Nhân phát hành lại ca khúc Tình là nửa đời - 1 trong số 10 ca khúc nằm trong album “Thế giới hào hoa – những tình khúc của Tứ đại Thiên Vương” do Trung tâm phát hành băng đĩa nhạc Vafaco cho ra mắt vào tháng 10.1996, nam ca sĩ Lam Trường cũng tiết lộ mức cát sê thời đó.
Còn nhớ, thời điểm năm 1996, ca sĩ Lam Trường được xem là nhân tố mới của làng nhạc trẻ, tạm ví von như ca sĩ triển vọng trong giải thưởng Làn sóng xanh. Nhờ sự thành công của ca khúc Tiếng sáo phiêu bồng thời gian trước đó và bản hit không ngoài dự kiến Tình là nửa đời đã đẩy tên tuổi của anh lên một nấc thang mới. Tuy nhiên, cái tên Lam Trường mới thật sự bùng nổ khi Làn sóng xanh ra đời năm 1997 và anh may mắn có bài hát Tình thôi xót xa nằm trong top 10 hơn 1 năm trời.
Một kỷ niệm vui mà A2 của làng nhạc không bao giờ quên, đó là vào năm 1996 anh đã nhận được giá cát sê là 200.000 đồng/1 show. Anh cho biết “Lúc đó, 1 tô hủ tiếu giá trung bình chỉ có 5.000 đồng mà cát sê của Trường đã là 200.000 đồng, là một con số khá lớn với tên tuổi của Trường. Lúc đó chưa hề có chuyện hét giá, các ca sĩ cũng không có nguồn thu gì ngoại trừ việc hát ở các sân khấu như Trống Đồng, 126 hay các bar và nhận cát sê tùy theo sức bán vé của đêm nhạc đó”.
Với mức cát sê này, anh đã dành dụm để mua được chiếc xe máy đầu tiên trong đời để chạy show (là chiếc Spacy, thời điểm này Spacy có thể nói là chiếc xe gắn máy đắt tiền nhất và sang chảnh nhất). Thế nên, sau khi nổi tiếng năm 1997 với Làn sóng xanh, ca sĩ Lam Trường có cảm giác hơi “sốc” khi sức nóng về tên tuổi của mình đã lan rộng khủng khiếp. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng giọng hát của mình lại có thể được hàng triệu người trên cả nước và cả hải ngoại yêu thích đến như vậy. Và chỉ trong vòng 1 năm, cát sê của anh đã tăng lên gấp 3-4 lần.
Ca sĩ Lam Trường nhớ lại“Rõ ràng sự thành công của các ca khúc nhạc ngoại lời Việt thời điểm 1995-1996 gần như là bàn đạp để giúp Trường chạm ngõ được thành công thông qua chương trình Làn sóng xanh của năm 1997. Tuy nhiên, Trường cảm cảm thấy mình khá may mắn vì 1 người chuyên hát nhạc ngoại lời Việt lại được yêu thích khi hát nhạc Việt. Nhiều khán thính giả khó tính, chỉ quen nghe nhạc tiền chiến nhưng đã dành sự ưu ái cho Làn sóng xanh, cho Tình thôi xót xa hay Mưa phi trường. Nghĩ lại, Làn sóng xanh đã tạo nên một cú mốc lịch sử khi thay đổi được gu thưởng thức âm nhạc của công chúng, giúp mọi người quay trở lại với âm nhạc trong nước. Cũng nhờ điều này mà Trường cùng nhiều đồng nghiệp khác mới có được ngày hôm nay”.
T.Kim