Ngày 3.7 tiếp tục diễn ra 2 môn thi địa lý và hóa học của kỳ thi THPT quốc gia. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho thấy buổi thi môn địa lý có 168 thí sinh (TS) bị kỷ luật, trong đó đình chỉ 150 TS; buổi thi môn hóa học có 8.833 TS bỏ thi, 20 TS bị kỷ luật, trong đó 17 TS bị đình chỉ thi.
Bị đình chỉ thi chủ yếu do mang tài liệu
Các cụm thi ở TP HCM ghi nhận vài sự cố trong ngày thi thứ ba. Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền, Chủ tịch Hội đồng cụm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết ở cụm thi này có một TS ở quận Gò Vấp được chị gái đưa đi thi môn địa lý buổi sáng thì bị tai nạn giao thông chấn thương chân nặng, đành phải bỏ thi.
|
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Gia Định, TP HCM vui mừng sau môn thi địa lý Ảnh: Tấn Thạnh |
Còn tại điểm thi Trường THCS Chu Văn An thuộc cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP HCM, một TS bị đau bụng, gia đình đã đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hội đồng thi đã tư vấn cho gia đình báo cáo lên Sở GD-ĐT để xin đặc cách tốt nghiệp vì TS có học lực khá - theo quy chế thì có thể được xét đặc cách tốt nghiệp THPT.
Trong buổi thi môn địa lý, nhiều trường hợp TS vi phạm quy chế bị đình chỉ do mang và sử dụng tài liệu. Cụ thể: Cụm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng 5 TS, cụm thi ĐH Cần Thơ 7 TS, cụm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM 4 TS (ghi số liệu trên Atlat và mặt sau thẻ dự thi), cụm thi của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM (tại Gia Lai) 9 TS…
Tại Hà Nội, ngay sau khi kết thúc môn thi địa lý, xung quanh khu vực Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, “phao” rải trắng đường. Tại hội đồng thi Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thời gian làm bài mới được hơn 30 phút, các cán bộ coi thi đã lập biên bản đình chỉ 4 TS vì mang tài liệu vào phòng. Tương tự, tại cụm thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có 4 TS bị đình chỉ do mang tài liệu.
Nhiều điểm thi vắng thí sinh
Tại cụm thi số 30 ở Trường ĐH Tây Nguyên (cụm thi liên tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông), trong môn thi hóa học chiều 3-7, có 15.555 TS dự thi, vắng 237 TS không lý do. Riêng cụm thi do Sở GD-ĐT Đắk Lắk tổ chức, môn hóa học có 2.643 TS dự thi, vắng 34 TS.
Tại cụm thi Cần Thơ, có 6.288 TS dự thi môn địa lý. Theo hội đồng thi Trường ĐH Cần Thơ, hiện chỉ còn 17/28 điểm thi THPT quốc gia tập trung tại quận Ninh Kiều. Trong đó, điểm thi tại Khoa Nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ chỉ có 4/36 phòng thi. Theo hội đồng thi Trường ĐH Cần Thơ, tuy TS dự thi không đông như 2 ngày trước nhưng vẫn bảo đảm bố trí đầy đủ giám thị và bảo vệ tại các điểm thi.
Tại cụm thi Trà Vinh, 7/15 điểm thi không có TS dự thi. Tại điểm thi Trường THCS Minh Trí, chỉ có 9 TS dự thi môn địa lý. Trường ĐH An Giang chỉ có hơn 200 TS đến dự thi và chỉ bố trí 3/24 điểm thi cho TS. Điểm thi ở khu trung tâm ĐH An Giang chỉ có 20 TS.
Tại cụm thi ĐHQG TP HCM, nếu ngày 2-7 có 26 điểm thi thì ngày 3-7 chỉ còn 5 điểm thi môn địa lý và 16 điểm thi môn hóa học. TS dự thi ở cụm thi này đạt 98%.
Theo đại diện các trường, việc có đến gần 9.000 TS bỏ thi môn hóa có thể do đây là môn thi chỉ mang tính chất dự phòng trong việc xét tuyển ĐH.
Làm phách sau mỗi môn thi
Với mục tiêu sớm công bố kết quả thi của TS, ngay sau môn thi đầu tiên kết thúc, nhiều cụm đã tiến hành làm phách để khi Bộ GD-ĐT công bố hướng dẫn chấm là chấm thi ngay.
Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế, Chủ tịch Hội đồng cụm thi Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho hay từ ngày 2-7, bộ phận làm phách đã bắt tay vào làm việc. Với số lượng gần 20.000 TS dự thi, trường đã huy động đông đảo cán bộ làm phách và giáo viên chấm thi để kịp tiến độ.
Ở cụm thi của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bộ phận làm phách đã làm việc từ chiều 1-7, tức ngay sau buổi thi đầu tiên. Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền cho biết trường huy động 269 giáo viên chấm thi, trong đó đông hơn vẫn là giáo viên chấm môn toán và văn. Theo kế hoạch, sáng 6-7, nhà trường sẽ bắt đầu chấm thi. Năm nay, cụm thi của Trường ĐH Tôn Đức Thắng có hơn 18.000 TS dự thi.
Ở cụm thi của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, tổ phách cũng đã bắt đầu làm việc ngay sau buổi thi đầu tiên. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, chủ tịch hội đồng thi, cho biết trường đã huy động 300 giáo viên chấm thi các môn tự luận. Khi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, trường sẽ chấm thi ngay để dự kiến ngày 15 hoặc 16-7 là chấm xong.
Đề địa lý: Dễ đạt điểm cao
Thầy Nguyễn Thành Sơn, Tổ trưởng Tổ hóa Trường THPT Einstein Hà Nội, đánh giá so với đề minh họa thì các câu cơ bản dễ hơn. 30 câu đầu (chiếm 60%) rất dễ, chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, nhìn qua có thể làm được ngay nên học sinh (HS) trung bình dễ dàng đạt 5-6 điểm. 40% câu hỏi còn lại có mức độ khó tăng dần, đáp ứng được yêu cầu phân hóa cho mục đích tuyển sinh ĐH; trong đó có 5 câu (chiếm 10%) thực sự khó khiến HS mất nhiều thời gian để tìm được hướng giải. Với đề thi này, HS khá có thể được 8, 9 điểm.
Thầy Đoàn Nhật Quang, giáo viên Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), cho rằng đề thi bám sát chương trình lớp 12, nội dung rải đều cho cả 4 chủ đề của chương trình học là tự nhiên, dân cư, ngành kinh tế và vùng kinh tế. Tuy nhiên, đề thi quá dễ, không có điểm nhấn và không hay. Câu số 2 là câu cho điểm để chống điểm liệt vì quá dễ. “Với HS 12 thi để nhận bằng tú tài mà cách ra đề như thế thì không phù hợp” - thầy Quang nhận định.
Đề hóa học: Độ phân hóa cao Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), nhận xét như vậy về đề thi môn hóa. Cụ thể, ở mã đề 748, 30 câu đầu dành cho HS trung bình, 5 câu kế tiếp dành cho HS khá, từ câu 35 đến 41 dành cho HS khá giỏi, từ câu 42 đến 50 dành cho HS thực sự giỏi. Từ câu 42 trở về sau, đề lần này còn khó hơn đề thi hóa khối B năm 2014.
Đề thi gồm khoảng 30 câu lý thuyết, khoảng 10 câu toán dễ, còn lại khoảng 10 câu toán khó và rất khó. HS có trình độ khá môn hóa chỉ đạt được 7 điểm, trung bình đạt được 5, HS giỏi có thể được 8-9 điểm, điểm 10 rất hiếm. Phần lý thuyết có nhiều câu dễ, chỉ cần thuộc bài là HS sẽ làm được. Đối với các câu khó, muốn giải được cần phải suy luận và tính toán rất nhiều, nặng về phần tự luận hơn là trắc nghiệm.
Theo ThS Lương Công Thắng, Tổ trưởng Tổ hóa Trường THPT Nhân Việt, đề thi ra theo đúng thứ tự từ dễ đến khó. “Bắt đầu từ câu 20, câu hỏi phần nâng cao tương đối khó. Đối với phần câu hỏi này, đòi hỏi HS phải có tư duy và rèn luyện bài tập nhiều thì mới làm được vì bài tập chiếm đến 2/3. Đề thi hóa như năm nay có thể đáp ứng được yêu cầu phân hóa TS” - thầy Thắng nhận xét.
Theo
Người Lao Động