Quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới hiện vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube...

Làm sao thu thuế nhà thầu với các giao dịch trên Google, Facebook, Youtube?

tuyetnhung | 09/05/2019, 15:56

Quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới hiện vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube...

          

Khó quản lý thu nhập phát sinh

Tại Việt Nam, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử (TMĐT). Tuy không phải là loại hình kinh doanh quá mới, nhưng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, TMĐT đang ngày càng thay đổi mạnh mẽ tại Việt Nam và đặt các cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành thuế trước sự lựa chọn thay đổi phương thức quản lý.

Hoạt động kinh doanh TMĐT hiện vẫn còn một số tồn tại như: một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục các ngành nghề kinh doanh nên việc cấp phép đăng ký kinh doanh còn gặp vướng mắc do ví dụ kinh doanh “tiền ảo”, “tài sản kỹ thuật số”... vô hình trung đã gây khó khăn cho công tác quản lý trong việc phân loại đúng ngành nghề, thu nhập để xác định nghĩa vụ thuế.

Hay như hiện nay với tỷ lệ trên 90% là hóa đơn giấy, gần 10% là hóa đơn điện tử nhưng chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế nên công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong công tác quản lý kê khai.

Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xác định được đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ cũng là một thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý.

Quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube…

Các doanh nghiệp và cá nhân này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số doanh nghiệp có doanh thu mỗi năm hàng trăm tỉ đồng, các cá nhân có phát sinh thu nhập hằng năm hàng chục tỉ đồng và các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp thuế, số còn lại là các nhà thầu nước ngoài, cá nhân có phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai nộp thuế.

Những khó khăn này đặt cơ quan quản lý trước nhiều thách thức và việc tìm ra cơ chế quản lý để vừa tạo thuận lợi cho hoạt động TMĐT vừa không làm xói mòn, thất thu thuế là vấn đề không dễ để dung hòa.

Thành lập trung tâm dữ liệu hoạt động thương mại qua biên giới

Phát biểu tại Hội thảo “Quản lý thuế trong nền kinh tế số” ngày 8.5, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động thương mại điện tử thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam; Bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. 

Ngoài ra, để quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh này đạt được hiệu quả, cùng với việc thực hện quy định của pháp luật về thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bố sung quy định trách nhiệm của các bộ ngành, các tổ chức và đơn vị liên quan.

Dưới góc độ là chuyên gia cao cấp về thuế của Ngân hàng Thế giới, ông Jonathan Leigh Pemberton cho rằng kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và ngày càng phát triển so với kinh doanh truyền thống. Do vậy trong hệ thống thuế chính sách cần đảm bảo tính công bằng và trung lập, không bóp nghẹt sự phát triển của TMĐT và không tạo ra sự bất lợi đối với doanh nghiệp truyền thống.

"Về cơ bản cơ chế ở đây là đơn giản hóa việc kê khai và nộp thuế, tất cả đều thực hiện trực tuyến, đây là mô hình được triển khai ở nhiều nước và là thông lệ được coi là tốt nhất trên thế giới. Dường như đây cũng là định hướng mà Việt Nam đang hướng đến. Nội dung chính là tạo ra nền tảng hay cổng thông tin trực tuyến để giúp nền tảng kỹ thuật số, doanh nghiệp, các nhà cung ứng nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký, kê khai và nộp thuế”, ông Jonathan Leigh Pemberton nói.

Đối với vấn đề thuế trực thu, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới cũng đã dẫn ra những khó khăn trong bối cảnh doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số, ví dụ như việc định nghĩa về cơ sở thường trú của doanh nghiệp dường như đang không theo kịp với sự phát triển kỹ thuật số và sự hiện diện số của các doanh nghiệp này.

Các quốc gia trên thế giới có thể chia nhỏ hoạt động trong sản xuất kinh doanh tránh việc kết hợp sự ghi nhận việc tạo ra giá trị tại một nơi. Chính vì vậy, điều cần thiết là cập nhật quy tắc liên quan đến giá chuyển nhượng tránh việc tách bạch này. Hay việc các tập đoàn đa quốc gia có thể tận dụng lỗ hổng chuyển từ địa bàn thuế suất cao sang địa bàn có thuế suất thấp để tránh thuế.

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng quản lý thuế đối với kinh tế số và thương mại điện tử trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kinh tế số và các “người khổng lồ” internet bùng nổ là một thách thức với Việt Nam. 

Góp ý tại hội thảo, ông Dũng cho rằng cơ quan thuế nên nghiên cứu thông lệ quốc tế về cơ chế quản lý thuế đối với kinh tế số của một số quốc gia để vận dụng phù hợp cho Việt Nam. Về lâu dài, nên cân nhắc ban hành sắc thuế mới để điều chỉnh các hoạt động của nền kinh tế số. Đồng thời, Tổng cục Thuế nên xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất qua thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, như của ngành ngân hàng, thuế, viễn thông… để cập nhật kịp thời từ khâu kê khai, nộp thuế.

Bà Nguyễn Vân Chi (Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội) cho rằng do đây là chính sách mới nên không thể đảm bảo tất cả các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài mà có phát sinh thu nhập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ thực thi đầy đủ. Tuy nhiên nên đi từ đối tượng lớn đến đối tượng nhỏ, ban đầu là những nhà cung cấp dịch vụ khổng lồ trên mạng.

Theo bà Chi, cơ quan thuế cần phải hoàn thiện từ khía cạnh quản lý, đảm bảo thu được thuế công bằng. Làm sao có quy định rõ ràng rành mạch để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuận lợi nhất. Bên cạnh đó cách thu cũng cần được hoàn thiện, bổ sung thêm quy định cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng sẽ thực hiện nghĩa vụ đăng ký kê khai tại nước ngoài và Việt Nam.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đạt, Giám đốc Công ty Fado (kinh doanh trên Amazon) đề xuất với cơ quan thuế nên thành lập trung tâm dữ liệu hoạt động thương mại qua biên giới. Tất cả các sàn giao dịch đều phải điều chuyển thanh toán qua trung tâm dữ liệu quốc gia. Khi đó cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng đều có thể truy cập và sử dụng dữ liệu quả trung tâm quốc gia này để kiểm tra thông tin phục vụ cho công tác quản lý của mình.

Tuyết Nhung

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sao thu thuế nhà thầu với các giao dịch trên Google, Facebook, Youtube?