Việc nền kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào khu vực FDI đã được các chuyên gia kinh tế nhắc đến từ lâu, nhưng nó có thể đem lại những hậu quả gì thì ít được đề cập. Vậy, điều gì sẽ chờ đợi nền kinh tế Việt Nam nếu tiếp tục quá phụ thuộc vào FDI?

Kỳ 1: Vì sao kinh tế Việt Nam lại quá phụ thuộc vào FDI?

Một Thế Giới | 16/03/2016, 11:06

Việc nền kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào khu vực FDI đã được các chuyên gia kinh tế nhắc đến từ lâu, nhưng nó có thể đem lại những hậu quả gì thì ít được đề cập. Vậy, điều gì sẽ chờ đợi nền kinh tế Việt Nam nếu tiếp tục quá phụ thuộc vào FDI?

Một sự kiện đáng chú ý trong những ngày vừa qua là việc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố bản báo cáo tổng quan thị trường tài chính của Việt Nam trong năm 2015. Trong đó, hầu hết các vấn đề vĩ mô quan trọng nhất của nền kinh tế và thị trường tài chính quốc gia đều đã được thống kê một cách tương đối đầy đủ. Một trong số đó là việc báo cáo thừa nhận sự phụ thuộc nặng nề của nền kinh tế vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang thực sự là một vấn đề đáng lo ngại trong tương lai, và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, trong buổi công bố bản báo cáo, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã bày tỏ lo ngại khi tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, mức độ tăng xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, trong khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn chậm: “Chúng ta còn phụ thuộc bên ngoài nhiều. Tái cơ cấu DNNN có chuyển biến tốt tuy còn chậm. Thị trường chứng khoán suy giảm, tỷ lệ cổ phần hóa nắm giữ của tư nhân đối với DNNN còn thấp”.
Dù việc nền kinh tế và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI đã được không ít các chuyên gia kinh tế nhắc đến lâu nay, thì việc báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia thừa nhận vấn đề này có thể đem lại những hệ quả không nhỏ đang cho thấy tính chất không thể coi nhẹ của tình trạng này.
Trên thực tế, việc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, không phải là chuyện gì quá lạ lẫm. Hầu hết các trường hợp được xem là thành công trong việc phát triển nền kinh tế những năm vừa qua như Singapore, Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc đều ít nhiều có bóng dáng của các doanh nghiệp FDI.
Trường hợp được xem là thành công trong việc thu hút FDI để trở thành nguồn lực đóng vai trò chủ yếu cho tăng trưởng gần đây nhất có thể kể đến Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc chính thức gia nhập WTO vào năm 2001, dòng vốn đầu tư nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đã đổ vào nước này, biến Trung Quốc trở thành một nơi được mệnh danh là “công xưởng thế giới”. Quãng thời gian sau năm 2001 cũng đánh dấu một giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng cao nhất, luôn ở trên mức 10%/năm.
Vì thế, nếu như khu vực FDI có giữ một vị thế quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam thì cũng không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, một thực tế là khu vực FDI lại đang giữ một vị thế quá lớn, hay nói chính xác hơn là lớn hơn mức bình thường đối với một nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển. Tính đến cuối năm 2015, xuất khẩu của khu vực FDI đã chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với tổng giá trị lên tới hơn 115 tỉ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước chỉ là khoảng 162,4 tỉ USD. Với việc nguồn vốn đầu từ FDI đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn năm 2015 và đầu năm 2016 (trong 2 tháng đầu năm đã tăng 135% so với cùng kỳ), thì mức độ gia tăng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI sẽ còn lớn hơn nữa.
Tính trung bình trong vòng 5 năm trở lại đây, cứ mỗi năm tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế Việt Nam lại tăng khoảng 3-4%. Cụ thể là, tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2010 mới đạt khoảng 54,1% thì đến năm 2013 đã tăng lên 66,9%, đến năm 2014 là 68% và đến cuối năm 2015 thì đạt mốc trên 70%. Đây được xem là một tốc độ tăng trưởng nhanh đến mức đáng ngại, đặc biệt là khi nó đi kèm với một thực tế là tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước lại đang có xu hướng teo nhỏ lại.
Chẳng hạn như trong năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đã giảm 3,5% so với cùng kỳ. Điều này có nghĩa là, sự tăng trưởng tỷ trọng xuất khẩu nhanh chóng của khu vực FDI không chỉ đến từ việc khu vực này không ngừng gia tăng quy mô đầu tư và sản xuất, mà còn đến từ việc cạnh tranh, lấn lướt và đè bẹp một phần tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước.
Vậy vì sao khu vực FDI trong nền kinh tế Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng được đánh giá là nhanh một cách bất thường như vậy? Hay nói cách khác vì sao nền kinh tế Việt Nam lại ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI như hiện nay? Về cơ bản, đây được xem là kết quả của chính sách chú trọng vào tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng từ 2007-2011. Khi các bộ phận chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng trì trệ do khủng hoảng kép trong giai đoạn 2007-2011, như khu vực doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân, thì Việt Nam đã thúc đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế như một biện pháp cứu vãn tăng trưởng.
Thống kê lại mức độ gia tăng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua, có thể thấy tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng mạnh nhất trùng với thời điểm nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhất. Năm 2010 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI mới chiếm khoảng 54,1% thì đến năm 2013 đã tăng lên tới 66,9% và đến cuối năm 2015 thì đã lên tới trên 70%. Nhờ khu vực FDI mà xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trở lại từ sau năm 2011, và đến cuối năm 2015 thì được xem là đã phần nào hồi phục lại gần như hoàn toàn khi đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao là 6,7%.
Tuy nhiên, kể cả khi nền kinh tế Việt Nam đã phần nào hồi phục sau năm 2015 và về lý thuyết thì vai trò của khu vực FDI đối với tăng trưởng kinh tế đã đến lúc cần chậm lại và nhỏ dần lại, thì thực tế dường như lại đang ngược lại. Với việc ký kết một loạt các hiệp định thương mại quan trọng như TPP hay các FTA với EU và Hàn Quốc, cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam đang tiếp tục mở rộng cửa hơn với các doanh nghiệp FDI và sẵn sàng tiếp tục để khu vực FDI giữ một vị trí ngày càng lớn hơn nữa trong nền kinh tế Việt Nam trong những năm sắp tới.
Nếu tốc độ vốn đầu tư FDI tiếp tục đổ vào nền kinh tế Việt Nam lớn như trong năm 2015 thì việc vai trò của khu vực FDI với nền kinh tế cũng như sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực này sẽ còn tăng cao hơn nữa là điều gần như chắc chắn. Trong hai năm 2014 và 2015, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI luôn có mức tăng trung bình từ 14-15%/năm, và nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, thì việc tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI đạt tới mốc 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng không phải là quá lâu nữa để trở thành sự thực. Và khi đó, có lẽ Việt Nam sẽ nằm trong top các nước có mức độ phụ thuộc xuất khẩu vào khu vực FDI cao nhất trên thế giới.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Stockbiz, Vneconomy)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
VEPR dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 khoảng 5,5 - 6%
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Còn nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo đó VEPR thận trọng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trong khoảng từ 5,5 - 6% trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 1: Vì sao kinh tế Việt Nam lại quá phụ thuộc vào FDI?