Rạng sáng 30.4.1975, đại sứ Martin cũng phải bước lên chiếc trực thăng mang tên Lady Ace 09 (ghi rõ ở hai bên sườn máy bay) rời Tòa đại sứ, để lại dưới đất hơn 420 người Việt đang ngóng lên trời để chờ những chuyến trực thăng khác không bao giờ tới...

Kỳ 6: Oliver Todd với các chuyến bay cuối cùng trên tòa đại sứ

Một Thế Giới | 28/04/2015, 07:39

Rạng sáng 30.4.1975, đại sứ Martin cũng phải bước lên chiếc trực thăng mang tên Lady Ace 09 (ghi rõ ở hai bên sườn máy bay) rời Tòa đại sứ, để lại dưới đất hơn 420 người Việt đang ngóng lên trời để chờ những chuyến trực thăng khác không bao giờ tới...

Những người Việt bị bỏ rơi vẫn tiếp tục áp sát vào tiền sảnh của Tòa đại sứ, để rồi bị “lính thủy Mỹ dùng roi da để trấn áp”. Quá sốc, một số tài xế xe tải nổ máy và nhấn ga lao thẳng vào cổng. Bấy giờ trong sân số đông người Việt bị kẹt lại đang đứng thẩn thờ, gần như tuyệt vọng. Họ hiểu rằng không còn cơ hội ra đi nữa…

Tình cảnh và các chi tiết trên được ghi lại bởi Oliver Todd - một nhà báo kỳ cựu từng trải nghiệm những tác nghiệp của mình từ chiến khu Việt Bắc (thời Pháp), đến những giờ phút mong manh nhất ở Tòa đại sứ Mỹ (Sài Gòn 1975). Oliver Todd viết (Lê Tuấn dịch):

* 3 giờ 15 phút, chiếc trực thăng CH-46 đã hạ cánh xuống nóc sứ quán. Viên phi công đưa ra một thông báo: “Dựa trên báo cáo với con số tổng cộng là 726 người được di tản, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương được phép cử ngay 9 máy bay trực thăng, không được quá con số này”. Những từ “không được quá” đã được nhấn mạnh tới hai lần. “Tổng thống chờ đợi ông đại sứ Martin sẽ đi chuyến trực thăng cuối cùng… Thân ái !”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cũng mong chuyến “trực thăng cuối cùng” sẽ cất cánh vào lúc 3 giờ 45 phút. Martin được yêu cầu phải thể hiện hết trách nhiệm đối với bức điện của Phủ tổng thống Hoa Kỳ. Polgar (đứng đầu tình báo Mỹ CIA tại Sài Gòn) báo trước là ông ta sẽ ngừng tất cả mọi giao dịch vào lúc 3 giờ 20 phút.

* 3 giờ 30 phút: máy bay chỉ huy C-130 bay lượn vòng quanh Sài Gòn và gửi bức mật mã (…): Từ bây giờ sẽ chỉ đưa người Mỹ đi di tản nữa mà thôi. Ông đại sứ Martin sẽ lên chiếc máy bay chỉ dùng cho ông. Kissinger cũng gọi điện cho Martin: “Ông và các anh hùng của ông bắt buộc phải về nhà ngay !”.

Nhà Trắng nhận bức điện của Martin: “Chúng tôi đề nghị được chấm hết nhiệm vụ vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 - giờ Sài Gòn, cần thiết phải phá hủy các máy móc giao dịch liên lạc. Đây là bức điện cuối cùng của sứ quán Mỹ tại Sài Gòn”.

* 4 giờ 42: chiếc trực thăng CH-46 mang tên “Lady  Ace 09” hạ cánh xuống nóc tòa đại sứ. Viên phi công trình một mệnh lệnh của tổng thống Ford: “Ông đại sứ phải lên ngay chiếc Lady Ace 09 !”. Martin cùng với người tùy viên thông tấn, Polgar và đại tá Jacobson, lên máy bay. Nếu ông đại sứ từ chối không chịu ra đi vào lúc đó thì lại đã có một mệnh lệnh khác của đô đốc hải quân hạm đội Thái Bình Dương ký, là: “phải bắt ngay Martin đưa lên máy bay” (Oliver Todd - Tháng 4 ác liệt, Lê Tuấn dịch, NXB Công an nhân dân, Hà Nội 2004, tr. 267-269).

Oliver Todd tường thuật tiếp:

* 5 giờ 30 phút: 200 người Mỹ, trong đó có 170 lính thủy còn chờ ở sứ quán. Nhiều giờ trôi qua. Người lính thủy cuối cùng trèo lên cầu thang. Họ đã đóng chặt cửa, lại còn chốt thêm các thanh sắt (ở phía sau họ). Trong các khoảng trống của cầu thang và trong thang máy, họ vứt tất cả đồ đạc, bàn tủ, tất cả những gì rơi vào tay họ, để lập hàng rào chặn những người chạy trốn (di tản) đang đuổi theo họ. Các lính thủy phải mất hàng giờ mới vượt qua được tầng gác cuối cùng. Họ thả xuống những quả lựu đạn cay làm chảy nước mắt. Có một người trong số họ ném theo quả lựu đạn tấn công. Những người Việt Nam không thể trèo lên cầu thang được. Xung quanh sứ quán có những người lính của miền Nam Việt Nam, mang súng, đi lang thang. Trên nóc sứ quán, người ta phải đặt khẩu liên thanh để canh chừng họ…

(…) Súng cối đã nổ gần sứ quán Mỹ. Lúc bình minh không có sương mù. Chuyến trực thăng cuối cùng đã đến. Cánh quạt của nó hút phải làn khói của lựu đạn cay làm cho các lính thủy ngạt hơi mở mắt không được, chập choạng trèo lên máy bay. Người lính Juan Valder đẩy những người khác lên trước. Viên đội trưởng có cảm giác là những người lính của mình ai cũng muốn lên máy bay sau chót để có thể tự hào nói: “Tôi là người cuối cùng rút khỏi Sài Gòn”.

* 7 giờ 53 phút, chiếc trực thăng cuối cùng bay lên, có những máy bay tiêm kích Cobra hộ tống. Đây là lần đầu tiên, kể từ 10 năm nay, không còn bóng một người lính Mỹ trên đất Việt Nam.

Khi đáp xuống con tàu chỉ huy Blue Ridge, Martin vội vào ngay “buồng thông tin” nơi Polgar đang nói chuyện với các nhà báo, tuyên bố ngay:

- Nếu chúng ta giữ đúng mọi lời cam kết như một quốc gia xứng đáng với tên của nó (Hoa Kỳ - Mỹ) thì tất cả mọi việc sẽ không phải diễn ra như thế này ! (còn nữa).

Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 6: Oliver Todd với các chuyến bay cuối cùng trên tòa đại sứ