Trong suốt thời gian vận động tranh cử đó, chính phủ cố giữ thăng bằng giữa hai mục tiêu đề ra tại VN: tránh đưa quân chiến đấu Mỹ đến NVN trong khi bảo vệ cho bằng được NVN khỏi vòng kiểm soát của cộng sản.
Thực hiện được hai mục tiêu đó ngày càng thật khó. Tình hình tại NVN, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, cứ xấu đi dần. Và trước khả năng chính phủ Sài Gòn sụp đổ tới nơi, chúng tôi, cả ở Washington lẫn ở Sài Gòn đều bất đồng ý kiến về những gì cần làm. Cứ họp miết, trao đổi hết văn thư này đến văn thư khác. Càng vùng vẫy, càng ngán ngẩm trước tình thế phức tạp ở VN, càng chẳng đạt đến một sự nhất trí giải quyết vấn đề.
Ngày 13/8, Cố vấn An ninh Mac Bundy gửi cho Tổng thống một bản tường trình về những diễn biến có thể xảy ra tại Đông Nam Á. Văn bản này phản ánh quan điểm của ông ta, của Ngoại trưởng Dean Rusk và của tôi cũng như của các đồng nghiệp khác ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Văn bản này cùng các văn kiện phụ trở thành tiêu điểm thu hút sự chú ý cùng các tranh luận gay gắt giữa chúng tôi trong những tháng sau đó. Bản tường trình bắt đầu bằng nhận xét:
“Tình hình tại NVN không tốt đẹp gì” rồi đi đến khẳng định rằng khả năng tướng Khánh còn tại vị chỉ còn là 50-50 và rằng giới lãnh đạo Sài Gòn đã cho thấy có những triệu chứng chủ bại. Điều đó tạo ra áp lực hoặc mở rộng chiến tranh bằng cách đưa quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến hoặc phải nghiêm chỉnh nghĩ đến một giải pháp thương lượng, mà trong những điều kiện hiện tại sẽ đồng nghĩa với đầu hàng.
Khuyến cáo duy nhất rõ ràng và trọn vẹn của bản tường trình này là:”Chúng ta phải tiếp tục chống lại bất cứ một hội nghị đàm phán nào về VN bởi lẽ đàm phán mà không kèm theo hành động quân sự liên tục sẽ không giúp chúng ta đạt đến mục tiêu trong một tương lai gần”.
Mac liệt kê ra một danh sách các hành động quân sự khả dĩ có thể tiến hành được, từ việc phát triển các chiến dịch biệt kích giấu mặt thành oanh kích có hệ thống bởi không quân Mỹ tại miền Bắc cùng các đường dây tiếp tế cho miền Nam. Mac hậu thuẫn một đề xuất của tướng Max Taylor theo đó ngày 1/1/1965 sẽ được xem như là ngày khởi đầu xuất phát mọi hoạt động quân sự mà chúng tôi có thể tùy nghi lựa chọn.
Các tướng lĩnh chỉ huy liên quân nhất trí nên chuẩn bị kế hoạch không kích các mục tiêu của Bắc VN và đường mòn Hồ Chí Minh mà mục đích chính là để triệt hạ ý chí chiến đấu của Hà Nội cùng các khả năng tiếp tục yểm trợ cho VC. Các cuộc không kích này cùng với các nỗ lực trên bộ sau này cuối cùng trở thành chiến lược quân sự mà chúng tôi đeo đuổi trong suốt nhiều năm trời sau đó. Vào lúc đó cũng như sau này, các tướng lĩnh đã chẳng hề ước định một cách đầy đủ xem để hoàn thành mục đích đó sẽ phải mất bao thời gian, bao nhiêu sinh mạng, hao tốn bao nhiêu tài nguyên cũng như sẽ phải chịu đựng bao nhiêu bất trắc…
Đọc xong các khuyến cáo này tôi yêu cầu các tướng lĩnh chỉ huy liên quân lượng giá các tác động kinh tế và quân sự của việc không kích các mục tiêu này.
Trong việc hoạch định chiến lược không kích, các tướng tư lệnh vạch ra cái mà sau này sẽ được biết đến dưới cái tên “Danh sách 94 mục tiêu”, gồm các sân bay ở BVN, các tuyến đường giao thông, các cơ sở quân sự, các cơ sở công nghiệp cùng các con đường trinh sát. Họ cho rằng việc oanh kích các mục tiêu này là cần thiết để ngăn ngừa sự sụp đổ vai trò của Mỹ tại Đông Nam Á.