Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 19.6.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16.6 cho biết tiếp tục điều chỉnh giảm một số loại lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở xuống và lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên, với mức giảm từ 0,25 - 0,5% tùy loại. Quyết định có hiệu lực từ ngày 19.6.
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đảm bảo. Do đó, để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định điều chỉnh mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Với lần giảm này, tính từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm trần lãi suất huy động. Lần thứ nhất vào đầu tháng 4, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6% về 5,5%/năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1% về 0,5%/năm. Đến cuối tháng 5, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm tiếp 0,5% xuống 5%/năm.
Trước đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất; xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023; phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6.2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023.
Trong đó, cần lưu ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, khơi thông dòng vốn. Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiếp tục cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân, cương quyết cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn; khẩn trương rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án khả thi, hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát gói tín dụng 40.000 tỉ đồng và 120.000 tỉ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn; khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.