Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ vì trước đó nhiều cơ quan y tế cảnh báo ivermectin không có tác dụng điều trị COVID-19.
Hôm 31.1.2022, công ty thương mại và dược phẩm Kowa (Nhật Bản) cho biết loại thuốc chống ký sinh trùng ivermectin đã được phát hiện có hiệu quả để điều trị người nhiễm biến thể Omicron trong thử nghiệm giai đoạn 3.
Theo Kowa, thử nghiệm cho thấy ivermectin có "tác dụng kháng vi rút" với biến thể Omicron mà không cung cấp thêm chi tiết.
Kowa đã hợp tác với Đại học Kitasato, một trường đại học y khoa ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), trong thử nghiệm này.
Các thử nghiệm lâm sàng đánh giá ivermectin, được sử dụng để diệt giun, loại trừ ký sinh trùng ở động vật và người, đang được tiến hành nhưng việc quảng bá thuốc này như phương pháp điều trị COVID-19 đã gây ra tranh cãi.
Ivermectin không được phê duyệt để điều trị COVID-19 ở Nhật Bản và Cục Quản lý Dược phẩm Liên bang Mỹ nhiều lần cảnh báo việc sử dụng thuốc này.
Dù đôi khi được dùng cho người với liều lượng nhỏ để trị chấy, ghẻ và các loại ký sinh trùng khác, ivermectin thường được sử dụng nhiều hơn ở động vật. Hồi tháng 7 và 8.2021, các bác sĩ ở Mỹ cảnh báo về việc ngày càng có nhiều người mua ivermectin từ các trung tâm cung cấp thuốc cho vật nuôi, nơi thuốc có thể ở dạng cao đặc hoặc dạng lỏng.
Các cuộc gọi đến các trung tâm kiểm soát chất độc về việc phơi nhiễm với ivermectin đã tăng lên đáng kể, tăng gấp 5 lần so với mức cơ bản của họ vào tháng 7.2021, theo các nhà nghiên cứu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) - trích dẫn dữ liệu từ Hiệp hội các Trung tâm Kiểm soát Chất độc Mỹ.
Omicron có 3 dòng phụ, biến thể “tàng hình” lây truyền mạnh nhất trong gia đình
Biến thể Omicron ban đầu (BA.1) có khả năng lây truyền cực nhanh và hiện chiếm đa số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Nhiều nhà khoa học đang theo dõi sự gia tăng các ca COVID-19 được gây ra bởi biến thể phụ của Omicron là BA.2 (còn gọi là Omicron “tàng hình”), bắt đầu cạnh tranh với BA.1 ở các khu vực của châu Âu và châu Á.
Trên toàn cầu, BA.1 chiếm 98,8% số ca mắc COVID-19 mới theo giải trình tự được gửi đến cơ sở dữ liệu theo dõi vi rút công khai GISAID tính đến ngày 25.1.2022. Thế nhưng, một số quốc gia đang báo cáo sự gia tăng gần đây của BA.2, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ngoài BA.1 và BA.2, WHO liệt kê hai biến phụ khác của Omicron là BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả đều có liên quan chặt chẽ về mặt di truyền, nhưng mỗi loại đều sở hữu các đột biến có thể thay đổi cách chúng hoạt động.
Trevor Bedford, nhà vi rút học tính toán tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) đang theo dõi sự phát triển của SARS-CoV-2, cho biết BA.2 đại diện cho khoảng 82% ca mắc COVID-19 mới ở Đan Mạch, 9% ở Anh và 8% tại Mỹ, dựa trên phân tích của ông về dữ liệu giải trình tự từ GISAID và số lượng trường hợp từ dự án Our World in Data thuộc Đại học Oxford (Anh).
BA.1 có phần dễ theo dõi hơn các biến thể trước đó vì thiếu một trong ba gen mục tiêu được sử dụng trong xét nghiệm PCR thông thường. Theo mặc định, các ca mắc COVID-19 hiển thị mẫu này được giả định do BA.1 gây ra.
BA.2 không có cùng một gen mục tiêu bị thiếu như BA.1. Thay vào đó, các nhà khoa học đang theo dõi BA.2 giống các biến thể trước đó, bao gồm cả Delta, bằng cách xem số lượng bộ gen vi rút được gửi đến cơ sở dữ liệu công cộng như GISAID.
Cũng giống các biến thể khác, nhiễm BA.2 có thể được phát hiện bằng các kit xét nghiệm nhanh tại nhà dù không thể xác định ra chủng nào, các chuyên gia cho biết.
Theo Troels Lillebaek, Chủ tịch Ủy ban giám sát của Đan Mạch về các biến thể SARS-CoV-2, cho biết biến thể BA.2 có 5 đột biến độc nhất nằm trên một phần đặc biệt của protein gai liên quan đến khả năng truyền nhiễm cao hơn.
Theo CNBC, có sự khác biệt lớn hơn về đột biến giữa BA.1 và BA.2 so với SARS-CoV-2 ban đầu và Alpha - biến thể có đột biến lớn đầu tiên lây lan trên thế giới.
Theo ước tính của Tom Peacock - nhà vi rút học tại Đại học Hoàng gia London (Anh), BA.2 khác biệt về protein so với BA.1 có thể đến hàng chục. BA.2 có rất nhiều đột biến với khoảng 20 trong số chúng ở protein gai gắn bên ngoài vi rút giống với BA.1. Song, BA.2 cũng có những biến đổi di truyền bổ sung không được thấy trong phiên bản đầu tiên.
Các chuyên gia cũng chưa biết chắc liệu ai đó đã nhiễm BA.1 có bị nhiễm BA.2 không. Thế nhưng, họ hy vọng nhiễm BA.1 trước đó có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu sau đó nhiễm BA.2.
BA.1 có các đặc điểm di truyền cụ thể cho phép các quan chức y tế nhanh chóng phân biệt nó với Delta bằng cách sử dụng một xét nghiệm PCR nhất định. Trong khi BA.2 không có cùng đặc điểm di truyền này. Trong xét nghiệm, BA.2 trông giống Delta.
Tiến sĩ Wesley Long, nhà nghiên cứu bệnh học tại Houston Methodist thuộc bang Texas, Mỹ, nói: “Không phải là xét nghiệm PCR không phát hiện ra BA.2, chỉ là nó không giống Omicron. Đừng có ấn tượng rằng Omicron 'tàng hình' có nghĩa là chúng tôi không thể phát hiện ra nó. Tất cả các xét nghiệm PCR của chúng tôi vẫn có thể phát hiện ra nó".
Các nhà khoa học sẽ tiến hành các thử nghiệm để xem liệu kháng thể từ nhiễm BA.1 "có thể vô hiệu hóa BA.2 trong phòng thí nghiệm không và ngoại suy từ đó", ông Wesley Long nói thêm.
Một số báo cáo ban đầu chỉ ra rằng BA.2 thậm chí lây nhiễm mạnh hơn BA.1, nhưng cho đến nay không có bằng chứng cho thấy nó có nhiều khả năng tránh sự bảo vệ bằng vắc xin.
Các quan chức y tế Đan Mạch ước tính rằng BA.2 có thể lây truyền gấp 1,5 lần BA.1, dựa trên dữ liệu sơ bộ, mặc dù nó có khả năng không gây bệnh nặng hơn.
Tại Anh, theo một phân tích sơ bộ về lần theo dấu vết tiếp xúc từ ngày 27.12.2021 đến 11.1.2022 của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), sự lây truyền trong gia đình cao hơn trong số những người tiếp xúc với ca nhiễm BA.2 (13,4%) so với biến thể Omicron khác (10,3%).
Hôm 28.1.2022, UKHSA lưu ý rằng BA.2 có lợi thế về lây truyền đáng kể so với BA.1 ở Anh. UKHSA nói rằng tốc độ phát triển của BA.2 tăng lên so với BA.1 ở tất cả vùng nước Anh, nơi có đủ số ca mắc COVID-19 để so sánh chúng.
UKHSA cho biết không có dữ liệu về mức độ nghiêm trọng của BA.2 so với BA.1, nhưng nhắc lại rằng đánh giá sơ bộ không tìm thấy sự khác biệt nhiều về hiệu quả vắc xin chống lại bệnh có triệu chứng giữa hai biến thể Omicron này.
UKHSA cũng đưa ra phân tích ban đầu về hiệu quả của vắc xin chống lại BA.2 đang phát triển ở Anh và Đan Mạch, cho thấy mức độ bảo vệ tương tự trước BA.1 với bệnh có triệu chứng.
UKHSA cho biết: “Với hai liều vắc xin, hiệu quả tương ứng là 9% và 13% với BA.1 và BA.2 sau hơn 25 tuần. Con số này tăng lên 63% với BA.1 và 70% với BA.2 từ 2 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường".
Các loại vắc xin được sử dụng chủ yếu ở Anh là AstraZeneca, Pfizer, Moderna. Dễ thấy các vắc xin này có hiệu quả ngăn nhiễm BA.2 có triệu chứng tốt hơn BA.1 đôi chút.
Một câu hỏi quan trọng là liệu những người nhiễm BA.1 có được bảo vệ trước BA.2 hay không, theo tiến sĩ Egon Ozer, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern ở thành phố Chicago (Mỹ).
Đó là mối quan tâm ở Đan Mạch, nơi một số vùng có số ca nhiễm BA.1 cao đã ghi nhận các ca nhiễm BA.2 đang gia tăng, theo tiến sĩ Egon Ozer.
Egon Ozer nhận định: “Nếu nhiễm BA.1 trước đó không bảo vệ trước BA.2, đây có thể là một làn sóng dịch giống lạc đà hai bướu. Còn quá sớm để biết liệu điều đó có xảy ra hay không".
Ông nói tin tốt là vắc xin COVID-19 và mũi tăng cường vẫn giúp nhiều người không phải nhập viện cũng như tử vong.