. Lý do,với hầu hết mọi người tiêu dùng, giá cả vẫn là yếu tố quyết định, nhất là khi sự khác biệt trong chất lượng dịch vụ không phải quá lớn.

Trong xu thế sử dụng dịch vụ chia sẻ ngày càng phổ biến, một ứng dụng chia sẻ mới trong lĩnh vực BĐS ra đời cách đây không lâu giữa lúc thị trường giao dịch BĐS đang càng lúc càng nhộn nhịp. Đó là trang Propzy.vn, giúp kết nối những người có nhu cầu giao dịch nhà đất với nhau. Rút kinh nghiệm từ sự chênh lệch giữa kỳ vọng của khách và bên cung cấp dịch vụ, đại diện của Propzy.vn đã đặt giữa họ một người môi giới. “Người bán – mua vẫn trực tiếp trao đổi nhưng môi giới Propzy là người giúp đảm bảo quyền lợi giữa hai bên, nhằm đi đến thỏa thuận và an tâm giao dịch”, ông John Lê, đại diện của Propzy.vn cho biết.

Theo ông Lê, giao dịch bao gồm nhiều khâu phức tạp, ẩn chứa cả rủi ro trong quá trình từ thẩm định, đàm phán giá, thủ tục pháp lý cho đến soạn thảo hợp đồng. Do đó, sự xuất hiện của bên thứ 3 đại diện Propzy giúp tạo nên một quy trình trọn gói, giúp các bên không cần phải liên hệ nhiều đơn vị khác nhau trong quá trình giao dịch.

Do còn khá mới mẻ, đại diệntrang web kết nối những người có nhu cầu giao dịch BĐS cho biết gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc thay đổi hành vi của khách hàng, vốn trước giờ vẫn quen đưa thông tin nhà đất của mình đến các sàn giao dịch.

Dù hằng ngày vẫn phải đối mặt với những chỉ trích trong cạnh tranhtrong chất lượng dịch vụ nhưng không thể phủ nhận sự ra đời của các ứng dụng công nghệ đang góp phần khiến cho môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, từ đó đòi hỏi các loại hình dịch vụ truyền thống luôn phải làm mới mình nếu không muốn mất thị phần về tay các nhà sáng chế ứng dụng.

Kim Vân
Bài liên quan
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế sẻ chia: Thị phi cũng lắm, tiện nghi cũng nhiều