Lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay rất hay gặp các trường hợp “khủng bố”, đòi nợ do công nhân đi vay, gây ra rất nhiều mệt mỏi, bức xúc.

Lãnh đạo doanh nghiệp “mệt mỏi, bức xúc” vì công nhân đi vay, chủ bị “khủng bố”

Hoài Lam | 11/08/2022, 10:51

Lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay rất hay gặp các trường hợp “khủng bố”, đòi nợ do công nhân đi vay, gây ra rất nhiều mệt mỏi, bức xúc.

Doanh nghiệp đối mặt hàng loạt khó khăn

Tại hội nghị với Thủ tướng ngày 11.8, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết các doanh nghiệp dệt may đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức vào cuối năm 2022.

Cụ thể, hiện nay dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên một số nước mà ngành dệt may Việt Nam có mối quan hệ lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn áp dụng chính sách "zero COVID" gây khó khăn cho Việt Nam trong việc cung ứng nguyên vật liệu, cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, lạm phát của Mỹ và châu Âu cũng ảnh hưởng đến sức mua của người lao động, khiến đơn hàng có xu hướng giảm đi. Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng khiến nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển cũng tăng rất cao (gấp khoảng 3 lần so với 5 năm gần đây).

Ông Cẩm cũng cho hay thị trường EU và một số thị trường lớn khác đang có xu hướng đưa ra chiến lược dệt may mới, trong đó có việc sẽ tính tỷ lệ tái chế và carbon.

Thêm nữa tình hình dệt may sử dụng lực lượng lao động rất lớn, qua thời gian chống dịch, có nhiều người lao động về quê và không quay trở lại. Có tình trạng biến động lao động, "nhảy việc"…

Chưa kể, trong thời gian chống dịch vừa qua, tiềm lực về vốn, tài chính của nhiều doanh nghiệp cũng khá khó khăn, có những doanh nghiệp đọng tiền hoàn thuế vat trên 5 tỉ trong thời gian dài.

cam-6.jpg
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Ảnh: VGP

Ông Cẩm đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hoá chất…

“Vấn đề này liên quan đến xử lý nước thải mà nhiều địa phương cũng không mặn mà, chúng tôi đề nghị các địa phương hỗ trợ, những khu công nghiệp đang tồn tại cũng không có vấn đề gì lớn cả. Chúng ta cần đảm bảo có nguồn vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ để hưởng những lợi ích mà FDI mang lại”, ông Cẩm nói.

Về thuế giá trị gia tăng, ngành dệt may kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính quy định thuế cho sản phẩm dệt may xuất khẩu tại chỗ.

“Thêm một vấn đề nữa là lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay rất hay gặp các trường hợp khủng bố, đòi nợ, do công nhân đi vay nhưng lãnh đạo bị đòi nợ, gây ra rất nhiều mệt mỏi, bức xúc”, ông Cẩm nêu.

Nói về khó khăn của ngành, ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho biết vừa qua, trong đợt khủng hoảng giá cước (tăng gấp 5-7 lần), lợi nhuận "rơi vào túi" các hãng lớn của nước ngoài. Rõ ràng, Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này nên việc đẩy mạnh đội tàu, trong đó có container, là rất quan trọng.

Theo ông Trung, vận tải phải liên kết được hàng hoá, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp logistics, vận tải, hàng hải thì cơ chế cần phù hợp với các yếu tố quốc tế, đồng thời hài hoà với điều kiện trong nước. Đơn cử việc xuất nhập hàng hoá như than, quặng, xi măng. Về hàng hóa chuyên chở, cần dành quyền vận tải ít nhất 20-30% sản lượng (than/quặng/xi măng) cho đội tàu Việt Nam.

Về vận tải đường biển, ông Trung cho biết thương mại biên giới với Lào và Campuchia cũng rất quan trọng. Hiện nay các hãng vận tải khi sang Lào cần phải được chỉ định bởi một đại lý bên Lào. Vấn đề này sẽ làm tăng thêm chi phí. Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ, bộ ngành lưu tâm, tháo gỡ khó khăn này.

cam-2.jpg
Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam

Ở lĩnh vực hàng không, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay thị trường hàng không Việt Nam trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc. Ngoài ra, doanh thu lại không tương ứng, do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.

Ngoài ra, trên thế giới vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng không; giá xăng dầu ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn các doanh nghiệp; nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời…

Một yếu tố nữa liên quan đến cơ sở hạ tầng của ngành hàng không dù được tăng cường rất nhiều, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng, còn những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt đối với những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.

Hiệp hội hàng không kiến nghị cần giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không; sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế; nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới; tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất 4 giải pháp trong ngắn hạn. Cụ thể là cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để; đẩy mạnh công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; nghiên cứu triển khai hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu như hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, người có thu nhập thấp; nghiên cứu áp dụng mức giá bán lẻ điện phù hợp đối với "cơ sở lưu trú du lịch" để hỗ trợ phục hồi; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

dung.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gẫy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành…

Trong dài hạn, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tín dụng xanh…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo doanh nghiệp “mệt mỏi, bức xúc” vì công nhân đi vay, chủ bị “khủng bố”