Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận dù đã triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương, nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất còn rất thấp, chưa được như kỳ vọng.

Vì sao gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm đến tay doanh nghiệp?

Tuyết Nhung | 27/12/2022, 23:03

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận dù đã triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương, nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất còn rất thấp, chưa được như kỳ vọng.

Tại họp báo về nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023 diễn ra ngày 27.12, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến cuối tháng 11.2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỉ đồng, dư nợ gần 23.000 tỉ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỉ đồng.

web.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Dẫn lại báo cáo của các ngân hàng thương mại, bà Giang lý giải: vướng mắc lớn nhất khiến kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp là do tâm lý e ngại của các khách hàng khi tiếp cận vốn vay. Các doanh nghiệp lo ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ giảm lãi suất, phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán về sau.

"Họ cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác kiểm tra, hậu kiểm sau này. Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý, bởi việc hạch toán và chia cổ tức một khi đã thực hiện thì sẽ khó thu lại", bà Giang nhấn mạnh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Trong bối cảnh nền kinh tế có sự biến động lớn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá doanh nghiệp có khả năng phục hồi hay có khả năng trả nợ khả thi hay không là rất khó khăn.

Để có giải pháp tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ chính sách có thể tăng lên. Tuy nhiên, thị trường cũng không thể hấp thụ hết gói 40.000 tỉ đồng vì tâm lý e ngại của doanh nghiệp hiện lên tới 67%.

Ngoài ra, theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, hầu hết doanh nghiệp hiện nay kinh doanh đa ngành nghề, có ngành nghề được hỗ trợ, có ngành thì không, việc bóc tách ra để hỗ trợ là rất khó khăn. Mặt khác, điều kiện thị trường hiện tại khác nhiều so với thời điểm xây dựng chính sách. Các doanh nghiệp mong muốn các chính sách hỗ trợ mang tính trực tiếp hơn, như chính sách miễn, giảm thuế...

Đến tháng 11.2022, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của tổ chức tín dụng cải thiện hơn, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao...

Tính đến ngày 21.12.2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỉ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội đến 30.11.2022 đạt khoảng 279.732 tỉ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, kiểm soát lạm phát, đảm bảo mục tiêu Quốc hội đặt ra, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ chính trị lớn nhất.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng...

Bài liên quan
Ưu tiên dành room tín dụng cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay
NHNN sẽ dành room tín dụng, ưu tiên thỏa đáng cho những ngân hàng có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những ngân hàng đang giảm lãi suất hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm đến tay doanh nghiệp?