Sau 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, lãi suất tiết kiệm tại nhiều nhà băng đã giảm mạnh nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng đáng kể. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng vẫn tăng 4,35% so với cùng kỳ.

Lãi suất tiết kiệm giảm, tiền vẫn đổ mạnh vào ngân hàng

30/06/2020, 10:08

Sau 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, lãi suất tiết kiệm tại nhiều nhà băng đã giảm mạnh nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng đáng kể. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng vẫn tăng 4,35% so với cùng kỳ.

Tiền vẫn đổ mạnh vào ngân hàng dù lãi suất giảm - Ảnh: Internet

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1%-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 0,6%-0,75%/năm mức lãi suất trần tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm mức lãi suất trần cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4%-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,9%-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5%-7,4%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 9%-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Sau động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Thống kê của bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI hồi giữa tháng 6 cho biết các ngân hàng thương mại đã có thêm một đợt giảm lãi suất 0,2-0,4% trong tuần đầu tháng và lũy kế đã giảm 0,5-1,1% kể từ đầu năm đến nay. Hiện tại, lãi suất tiền gửi ở mức 3,5-4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,9-6,9%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, từ 6-7,6%/năm với kỳ hạn 12- 13 tháng.

Đáng chú ý, mặc dù lãi suất tiết kiệm giảm nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng đáng kể. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19.6, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%).

Tuy mức tăng của huy động vốn trong 6 tháng đầu năm 2020 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng con số này vẫn rất ấn tượng khi đặt trong bối cảnh đầu ra là tín dụng tăng rất thấp do dịch COVID-19. Số liệu của Tổng cục thống kê cho biết tín dụng đến ngày 19.6 mới chỉ tăng 2,45% so với cuối năm 2019, cũng là mức tăng cùng kỳ thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Ngân hàng Nhà nước cũng nói rằng tính từ đầu năm đến ngày 20.5, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng ước đạt khoảng 162.700 tỉ đồng, bình quân đạt hơn 1.160 tỉ/ngày. Trong khi đó, cho vay chỉ đạt đạt khoảng 108.200 tỉ, tương đương 773 tỉ mỗi ngày. Tại nhiều địa phương, có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay.

Nhiều ngân hàng đang lo lắng về hiện tượng thừa tiền trong khi tăng trưởng tín dụng thấp bởi sẽ bị ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tại cuộc họp báo đầu tháng 6, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói rằng hệ thống ngân hàng chỉ mong có khách hàng đủ tiêu chuẩn để cho vay. Tuy nhiên, khi COVID-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nên nhu cầu vay vốn giảm.

Một số chuyên gia cho rằng trong tình hình lạm phát thấp dưới 4%, các ngân hàng nên giảm mạnh lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiết kiệm giảm, tiền vẫn đổ mạnh vào ngân hàng