Ngày 24.8, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầ tư) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2016 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu so với tháng 12 năm 2015 thì CPI tăng 2,58%, CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,91%.
Có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá như: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,18%; giáo dục tăng 0,47%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%.
Đồng thời, có 5 nhóm hàng giảm giá. Trong đó, giao thông là nhóm có chỉ số giảm mạnh nhất. Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8 giảm chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu do giá xăng dầu đượcđiều chỉnh giảm vào ngày 20.7.2016 và ngày 4.8.2016 nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 4,1%; theo đó, giá vé ô tô khách giảm 0,12%, giá vé tàu thủy giảm 0,14% so với tháng trước, chỉ số giá nhóm phương tiện đi lại giảm 0,12%.
Đối với hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% do giá lương thực giảm vì nguồn cung trong nước dồi dào cùng với việc từ tháng 5.2016 đến nay Việt Nam chưa có các hợp đồng lớn về xuất khẩu gạo cho các thị trường truyền thống, đồng thời Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt việc nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch, làm cho giá gạo tiếp tục giảm.
Chỉ số giá nhóm thực phẩm cũng giảm do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt, cá không tăng đặc biệt giảm mạnh ở các tỉnh phía Nam vì có nhiều người dân ăn chay trong tháng 7 âm lịch, ngược lại tại các tỉnh miền Bắc giá thực phẩm tăng do tiêu dùng tăng...
Tháng 8.2016 trùng với thời điểm tháng 7 âm lịch, là tháng “cô hồn” trong quan niệm dân gian nên nhiều người kiêng mua bán, đi lại và khai trương, xây dựng. Đây cũng là yếu tố văn hóa, lối sống ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng ở các mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng...
Theo Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 8 có việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính ở 16 địa phương. Điều này khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 8,12% góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,28%.
Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính Phủ. Hơn nữa, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, nếu so sánh chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng trước trong 10 năm gần đây, thì đây là mức tăng thấp nhất.
Theo công bố,chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8.2016 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, đây là mức lạm phát cơ bản thấp nhất trong khoảng hơn 7 năm gần đây.
Trong tháng 8, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố chủ quan là tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,91%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá sát nhau. Điều này thể hiện chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trí Lâm