Tôi biết dì Bảy hơi chậm, khi dì đã nghỉ hưu, năm 1997, khi Trung tâm Dã ngoại Lửa Việt (tiền thân của Công ty Du lịch Lửa Việt) phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức chương trình Liên hoan “Những người con Hiếu thảo”.

Kỷ niệm với dì Bảy Huệ

Nguyễn Văn Mỹ | 29/05/2022, 17:51

Tôi biết dì Bảy hơi chậm, khi dì đã nghỉ hưu, năm 1997, khi Trung tâm Dã ngoại Lửa Việt (tiền thân của Công ty Du lịch Lửa Việt) phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức chương trình Liên hoan “Những người con Hiếu thảo”.

Liên hoan gây tiếng vang, được nhân rộng thành mô hình của thành phố, dù lúc đó, bảo tàng chưa được công nhận là đơn vị sư nghiệp, còn Lửa Việt đang hoạt động thể nghiệm. Khi đó, dì Bảy Huệ đang làm Tổ trưởng Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ, Cố vấn cho bảo tàng. Tôi nhớ mãi ấn tượng ban đầu về dì. To, cao nhưng giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm, chân tình, phúc hậu. Lúc nào cũng quần đen, áo bà ba trắng hoặc đen rất "Nam bộ” với mái tóc dài, bạc trắng búi sau cổ.

Lửa Việt và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ như cặp bài trùng trong các hoạt động xã hội liên quan tới phụ nữ như: Họp mặt “Nữ Thanh niên Xung phong miền Nam” (phối hợp với báo Người Lao Động), Họp mặt “Đại biểu Phụ nữ Nam bộ”, Họp mặt “Đại biểu Phụ nữ miền Nam”…

ngothihue1.jpg
Bà Ngô Thị Huệ (dì Bảy Huệ, bên phải) là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội Khóa đầu tiên của nước Việt Nam. Bà là phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh: TTXVN

Lần nào dì Bảy cũng là nhân vật chính trong việc vận động tài trợ. Tôi đã đi với dì gặp các đối tác, từ công viên Văn hóa Đầm Sen, Địa đạo Củ Chi đến Dinh Độc Lập, Nhà hát Bến Thành… Lần đi với dì vào Đầm Sen, dì bảo “Chánh Lộc (Giám đốc Đầm Sen) mời hoài mà dì chưa đi được. Lần này, dì sẽ đi chung với các đại biểu phụ nữ Nam Bộ”.

Trong các cuộc họp mặt, ngoài việc giao lưu điển hình, các đại biểu còn đi tham quan thành phố. Tới đâu cũng được đón tiếp trọng thị. Dì kể “Mấy tỉnh điện thoại lên khoe, các bà phấn khởi lắm. Dưới tỉnh, mình đâu có là gì. Lên thành phố được đón tiếp như lãnh đạo quốc tế”.

Các bạn trẻ ở Lửa Việt không chỉ dìu, đẩy xe lăn mà sẵn sàng ẵm các đại biểu yếu vào hội trường. Có lẽ đó là những dịp vui nhất của các mẹ, các chị, dù ngắn ngủi. Tôi học được nhiều bài học quý giá từ các điển hình cho đến từng đại biểu. Dì Bảy xem tôi như người thân. Dì thường gọi tôi là “Cậu Mỹ”. Thi thoảng, dì lục túi, lấy mấy cục kẹo đưa cho tôi và trìu mến bảo “tặng con trai”.

Dì lớn hơn mẹ tôi 17 tuổi. Tôi xem dì như mẹ mình. Trong các chương trình họp mặt, tôi luôn là người dẫn chương trình, trực tiếp làm việc với các điển hình và thông qua ban tổ chức. Dì Bảy là một trong những điển hình của Họp mặt “Đại biểu Phụ nữ miền Nam”, khai mạc tại Dinh Độc Lập năm 1998.

Tôi có thêm nhiều thông tin thú vị về dì. Dì sinh năm 1918 ở Ngã Năm (nay là Sóc Trăng), tên thật là Nguyễn Thị Ngỡi, gia đình có 8 anh chị em. Tôi có gặp dì Chín, hai chị em giống hệt nhau. Dì tham gia cách mạng từ năm 11 tuổi, ăn chay trường cho đến khi lập gia đình. 18 tuổi, dì dược kết nạp Đảng. 19 tuổi là Huyện ủy viên Cầu Ngang. 20 tuổi là Tỉnh ủy viên Trà Vinh và Cần Thơ. 21 tuổi là Liên tỉnh ủy viên 6 tỉnh miền Tây. 22 tuổi là Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23.11.1940).

Năm 1941, dì bị bắt lần thứ nhất. Bị địch tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung. Không tìm được chứng cớ nên buộc phải thả. Năm 1944, dì bị bắt lần hai. Khi quân Nhật giải giáp lính Pháp, dì Bảy vượt ngục về Bạc Liêu, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Tháng 8.1945. Tháng 1.1946, dì Bảy là một trong 10 nữ đại biểu quốc hội Việt Nam (Nam Bộ có 3 đại biểu nữ là Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Thập (1908 – 1996), Trịnh Thị Miếng (1912 – 1989) khóa đầu tiên. Là đại biểu quốc hội các khóa I, II,  III, IV.

Năm 1948, dì Bảy lập gia đình với Xứ ủy viên Nam kỳ Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc, 1915 – 1998). Hai người rất ít khi được bên nhau. Năm 1952, chú Mưới Cúc ra Bắc rồi vào Nam 1954. Năm 1959, đang làm Trưởng ban Phụ vận Thành Ủy Sài Gòn Gia định, dì Bảy được điều ra Bắc, cùng các con là Hòa, Bình, Linh. Dì làm Vụ trưởng Vụ Cán bộ Ban tổ chức TW. Mãi đến tháng 10.1975, cả nhà mới sum họp tại TP.HCM.

Sau khi nghỉ hưu, dì Bảy tham gia nhiều hoạt động xã hội. Là thành viên khởi xướng và sáng lập Hội Bảo trở Bệnh nhân Nghèo TP (dì là Phó chủ tịch), Bệnh viện Miễn phí An Bình; làm nòng cốt trong việc vận động tài trợ. Tôi có tham dự một số buổi đấu giá tranh từ thiện do dì Bảy khởi xướng và đưa nhiều đoàn bác sĩ mổ mắt miễn phí cho người nghèo ở Campuchia, Lào. Mọi người ai cũng đặc biệt quí mến và kính trọng dì. 

Tôi nhớ có lần gặp dì Bảy ở Ban Tuyên huấn (nay là Tuyên giáo) Thành Ủy. Vẫn bộ đồ bà ba, nón lá. Tôi chào và hỏi thăm. Dì bảo vào gặp Tư Tạo (Trần Văn Tạo, Trưởng ban). Mấy nhân viên văn phòng, báo là chú Tư đi họp. Dì ra về. Tôi đưa dì trở lại gặp anh Hồ Thiệu Hùng (Phó ban). Thấy anh Hùng vồn vã, mừng rối rít khi gặp dì, mấy nhân viên xanh mặt. Cứ tưởng dì là bà cụ ở miền Tây lên nhờ cậy chuyện gì. Không ai nghĩ phu nhân nguyên Tổng bí thư lại bình dân như vậy.

Nhờ dì Bảy, tôi hiểu thêm về bà Nguyễn Lục Hà (Hồng Châu 1920 – 2017), vợ đầu của nhà thơ Nguyễn Bính. Khi bà Hồng Châu được tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, tôi cứ nghĩ bà là người nhiều tuổi Đảng nhất. Năm 2020, dì Bảy Huệ được tặng huy hiệu 85 năm tuổi Đảng. Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Dì Bảy là người nhiều tuổi Đảng nhất.

Đầu năm 1999, Lửa Việt thành lập công ty vì Thành đoàn chủ trương không thể có 2 công ty du lịch thuộc Thành đoàn. Chia tay Thành đoàn, Lửa Việt chọn ngày 26.3 làm ngày thành lập, vẫn tiếp tục chất Đoàn trong các hoạt động xã hội, mở đầu bằng Hội Trung thu 1999 tại Dinh Độc Lập dành cho hơn 6.000 trẻ em đường phố.

Một số người hoài nghi động cơ và nguồn tài trợ các hoạt động xã hội của một công ty tư nhân vừa thành lập. Tôi liền mời Đại tướng Mai Chí Thọ (1922 – 2007), lúc đó đã nghỉ hưu và dì Ngô Thị Huệ vào Ban Cố vấn các hoạt động xã hội của Lửa Việt. Cả hai đều vui vẻ nhận lời và góp nhiều ý tưởng thiết thực, hiệu quả.

Thi thoảng tôi vẫn đến thăm dì, gặp cả dì Chín và chị Hòa, chị Bình. Khi về, dì vẫn hay gởi chút trái cây. Có khi là mấy bịch nấm đủ loại, sản phẩm của chị Bình trồng ở Lâm Đồng và cuốn hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh (xuất bản 2011) của dì. Lúc nào dì cũng lạc quan với nụ cười tỏa sáng nghĩa tình. Từ khi dịch bệnh bùng phát, tôi chưa dám ghé lại thăm dì, dù rất muốn. Tôi sợ không khéo mang theo mầm bệnh vào nhà dì. 

Vợ chồng chị Hòa, rồi chị Bình đã đi tour Campuchia bằng đường bộ với Lửa Việt. Các anh chị đều bình dị, khiêm cung như mẹ của mình. Trong đoàn, không ai biết các anh chị là con của nguyên Tổng bí thư. Bạn bè và những người thân của dì còn cho biết, thời bao cấp rất khó khăn, dì một tay đảm đang cả việc nước lẫn việc nhà, để chú tập trung công việc lãnh đạo, đưa thành phố và đất nước đổi mới ngoạn mục.

Nguyên Thủ tưởng Võ Văn Kiệt (1922 – 2008) viết về dì Bảy “Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam bộ, phụ nữ Việt Nam”. Với những công lao to lớn đóng góp cho Hội Bảo trợ Bệnh nhân Nghèo TP và Bệnh viện miễn phí An Bình, dì Bảy xứng đáng mấy lần Anh hùng Lao động nhưng chưa thấy ai đề nghị. Dì vốn khiêm cung nên chẳng quan tâm mấy chuyện đó.

Năm nay dì bước vào tuổi 105 (tuổi mụ). Sức khỏe cũng yếu dần. Quy luật sinh bệnh lão tử là tất yếu. Dù mấy năm chưa gặp và sau này dì có đi xa, tôi vẫn nhớ và giữ mãi nụ cười tỏa nắng, giọng nói chậm nhẹ mà ấm áp nghĩa tình; cả tinh thần lẫn phong cách rất đặc trưng phụ nữ Nam bộ của dì Bảy – Ngô Thị Huệ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm với dì Bảy Huệ