Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây đã ban hành kết luận sơ bộ mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong lần rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10) đối với các lô hàng tôm xuất khẩu từ ngày 1.2.2014 đến 31.1.2015.

Thuế chống bán phá giá tôm Việt vào Mỹ tăng gần 4 lần

Một Thế Giới | 15/03/2016, 15:22

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây đã ban hành kết luận sơ bộ mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong lần rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10) đối với các lô hàng tôm xuất khẩu từ ngày 1.2.2014 đến 31.1.2015.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá mà DOC áp dụng cho tôm Việt Nam đối với ba bị đơn bắt buộc gồm Minh Phú, Thuận Phước và Fimex lần lượt là 2,86% và 4,78%. Mức thuế sơ bộ cho các bị đơn tự nguyện là 3,56%, cao gấp gần 4 lần so với thuế chính thức của POR9 (0,91%). Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lại có mức thuế là 25,76%.
Mặc dù vậy, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói rằng đây chỉ là kết quả sơ bộ, kết quả chính thức sẽ được công bố sớm nhất là vào đầu tháng 7.
Trước đó, ngày 10.3, thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho hay, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã ra thông báo về việc tiến hành rà soát lần thứ hai đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.
Mục đích của đợt rà soát này nhằm xác định liệu Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá sản phẩm tôm có dẫn đến nguy cơ tái diễn, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian hay không.
Việc rà soát được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm, kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát (tính từ tháng 4. 2011).
Về tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ năm 2015 đạt 657 triệu USD, giảm 38,3% so với năm 2014.
Đặc biệt, xuất khẩu trong tháng 10.2015 đạt giá trị cao nhất trong năm với trên 85 triệu USD.
Hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm số một của Việt Nam, tuy nhiên trong cơ cấu thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này đã giảm so với năm 2014.
VASEP cho rằng nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2015 giảm là do giá xuất khẩu giảm, nhu cầu yếu và bị cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung đối thủ.
Không những vậy, giá thành sản xuất tôm cao đang là nguyên nhân chính dẫn tới giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung trên thị trường Mỹ.
Đồng nội tệ của các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc… phá giá mạnh 15- 30%, trong khi VND chỉ giảm giá nhẹ. Việc này cũng được đánh giá là những nguyên nhân chính khiến tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khó cạnh tranh với các quốc gia nói trên.
Trong đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9), thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, mức thuế trung bình mà Mỹ áp dụng cho tôm xuất khẩu Việt Nam là 0,91%, đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3.2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8. 
Với mức thuế này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2016 dự kiến sẽ khởi sắc nhờ những tín hiệu tích cực từ kết quả rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
VEPR dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 khoảng 5,5 - 6%
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Còn nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo đó VEPR thận trọng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trong khoảng từ 5,5 - 6% trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuế chống bán phá giá tôm Việt vào Mỹ tăng gần 4 lần