Mặt bằng lãi suất lên khiến nhiều ý kiến quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đã lên tiếng về vấn đề này.

Lãi suất tăng cao, DN lo ngại khó tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Hoài Lam | 29/10/2022, 20:00

Mặt bằng lãi suất lên khiến nhiều ý kiến quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đã lên tiếng về vấn đề này.

Tăng trưởng tín dụng năm nay có nhiều đặc thù

Tại họp báo Chính phủ chiều 29.10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng như của cả nền kinh tế.

Theo ông Hà, lĩnh vực tiền tệ có 3 chỉ số quan trọng, đó là: Lãi suất, tỉ giá, tăng trưởng tín dụng và cuối cùng là bảo đảm an toàn cho các tổ chức tín dụng; sau đó mới là kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Về tăng trưởng tín dụng, ông Hà cho biết năm nay có một đặc thù là ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, cao hơn mức của 2 năm trước 2020-2021.

“Thực tế tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và đây là vấn đề rất khác so với các năm trước. Đến nay, tín dụng tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ của các năm trước”, ông Hà nói.

Cụ thể, tín dụng đến ngày 25.10 tăng 11,5% so với cuối năm ngoái và so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.

“Rõ ràng là tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong 9 tháng có sự đóng góp tích cực của việc tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, mặt bằng vốn năm nay rất khác mọi năm là huy động vốn tăng trưởng chậm và hiện nay tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao và cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế”, ông Hà nêu.

ha.jpg
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh đó, với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành. Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và là có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

“Tất cả các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh và rất mạnh lãi suất đã làm cho đồng tiền nội tệ của các nước mất giá theo. Rồi các nước lại tiếp tục tăng lãi suất lần 2 nữa bởi 2 lý do: Một là chống lạm phát trong nước, hai là chống đỡ sự giảm giá của đồng nội tệ so với USD”, ông Hà nêu và cho rằng việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, hội nhập sau rộng kinh tế quốc tế.

Quan ngại về khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Mặt bằng lãi suất lên cũng có ý kiến quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.

Giải thích về điều này, ông Hà cho hay tăng lãi suất là phù hợp với xu hướng chung, bảo đảm an toàn thanh khoản, bảo đảm khả năng huy động vốn để cho vay nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. Thực tế các lĩnh vực này từ đầu năm đến giờ tăng trưởng tốt, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

“Chúng tôi có trần lãi suất cho vay ưu tiên, bảo đảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh các hạn mức tín dụng các tổ chức tín dụng, trong đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên như là xăng dầu hay các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế”, ông Hà nói.

Cần khoảng 60.000 tỉ đồng để tăng lương cơ sở

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, về việc chuẩn bị nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương phải bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương. Giải pháp nguồn lực tài chính là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi.

chi.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Từ khi triển khai nhiệm vụ này, tính đến hết năm 2021, theo số liệu từ các địa phương Bộ Tài chính đã tổng hợp, nguồn từ ngân sách địa phương đạt khoảng trên 290.000 tỉ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỉ đồng.

Ông Chi cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, theo phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở đã được Chính phủ trình Quốc hội, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, hỗ trợ thêm một số đối tượng… sẽ cần khoảng 60.000 tỉ đồng.

“Với nguồn lực hiện có, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua”, ông Hà nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tăng cao, DN lo ngại khó tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?