“Xa gần đồn đại khắp các tỉnh thành, khách hàng không dám quan hệ làm ăn với Công ty chúng tôi. Hiện nay doanh số của Công ty chúng tôi đang giảm rất nhiều, tháng 6 giảm gần 10% so với tháng 5, tháng 7 giảm thêm đến hơn 20% so với tháng 5. Tình trạng này kéo dài, Công ty chúng tôi rơi vào phá sản…” - Bà Phạm Thị Ngọc Mai –Giám đốc Công ty TNHH Long Thuận tâm sự với chúng tôi trong uất ức.

Kỳ 3: Sau cú 'đánh úp' của QLTT, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản

Hữu Phú | 21/08/2016, 06:39

“Xa gần đồn đại khắp các tỉnh thành, khách hàng không dám quan hệ làm ăn với Công ty chúng tôi. Hiện nay doanh số của Công ty chúng tôi đang giảm rất nhiều, tháng 6 giảm gần 10% so với tháng 5, tháng 7 giảm thêm đến hơn 20% so với tháng 5. Tình trạng này kéo dài, Công ty chúng tôi rơi vào phá sản…” - Bà Phạm Thị Ngọc Mai –Giám đốc Công ty TNHH Long Thuận tâm sự với chúng tôi trong uất ức.

Kết quả sau hai tháng xác minh

Ngày 10.08.2016 Công ty TNHH Long Thuận đã có buổi làm việc chính thức với Tổ kiểm tra và Chi cục trưởng chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương để ra kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương về vụ kiểm tra đột xuất diễn ra ngày 19.06.2016 tại Công ty TNHH Long Thuận.

Kết quả là: trong 13 hợp đồng của khách hàng mà Công ty TNHH Long Thuận cho thuê kho bãi đã xuất trình cho cơ quan chức năng tại buổi kiểm tra để đảm bảo tính hợp pháp của tổng số 3.503 vỏ, bình gas đã bị tạm giữ để “làm rõ”, có đến 6 hợp đồng đã bị thay đổi cách hiểu nội dung với ý chính là từ “thuê kho, bãi của Công ty TNHH Long Thuận để gởi vỏ, bình gas (vì Công ty TNHH Long Thuận có chức năng này) thành… “số vỏ, bình gas này không phải là của những cửa hàng, công ty đó, hợp đồng được ký là do Công ty TNHH Long Thuận nhờ để đối phó với cơ quan chức năng” (?).

QLTT Bình Dươngtrả lại vỏ chaiLPG tại khocủa Công tyTNHH Long Thuận.

Tức làmột bản Hợp đồng có đầy đủ các yếu tố hợp pháp (với chữ ký, con dấu của cả bên A và bên B) được xuất trình ngay tại thời điểm diễn ra vụ việc đã không có giá trị pháp lý bằng lời khai từ một bên trong Hợp đồng với cơ quan chức năng được xác lập sau thời điểm diễn ra vụ việc!

Nếu như sự việc thực chất đúng như kết quả mà cơ quan chức năng thu thập được trong quá trình “xác minh”, thì cả hai bên A và B trong những bản Hợp đồng đãkhông đượccông nhận bởi cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật bằng nhau vì đã có hành vi cố tình làm giả chứng từ, hồ sơ để qua mặt cơ quan thực thi pháp luật, phải chịu hình phạt như nhau.

Tuy nhiên, trong những vụ “cùng nhau vi phạm pháp luật” ấy, thì đến lúc việc kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Long Thuận đã khép lại bằng một Biên bản vi phạm hành chính của cơ quan QLTT tỉnh Bình Dương vào ngày 10.8.2016, chỉ mới có một mình Công ty TNHH Long Thuận bị xử lý và Công ty này cũng chưa từng “được” các cơ quan QLTT tỉnh Bình Dương “cho” cơ hội để giải trình, giải thích về những Hợp đồng đã bị vô hiệu(!).

Như thế, có cách hiểu nào khác trong hoạt động “xác minh” của cơ quan QLTT tỉnh Bình Dương trong vụ “vi phạm” của Công ty TNHH Long Thuận ngoài những cụm từ như là: “thiếu khách quan”, “không công bằng” hoặc là “có ác ý”?

Còn nếu như cơ quan QLTT tỉnh Bình Dương không "thiếu khách quan", không có "khôngcông bằng", không "có ác ý"… với Công ty TNHH Long Thuận, thì trình độ nghiệp vụ của những cán bộ, nhân viên đã tác nghiệp để thực thi nhiệm vụ trong lúc xác minh ở đâu, mà lại để xảy ra hiện tượng không đủ cơ sở để đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác trong kết quả đưa về để dùng làm căn cứ kết luận vụ việc, để những người bị xác minh phải làm đơn tố cáo về hành vi bất thường của mình?

Vậy, một quyết định xử phạt được căn cứ vào những chứng cứ được đem về bằng phương pháp xác minh đã bộc lộ quá nhiều “vấn đề” như đã nêu liệu có đáng để được chấp hành vô điều kiện?

Biên bản vi phạm hành chính của QLTT

Theo Biên bản vi phạm hành chính cơ quan QLTT tỉnh Bình Dương lập ra cho Công ty TNHH Long Thuận thì công ty này đã vi phạm các nội dung: 1. Đưa vào lưu thông chai LPG quá thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 52 và khoản 2 điều 4 Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27.8.2013 của Chính phủ; 2. Lưu trữ các loại chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng đã ký theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 53 và khoản 2 diều 4 Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27.8.2013 của Chính phủ;...

Cùng với việc lập biên bản vi phạm hành chính, Đội QLTT số 9 còn thực hiện biện pháp ngăn chặn là tạm giữ 1.237 chai LPG (nhiều thương hiệu) loại 12kg và 30 chai LPG thương hiệu Thủ Đức–Gas loại 45kg, 5 chai LPG hiệu Siam-Gas loại 45kg... chỉ trả lại cho Công ty TNHH Long Thuận 2.239 chai LPG và LPG chai.

Trong buổi làm việc ngày 10.08.2016 với Công ty này để ra Quyết định xử phạt, theo trình bày của Công ty TNHH Long Thuận, ông Trần Văn Tùng – Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương (chủ trì)còn hăm dọa rằng: “Qua đợt này ông sẽ cho mở rộng kiểm tra các mối quan hệ làm ăn với Công ty TNHH Long Thuận” (?).

Ngày 16.8.2016, Cơ quan QLTT tỉnh Bình Dương đã quyết định trả lại cho Công ty TNHH Long Thuận 2.231 chai LPG (vỏ, bình gas), tịch thu 1.272 chai với lý do: 1/ Đưa vào lưu thông chai LPG quá hạn kiểm định kỹ thuật an toàn; 2/ Lưu giữ các loại chai LPG của các thương nhân khác ngoài hợp đồng.

Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Ngọc Mai –Giám đốc Công ty TNHH Long Thuậnthì: bằng những tính toán của người am hiểu trong lĩnh vực kinh doanh ngành gas, với những lỗi vi phạm đã được cơ quan chức năng xác lập trên, dự kiến trong thời gian tới Công ty TNHH Long Thuận sẽ phải nộp phạt số tiền vi phạm hành chính khoảng 80 triệu đồng…

Tổng cộng, nếu tạm tính bằng tiền, Công ty TNHH Long Thuận sẽ phải lập tức chịu thiệt hại tổng số tiền khoảng hơn 400.000.000 đồng (tiền số vỏ bình gas bị tịch thu và tiền phạt), chưa kể những hệ quả phát sinh từ vụ kiểm tra đột xuất của cơ quan QLTT Bình Dương đối với Công ty (doanh số sụt giảm, các đối tác bỏ hợp đồng vì Công ty đã không còn uy tín trên thương trường…).

Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu cơ quan chức năng làm sai?

Đầu giờ chiều ngày 16.8.2016, Cơ quan QLTT tỉnh Bình Dương đã bắt đầu có những chuyến xe đầu tiên chở số chai LPG sẽ phải giao trả cho Công ty TNHH Long Thuận đến trụ sở của Công ty.

Điều đáng ngạc nhiên là, dù chính cơ quan QLTT tỉnh Bình Dương là cơ quan chuyên đi bắt những sai phạm của các cơ sở kinh doanh (từ những sai phạm nhỏ nhất) lại phạm ngay một vi phạm chết người: Chở những chai LPG và LPG chai bằng xe tải bình thường, không phải là xe chuyên dụng! Đến khi những người trong Công ty TNHH Long Thuận lo sợ cho tính mạng của những người đang có mặt tại hiện trường nhắc nhở và yêu cầu cơ quan chức năng làm đúng quy định thì điều này mới được khắc phục. Nếu ngay thời điểm đó, những sự cố về an toàn kỹ thuật xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Những chai LPG của Công ty TNHH Long Thuận bị cơ quan QLTT Bình Dương phạt tịch thu vì lỗi đưa vào lưu thông chai LPG quá hạn kiểm định kỹ thuật an toàn, dù những vỏ bình gas này không hề có chứa nước gas (để chuẩn bị lưu thông) và đang nằm trong… kho của Công ty TNHH Long Thuận (không lưu thông).

Tương tự, những chai LPG khác của Công ty TNHH Long Thuận bị tịch thu vì lỗi lưu giữ các loại chai LPG của các thương nhân khác ngoài hợp đồng, bởi đã có người xác nhận rằng số chai này không phải của họ (không hề có đối chứng giữa các bên có liên quan quyền lợi và nghĩa vụ) – dù trước đó cũng chính những người này đã ký những Hợp đồng hợp pháp và không hề khiếu nại hoặc kêu cứu vì bị ép làm việc phi pháp...

Không một hành vi vi phạm nào của Công ty TNHH Long Thuận bị cơ quan QLTT Binh Dương bỏ sót, kể cả khi nó… chưa xảy ra! Vậy, ai sẽ xử phạt cơ quan QLTT Bình Dương khi cơ quan này vi phạm pháp luật?

Pháp luật không thể chỉ là nghe lời khai hoặc tố cáo từ một phía, không cần quá trình điều tra, đối chứng, săn tìm chứng cứ một cách cân nhắc, có chọn lọc… hoặc áp đặt một cách chủ quan suy nghĩ của một vài người (rằng đối tượng hoặc chủ thể đó sẽ vi phạm) là đã đủ cơ sở để xử lý, theo như cách xử lý những chai LPG của Công ty TNHH Long Thuận của cơ quan QLTT tỉnh Bình Dương.

Vì nếu như thế, thì chính bản thân các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, cụ thể là Chi cục QLTT tỉnh, những cán bộ, chiến sĩ trong phòng PC46 Công an tỉnh có tham gia vào tổ công tác để khám xét, xác minh vụ việc ở Công ty TNHH Long Thuận… cũng đã bị tố cáo bởi những người dân đã từng làm việc với họ qua vụ việc này với rất nhiều tình tiết đáng quan tâm.

Những cơ quan chức năng và cá nhân đang bị tố cáo và khiếu nại có bị xử lý không cần chứng cứ thuyết phục, hay cần phải có một cuộc kiểm tra, điều tra làm rõ tất cả những nghi vấn trong toàn bộ câu chuyện này của các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Bình Dương?

Sự việc không còn dừng lại trong một vụ vi phạm và xử lý vi phạm, vì đã có những công dân đặt vấn đề cụ thể về năng lực cũng như tư cách của một bộ phận chức năng thuộc tỉnh Bình Dương.

Hữu Phú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 3: Sau cú 'đánh úp' của QLTT, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản