Quyết định giảm lãi suất toàn diện của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế. Lãi suất điều hành giảm phát tín hiệu về sự sẵn sàng của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn.

Lãi suất giảm toàn diện, tác dụng thế nào với nền nền kinh tế?

18/03/2020, 08:22

Quyết định giảm lãi suất toàn diện của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế. Lãi suất điều hành giảm phát tín hiệu về sự sẵn sàng của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn.

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ ngày 17.3 - Ảnh: Internet

Phù hợp với diễn biến thị trường

Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, từ ngày 17.3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và cả trần lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,25 - 1%/năm.

Nhận định về động thái này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch.

Tuy nhiên, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm chỉ trong vòng 2 tuần, nhiều ngân hàng trung ương đã có các động thái tương tự. Do vậy, NHNN quyết định giảm các mức lãi suất để góp phần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn.

Quyết định của NHNN là phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế, áp lực lạm phát đã giảm bớt do giá dầu giảm mạnh và đặc biệt là được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước đã được củng cố vững chắc trong những năm qua.

Việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn.

Quan điểm điều hành của NHNN là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm lãi trong thời gian qua, việc giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp.

NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn, qua đó tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN”, ông Hà nói.

Về thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói rằng NHNN sẽ theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt diễn biến thị trường tài chính toàn cầu (lãi suất, tỷ giá, giá dầu…) qua đó cập nhật, phân tích, dự báo để sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ tại thời điểm và với liều lượng hợp lý.

Giảm áp lực tăng giá cho đồng tiền Việt Nam

Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc cắt giảm lãi suất của NHNN là cùng chung xu hướng và mang tính phối hợp với ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Việc Fed, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) có cuộc họp khẩn cấp ngay trong ngày đầu tuần với động thái cắt mạnh lãi suất đã thúc đẩy NHNN Việt Nam phải có động thái can thiệp tương tự vào thời điểm này.

“Việc NHNN cắt lãi suất điều hành sẽ giúp giảm áp lực tăng giá cho VNĐ so với các ngoại tệ mạnh khác khi các nước khác không những cắt lãi suất mà còn tuyên bố các gói nới lỏng định lượng (QE) quy mô lớn.

Việc giảm các loại lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ từ 7%/năm xuống 6%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ 4%/năm xuống 3,5%/năm chủ yếu nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, giảm lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Tuy vậy, mức độ liên thông của các loại lại suất ngắn hạn này đối với mặt bằng lãi suất cho vay thực tế tại Việt Nam khá hạn chế.

NHNN cũng giảm trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (1-6 tháng) thêm 0,25% từ mức 5% xuống 4,75%. Mức giảm 0,25% như trên là tương đối khiếm tốn do lạm phát của Việt Nam kết thúc tháng 2 vẫn ở mức tương đối cao (trên 5%). Do vậy, NHNN chưa thể mạnh tay giảm trần lãi suất tiền gửi vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn tiền tiết kiệm.

Tuy nhiên, với diễn biến cung-cầu hàng hóa do ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, nhiều khả năng lạm phát của Việt Nam sẽ theo chiều hướng giảm trong các tháng tới, qua đó có thể tạo điều kiện để NHNN tiếp tục cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn khi cần thiết.

Lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm thêm 0,5%; từ mức 6% xuống 5,5%. Nếu so với mức giảm của trần lãi suất tiền gửi thì mức giảm của trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cao hơn 0,25%. Điều này có thể sẽ phần nào ảnh hưởng đến NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả) của các ngân hàng trong thời gian tới”, BVSC nhận định.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất giảm toàn diện, tác dụng thế nào với nền nền kinh tế?