Ngày 19.11, hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bế mạc tại Manila. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo APEC kêu gọi khẩn cấp hợp tác chống khủng bố. Đây là một tuyên bố không liên quan kinh tế hiếm có của tổ chức này.
Việc lãnh đạo APEC kêu gọi khẩn cấp hợp tác chống khủng bố là một phản ứng chính thức với việc quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tấn công Paris tối 13.11 khiến 129 người chết. Cuối tuần qua, một tuyên bố tương tự cũng được bàn tại hội nghị thượng đỉnh G-20.
CNN có được văn kiện APEC này, mang nội dung "Chúng tôi sẽ không cho phép khủng bố đe dọa các giá trị căn bản đề cao các nền kinh tế mở và tự do của chúng tôi.
Tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng và cơ hội là những công cụ quyền lực nhất để xử lý các nguyên nhân sâu xa của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần tăng cường hợp tác quốc tế và đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố".
Hiện Pháp-Nga sẵn sàng hợp tác quân sự để đánh IS tại Syria và Iraq. Tổng thống Pháp Francois Hollande dự tính đến Mỹ và Nga để gặp hai vị đồng nhiệm Barack Obama và Vladimir Putin trong tuần này, để bàn việc lập liên minh quân sự quốc tế chống IS.
Từ năm ngoái, Mỹ dẫn đầu một liên quân không kích IS. Pháp và Nga gần đây tiến hành đợt không kích riêng.
Tuyên bố chung APEC được xem là một sự thể hiện tình đoàn kết hiếm có giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, 3 thế lực quân sự lớn ở châu Á-Thái Bình Dương.
Cũng tại APEC, ngày 18.11, sau cuộc gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Obama đã yêu cầu TQ chấm dứt hoạt động cải tạo đất-xây dựng cơ sở hạ tầng trên Biển Đông.
Bắc Kinh phản ứng lại, nói Mỹ nên chấm dứt gây căng thẳng và làm phức tạp các cuộc tranh chấp.
Cùng ngày 18.11, ông Obama đã gọi ông Putin là "một đối tác xây dựng". Tại cuộc họp G-20, hai vị lãnh đạo Nga-Mỹ đã nói chuyện, các nhà quan sát và giới truyền thông nói đó là dấu hiệu Nga-Mỹ làm hòa để cùng ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.
Tổng thống Putin không dự APEC, vì ông bận tập trung cuộc điều tra vụ máy bay dân dụng Nga bị rơi ở Ai Cập hồi cuối tháng 10, khiến 224 người chết. Nga đã xác nhận IS đánh bom chiếc máy bay này.
Tại APEC, ông Obama và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cùng trình bày tầm nhìn về hoạt động thương mại ở châu Á, cho thấy Mỹ-Trung đều ráng tranh tầm ảnh hưởng thương mại-kinh tế ở một trong những vùng kinh tế quan trọng nhất của thế giới.
Ông Obama đã gặp lãnh đạo 11 nước ký thỏa thuận thương mại tự do Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một mô hình mở rộng quan hệ thương mại quanh Thái Bình Dương.
TPP sẽ có hiệu lực từ năm 2017. Các nhà phân tích an ninh nói: TPP là một công cụ kinh tế để Mỹ xoay trục về châu Á nhiều hơn. Mỹ cũng đào sâu quan hệ quân sự với các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines... là các nước quan ngại việc TQ tuyên bố độc chiếm 90% Biển Đông.
Ông Obama nói: "TPP là trọng tâm của tầm nhìn của chúng tôi về tương lai của vùng kinh tế năng động này. Đấy là thỏa thuận thương mại tiến bộ nhất, đạt tiêu chuẩn cao nhất".
Ông nói TPP sẽ giúp mở các thị trường mới cho các mặt hàng Mỹ, bảo vệ môi trường và người lao động, đồng thời chặn việc đặt ra những quy định thương mại không đòi hỏi cao.
Trong năm cuối cùng làm tổng thống Mỹ, ông Obama sẽ rất cần nhận được sự phê duyệt TPP của lưỡng viện Mỹ.
TQ thì kêu gọi lãnh đạo các nước châu Á-Thái Bình Dương tham gia Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), một khu vực thương mại tự do được đưa vào chương trình làm việc của APEC suốt nhiều năm.
Lúc đầu, FTAAP có sự thúc đẩy của Mỹ, sau đó Mỹ chuyển qua thúc đẩy TPP. Ông Tập mô tả FTAAP là một cách liên kết các nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực.
Tại lễ khai mạc APEC, ông Tập đi một mình, lặng lẽ trên thảm đỏ, trong khi Tổng thống nước chủ nhà Aquino nói chuyện vui vẻ với nữ Tổng thống Chile Michelle Bachelet.
Cuộc dạo bước trên thảm đỏ này kéo dài 4 phút 07 giây, khi ông Tập tiến vào nơi tổ chức lễ khai mạc, một cán bộ tháp tùng lại gần ông.
Đấy là hình ảnh ông Tập cô đơn ở APEC. Philippines từng ngại ông không đến dự, vì Philippines là nước phản đối TQ tuyên bố độc chiếm Biển Đông mạnh mẽ nhất.
Khi được hỏi tại sao ông Aquino không nói chuyện với ông Tập, người phát ngôn Herminio Coloma của tổng thống Philippines từ chối trả lời trực tiếp, chỉ nói: hai vị lãnh đạo có nói chuyện 2 phút trước khi cùng đi vào chỗ tổ chức lễ khai mạc APEC.
Trần Trí