Động lực chủ yếu cho đợt hồi phục hiện tại của kinh tế Trung Quốc đã chấm dứt. Các dữ liệu cơ bản đang xấu đi đáng kể: doanh số bán xe hơi trên thị trường sụt giảm mạnh, doanh số bán lẻ và chỉ số CPI cũng đều yếu. Nó đang cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang bước vào giai đoạn suy thoái theo chu kỳ.
Dự báo mới nhất của nhà hoạch định chiến lược thị trường, người đã đưa ra dự báo chính xác về sự bùng nổ giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc trước khi sụp đổ vào năm 2015, cho biết: Việc các kho dự trữ hàng hóa và nguyên liệu ở Trung Quốc đang tăng lên đáng kể trong thời gian vừa qua cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang bước vào giai đoạn suy thoái theo chu kỳ, đồng nghĩa với việc sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất và tăng trưởng trái phiếu toàn cầu.
Hong Hao, người đưa ra nhận định nói trên và hiện là nhà chiến lược thuộc tập đoàn Bocom International Hodings có trụ sở ở Hồng Kông, cho biết: “Động lực chủ yếu cho đợt hồi phục hiện tại của kinh tế Trung Quốc đã chấm dứt. Các dữ liệu cơ bản đang xấu đi đáng kể: doanh số bán xe hơi trên thị trường sụt giảm mạnh, doanh số bán lẻ và chỉ số CPI đều yếu, đó là những điều đã được dự báo từ trước theo mô hình tính toán của tập đoàn, thậm chí kết quả còn chính xác ở mức đáng kinh ngạc”.
Theo thống kê của Hong Hao, ở thời điểm hiện tại lượng tồn kho quặng sắt tại các cảng ở Trung Quốc đang đạt mức cao kỷ lục, trùng khớp với mức đỉnh của chu kỳ đầu tư bất động sản tại thị trường trong nước. Nhà chiến lược này cho biết: “Khi tăng trưởng sụt giảm, nhu cầu và giá trị trái phiếu cũng sẽ suy yếu; đồng thời khi áp lực lạm phát sụt giảm đột ngột, thì nhu cầu đối với các loại hàng hóa và nguyên liệu cũng sẽ giảm theo”.
Quan điểm của Hong Hao được xem là có sự tương phản khá lớn với hầu hết các nhà phân tích chiến lược ở cả Trung Quốc lẫn trên thế giới, rằng nền kinh tế Trung Quốc cùng với các nước đang phát triển hiện đang duy trì được sự cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng ổn định và thoát khỏi áp lực giảm phát vốn đã làm suy giảm năng suất trái phiếu toàn cầu giai đoạn 2014-2016. Hầu hết các nhà phân tích trên toàn cầu đều hy vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, thậm chí có thể cao hơn mức dự báo mà chính phủ nước này đưa ra là 6,5%.
Thậm chí, khá nhiều các nhà đầu tư hiện đang coi sự ổn định của kinh tế Trung Quốc như một trụ cột chính quan trọng đã tác động đến sự hồi phục thị trường toàn cầu chứ không phải là những cam kết tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mặc dù có sự cải thiện nhất định trong thời gian vừa qua về sản xuất cũng như giá trị trái phiếu tại Trung Quốc, tuy nhiên chúng vẫn thấp hơn đáng kể so với năm ngoái. Lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm dù đã tăng 2,43% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa qua, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh được thiết lập vào tháng 7 năm ngoái khoảng 1,32%. Tuy nhiên, có vẻ như dấu hiệu không thực sự khả quan này đã không ngăn được một số nhà phân tích đưa ra dự báo về sự hồi phục thương mại trong thời gian sắp tới.
Ngoài các dấu hiệu không khả quan về doanh số bán lẻ, CPI lẫn tình trạng gia tăng các kho dự trữ hàng hóa, thì một cơ sở đáng chú ý khác cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể sắp bước vào giai đoạn suy thoái là việc chính phủ nước này có xu hướng thắt chặt tiền tệ để tránh những biến động xấu từ thị trường trong nướcvà tác động từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào giữa tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết mức độ mở rộng tín dụng trong nền kinh tế năm nay sẽ chỉ ở mức 12%, thấp hơn so với mức 14-15% trong 2 năm 2015 và 2016.
Bhanu Baweja, Giám đốc chiến lược tại các thị trường mới nổi của Tập đoàn UBS Group AG, cho biết sự mở rộng tín dụng quy mô lớn một cách nhanh chóng của Trung Quốc đã giúp thúc đẩy nền kinh tế nước này cũng như nền kinh tế thế giới, vì thế việc giảm bớt quy mô mở rộng tín dụng có thể sẽ đem lại những tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Ngoài ra, nó còn cho thấy Trung Quốc đang tìm cách giảm rủi ro mang tính hệ thống có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường nội địa.
Kịch bản xấu nhất cho Trung Quốc là nước này có thể lâm vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ, hoặc ít nhất là một cuộc tranh chấp và gia tăng phòng vệ thương mại với Tổng thống Donald Trump. Hong Hao cho biết: “Triển vọng thương mại của Trung Quốc đang ngày càng u ám hơn. Và nếu cả Mỹ lẫn Trung Quốc bắt đầu các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian tới, thì sự bất ổn ngay lập tức sẽ xảy ra”.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)