Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão ở mức độ nghiêm trọng như vậy với hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế tới 2.700 tỉ đồng.

Lần đầu Việt Nam hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão nghiêm trọng, gây thiệt hại tới 2.700 tỉ

Lam Thanh | 30/10/2020, 18:00

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão ở mức độ nghiêm trọng như vậy với hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế tới 2.700 tỉ đồng.

Lũ chồng lũ, bão chồng bão nghiêm trọng

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 30.10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta hứng chịu các trận lũ chồng lũ, bão chồng bão với mức độ nghiêm trọng như vậy. Đến nay, các cơ quan đã thống kê được hàng trăm người chết và mất tích, 122.000 ngôi nhà hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại tới 2.700 tỉ đồng.

mai-tien-dung.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu - Ảnh: VGP

Ông Dũng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẻ chia sâu sắc với những khó khăn, mất mát đau thương mà đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các tỉnh khu vực miền Trung đang phải trải qua; chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình, thân nhân của những người thiệt mạng trong mưa lũ và các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ và công nhân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Theo đại diện Bộ TN-MT, đợt thiên tai này khốc liệt hơn so với đợt thiên tai 1999 đã xảy ra ở miền Trung.

Về nguyên nhân, đại diện Bộ TN-MT cho biết hoạt động của con người có làm tăng thêm sự khốc liệt của thiên tai hay không, cụ thể là sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Các chuyên gia địa chất cũng đánh giá khu vực miền Trung có đồi núi cao, phân tách mạnh, có các lớp vỏ phòng hóa dày, nhiều đất sét nên khi mưa lớn, mưa lâu ngày thì nước sẽ tích trong các lớp phong hóa này và trượt xuống phía dưới.

Ngoài ra, các hoạt động nhân sinh như mở đường, xây dựng nhà ở, trường học, nhà máy thủy điện…. cũng góp phần cắt ta luy, cắt mất chân của sườn dốc. Đây cũng là một trong các nguyên nhân thiên tai xảy ra.

Về câu hỏi việc sạt lở có liên quan đến phá rừng, đại diện Bộ TN-MT cho biết việc sạt lở có nhiều nguyên nhân, ví dụ năm 2019 ở Yên Bái cũng xảy ra những vụ sạt lở kinh hoàng ở khu rừng nguyên sinh.

Đại diện bộ này cũng cho biết các vụ sạt lở đất vừa qua, ở vụ thủy điện Rào Trăng 3 thì công trình này đang xây dựng. Vừa rồi, mưa lũ lớn hơn năm 1999 nhưng các địa phương đã cắt được nhiều lượng nước nhờ liên hồ chứa. Ở hạ du đã được cắt lũ và diện ngập, độ sâu ngập đã thấp hơn đáng kể.

Với các công trình thủy điện nhỏ, Bộ TN-NT, các cơ quan chuyên môn đánh giá các tác động đặc thù đến rừng, thảm phủ thực vật…Luật Lâm nghiệp cũng quy định hết sức chặt chẽ về chuyển đổi đất rừng, cho nên việc đảm bảo trồng lại rừng hay phát triển rừng thì các nhà máy thủy điện cũng nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Bộ TN-MT, Bộ Công Thương đã loại bỏ hơn 400 nhà máy thủy điện nhỏ khỏi quy hoạch và nhiều khu vực dự định xây thủy điện.

Giải ngân vốn đầu tư công khả quan

Cũng trả lời báo chí về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại diện Bộ KH-ĐT cho biết theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có sự tăng mạnh, đạt trên 68% kế hoạch được giao, cao hơn 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ nay đến cuối năm, Bộ KH-ĐT kiến nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp đưa ra từ đầu năm và kỳ vọng tỷ lệ giải ngân cao trong 2020. Tuy nhiên, miền Trung, khu vực kinh tế trọng điểm vừa qua, đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, trong đó nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương trong vùng. Với những kết quả khả quan trong 10 tháng qua, hy vọng những tháng cuối năm kết quả sẽ rất khả quan.

Vì sao 2 hiệp hội nước mắm cùng thành lập?

Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi rằng tại sao lại cấp phép thành lập hai hiệp hội nước mắm là Hiệp hội nước mắm Việt Nam và Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam?

Trong khi đó, hai ban vận động thành lập hai hiệp hội nước mắm đã từng rất mâu thuẫn với nhau khi tên gọi na ná và trùng nhau. Ngoài ra, có tranh cãi về nước mắm truyền thống khác biệt so với nước chấm chế biến từ nước mắm. Việc cấp phép hai hiệp hội hoạt động song song có phải là đánh đồng nước mắm và nước chấm chế biến từ nước mắm hay không?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng dẫn Nghị định 45 của Chính phủ quy định về thành lập các hội, trong có việc thành lập các các hội được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ. Bộ đã rà soát các quy định của pháp luật sau khi nhận được đề xuất thành lập 2 hiệp hội nước mắm từ Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Theo tiêu chí của Nghị định Chính phủ ban hành, theo thông tư của Bộ Nội vụ là đủ điều kiện thành lập”, ông Thăng nói.

Thời gian tới còn nhiều khó khăn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ, Thủ tướng xác định trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân.

Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất. Khẩn trương khôi phục lại cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; hỗ trợ người dân về giống và vốn để phục hồi sản xuất.

Song song đó nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường, có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, sinh viên, các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập, không để các em thiếu sách vở đồ dùng học tập; hết sức chú ý có phương án chủ động ứng phó với các đợt bão lũ, thiên tai có thể tiếp tục xảy ra.

Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân cả nước với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung.

Bài liên quan
Cựu Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng bị đề nghị từ 24 – 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo
Đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP) từ 24 – 30 tháng tù, nhưng cho hưởng treo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu Việt Nam hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão nghiêm trọng, gây thiệt hại tới 2.700 tỉ