Sau đại dịch, nhu cầu đi lại tăng cao tỷ lệ với đà khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Có thể đẩy mạnh áp dụng công nghệ như làn sóng xanh để giúp việc đi lại thêm thuận tiện, tiết kiệm.

Kỳ 1: Phát huy công nghệ làn sóng xanh giúp thông huyết mạch giao thông sau dịch COVID-19

Anh Tú | 12/11/2021, 15:27

Sau đại dịch, nhu cầu đi lại tăng cao tỷ lệ với đà khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Có thể đẩy mạnh áp dụng công nghệ như làn sóng xanh để giúp việc đi lại thêm thuận tiện, tiết kiệm.

Trong các đô thị có mật độ giao thông lớn, việc dùng hệ thống đèn giao thông tại các ngã ba, ngã tư là điều gần như bắt buộc để điều phối luồng di chuyển. Với TP.HCM, việc người dân mỗi khi ra đường để đi làm hay đưa đón thì sẽ phải gặp hàng chục cột đèn giao thông. Sẽ là may mắn nếu trong chuyến đi, chúng ta liên tục gặp đèn giao thông và thật phiền toái nếu liên tục phải dừng xe chờ đèn đỏ.

Với quy mô dân số thành phố như hiện nay, nhu cầu đi lại là rất lớn và sẽ tăng mạnh trong tương lai. Nếu có thể giúp người dân đi lại thuận tiện, nhất là trong việc hạn chế việc mất thời gian chờ đèn đỏ thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cho người lao động, giảm được ô nhiễm do khí thải động cơ trong lúc chờ đèn và giảm kẹt xe thì điều đó rất có ý nghĩa trong chiến lược khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế sau đại dịch.

Theo kết quả từ mô hình mô phỏng dự báo giao thông, số hành trình đi lại trung bình của mỗi người dân TP.HCM năm 2020 là 3,16 chuyến đi/người/ngày và cao hơn so với số hành trình đi lại của các đô thị trong khu vực. Hãy nghĩ rằng nếu mỗi người dân mà bớt được mỗi ngày vài phút từ việc chờ đèn đỏ nhân với hàng triệu người thì con số thu được rất đáng kể.

lan-song-xanh.jpg

Nhiều người cho rằng việc gặp đèn đỏ lên tục là do “đen chứ đỏ thì quên đi”. Thực ra, nếu đội quản lý giao thông có tính toán thì người tham gia giao thông sẽ chỉ gặp đèn đỏ một lần rồi sau đó sẽ liên tục được gặp đèn xanh mà không phải trông chờ vận đỏ.

Khái niệm Làn sóng xanh phục vụ ý tưởng như vậy. Làn sóng xanh được khởi đầu từ hệ thống giao thông nước Đức những năm 1960 là một hệ thống tín hiệu thi hành khi một loạt đèn tín hiệu giao thông trên các giao lộ của một đường phố hoạt động phối hợp nhau đảm bảo cho dòng xe cộ được chạy thông suốt trên đường này. Chẳng hạn trên các giao lộ của một trục đường các đèn hiệu màu xanh (đỏ) liên tục chạy đuổi nhau với tốc độ trung bình 25-35 km/giờ (là tốc độ cho phép xe chạy trong thành phố) sẽ đảm bảo dòng xe cộ chạy với tốc độ trên được thông suốt mà không phải dừng lại.

Với những xa lộ nhiều làn tốc độ thì Làn sóng xanh không phát huy hiệu quả nhưng ở các đường phố nhỏ mà các phương tiện chung làn ở trong TP.HCM thì việc dùng làn sóng xanh lại phát huy hiệu quả rất tốt. Tốc độ di chuyển trung bình của tín hiệu nên ở phạm vi 20-25 km/h cho giờ cao điểm khi mật độ giao thông đông đúc, 25-30 km/h trong các giờ còn lại khi mật độ xe ít hơn.

Để kéo giảm thực trạng ùn tắc đang ngày càng gia tăng, trước đại dịch COVID-19 TP.HCM đã thực hiện thí điểm mô hình “Làn sóng xanh” tại 7 tuyến đường trung tâm. Cụ thể Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã tổ chức phân tích, đánh giá lưu lượng giao thông trên các tuyên đường trục chính để xây dựng bổ sung các kịch bản điều khiển “làn sóng xanh” trên các tuyến đường như đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi, Pasteur, Trương Định... Kết quả ban đầu rất tích cực, đem lại sự di chuyển thuận lợi hơn cho người tham gia giao thông.

Kỹ sư Nguyễn Kỳ Nam – Đội phó Đội vận hành giám sát giao thông, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM giải thích về nguyên lý áp dụng trên 7 tuyến đường:  "Dựa trên khoảng cách của các nút giao, trung tâm thực hiện đo đếm lưu lượng cũng như phân tích tốc độ lưu thông qua từng ngày, từng tuần, tháng đề xuất 1 vận tốc lưu thông hợp lý 30-35km/h. Từ đó trung tâm tính ra thời gian lệch pha giữa các nút giao lân cạnh và xây dựng kịch bản làn sóng xanh cho 7 tuyến đường".

Tuy nhiên việc thí điểm trên có vẻ bị ảnh hưởng do trong gần 4 tháng thực hiện giãn cách do đại dịch thì người dân TP.HCM gần như ít ra đường. Kể từ 1.10.2021, TP.HCM đã nới lỏng giãn cách và số lượng phương tiện giao thông đã dần đông trở lại. Đây chính là lúc TP.HCM nên tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Làn sóng xanh trên các tuyến đường.

Tất nhiên, quy hoạch đường trong nội đô TP.HCM rất phức tạp và không thể đảm bảo mọi con đường đều có thể áp dụng làn sóng xanh nhưng chỉ cần vài chục phần trăm thích hợp thì điều này cũng đủ ý nghĩa rồi.

Dự báo từ mô hình mô phỏng, đến năm 2025, nhu cầu giao thông tại thành phố sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày. Sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cơ giới cá nhân đã dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông đô thị, đặc biệt trong giờ cao điểm. Điều này gây áp lực lên cơ sở hạ tầng và những lãng phí về nhân lực, kinh tế. Nếu có thể áp dụng làn sóng xanh thì TP.HCM sẽ giúp giảm bớt áp lực cho mình, tập trung nguồn lực tốt hơn cho phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19.

Kỳ sau: Cần phổ biến khái niệm làn sóng xanh

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Phát huy công nghệ làn sóng xanh giúp thông huyết mạch giao thông sau dịch COVID-19