Sau 5 phiên "bơm" gần 80.000 tỉ đồng qua thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng hút mạnh tiền về. Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên 13%/năm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa thống kê số liệu cho biết kỳ hạn 9 tháng, lãi suất liên ngân hàng (các ngân hàng vay mượn lẫn nhau) tăng từ 9,61% lên 13% với khối lượng giao dịch là 200 tỉ đồng, chiếm gần 0,1% khối lượng vay mượn giữa các ngân hàng. Mức lãi suất này cao hơn so với trước Tết Nguyên đán và tăng mạnh so với cuối năm ngoái.
Trong khi đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch giữa các nhà băng) ở mức 6,26%/năm, tăng thêm 0,17%/năm so với mức ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết, cao hơn khoảng 1,7%/năm so với cuối năm 2022.
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao đột biến, bất chấp Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm thanh khoản trong 5 phiên giao dịch sau dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau 5 phiên "bơm" gần 80.000 tỉ đồng qua thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hướng hút mạnh tiền về trong phiên giao dịch gần nhất.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhà quản lý tiền tệ đã hút về 15.000 tỉ đồng qua thị trường mở trong phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 3.2). Trong phiên này, có 3 trong 6 thành viên tham gia trúng thầu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất trúng thầu 5,79%/năm.
Như vậy, đây là phiên hút ròng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước kể từ sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023, với mức hút ròng khoảng 12.600 tỉ đồng, kết thúc chuỗi 5 phiên bơm ròng trước đó.
Tính cả phiên giao dịch ngày 3.2, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường hơn 80.800 tỉ đồng trong 6 phiên, đồng thời cũng thực hiện hút về 15.000 tỉ đồng. Như vậy, lượng tiền bơm ròng ra thị trường từ hoạt động bơm hút 6 phiên vừa qua, ở mức 65.800 tỉ đồng.
Động thái Ngân hàng Nhà nước quay trở lại hút ròng mạnh trong tuần vừa qua cũng cho thấy lãi suất liên ngân hàng khó có thể giảm sâu hơn mặt bằng hiện tại.
Có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng một lượng lớn tiền thông qua hoạt động thị trường mở và đồng thời cũng linh hoạt thay đổi phương thức đấu thầu trên kênh này, chuyển từ đấu thầu khối lượng sang đấu thầu lãi suất để thị trường xác định mức lãi suất hợp lý trên kênh này. Điều này cũng sẽ giảm bớt áp lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá.
Mặt khác cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang tương đối linh hoạt nhằm điều tiết thị trường và mức lãi suất trên thị trường mở có thể giảm trở lại khi thanh khoản hạ nhiệt.
Theo đánh giá của giới phân tích, thanh khoản của hệ thống đã bớt dồi dào hơn trong bối cảnh nhu cầu thanh toán tăng mạnh trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục linh hoạt sử dụng hoạt động thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.
Trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua việc hỗ trợ hệ thống. Tuy vậy, khả năng chỉ khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp được khai thông, thanh khoản ngân hàng yếu được hỗ trợ kịp thời và khi các đợt tăng lãi suất của Fed kết thúc, thì lãi suất trong nước mới có thể bước vào chu kỳ hạ.
Giới chuyên gia cũng dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ khó hạ nhiệt trong thời gian tới. Với sự hỗ trợ kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước về thanh khoản, cùng với sự điều hành linh hoạt liên quan đến các tỷ lệ an toàn hoạt động và Nghị định 65 sửa đổi, tình hình thanh khoản có thể cải thiện so với 6 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Fed kết thúc thì lãi suất trong nước mới có thể hạ nhiệt. Thời gian hạ nhiệt có thể rơi vào nửa cuối năm 2023.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, với những kinh nghiệm trong một năm khó khăn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng kinh nghiệm đó cho việc điều hành trong năm 2023.
"Định hướng điều hành năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp. Đồng thời, sẵn sàng đón nhận những tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới cũng như những khó khăn nội tại trong nước bất ngờ tới như năm 2022, để có chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", Phó thống đốc nhấn mạnh.