Việc thương lái thu mua tôm bất kể kích cỡ, chất lượng để bán sang Trung Quốc đang làm náo loạn thị trường tôm nguyên liệu trong nước. Không chỉ ngành chế biến tôm xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà uy tín con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới cũng có nguy cơ suy giảm.
Thu vét cả tôm nhỏ
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tình trạng thương lái thu mua tôm sú và thẻ chân trắng cỡ lớn với giá cao rồi ướp đá hay cấp đông chở thẳng về Trung Quốc đã xuất hiện từ mấy năm trước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn tôm nguyên liệu trong nước khiến doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất, nhất là các đơn hàng giá trị gia tăng.
Trong gần 1 tháng nay, nhiều thương lái tổ chức thu vét tôm tươi từ khắp các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung với khối lượng ước tính sơ bộ lên tới 300 tấn/ngày, theo phương thức ướp đá rồi xuất chính ngạch sang Trung Quốc.
Các thương lái này thu vét đến tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ trên 100 con/kg, thậm chí cỡ 150 con/kg và cạnh tranh mua với giá cao hơn hẳn 15-20% so với giá thu mua của các doanh nghiệp trong nước, mà không quan tâm đến kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu và thực hiện bơm tạp chất có mục đích.
Chính việc cạnh tranh thu mua vơ vét này đã khiến các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu trong nước không thể hoàn thành đơn hàng đã ký do lượng nguyên liệu thu mua giảm tới 1/5 – từ mức 100 tấn/tháng như trước đây, nay chỉ còn 20 tấn/tháng. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp mất dần thị trường lâu dài do không đảm bảo sản lượng; cơ cấu tôm nguyên liệu thô xuất khẩu tăng cao, cơ cấu sản phẩm giá trị gia tăng tôm Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng…
Chưa hết, tình trạng thu mua tôm bán qua Trung Quốc với giá cao dễ dẫn đến việc nông dân bị lừa đảo, giật tiền hay đầu tư ồ ạt cho lợi ích trước mắt không theo quy hoạch, thậm chí còn làm tăng nguy cơ không kiểm soát được dư lượng kháng sinh và tạp chất, từ đó gây ảnh hưởng đến hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thận trọng với thương lái thu mua tôm giá cao
Trước tình hình này, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho rằng, việc các thương lái nước ngoài thu mua tôm nguyên liệu của Việt Nam với số lượng lớn và tăng đột biến là dấu hiệu đáng mừng vì tôm tăng giá, người nuôi tôm có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, tình hình thu mua tôm đang có dấu hiệu phức tạp, có thể ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu tôm nuôi và hoạt động sản xuất thủy sản Việt Nam.
Để phòng ngừa những nguy cơ xấu có thể xảy ra, Tổng cục Thủy sản cũng đã có văn bản đề nghị sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến và khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đưa tạp chất vào tôm, gây ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của tôm nuôi Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái thu mua tôm giá cao nhưng không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch. Người nuôi tôm nên tìm hiểu về tư cách pháp nhân của thương lái thu mua thông qua các cơ quan chức năng, nếu phát hiện các thương lái chưa được phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần báo ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời xử lý theo quy định.
Theo VASEP, tôm là sản phẩm chiến lược của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, với giá trị xuất khẩu tôm mỗi năm đạt khoảng 2,3 – 2,5 tỉ USD, chiếm 37-40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản và đóng góp hơn 2% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm đạt gần 1,4 tỉ USD – tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.