Các chuyên gia nói việc hai lãnh đạo Nga - Trung Quốc dễ dàng thắng ở các cuộc bầu cử chức vụ, sẽ giúp hai nước này mở rộng tầm ảnh hưởng cấp toàn cầu và cải thiện khả năng quân sự, vào lúc nhiều nước khác quay lưng với trật tự thế giới kiểu phương tây thường do Mỹ dẫn đầu.

Lãnh đạo Nga-Trung thắng lớn, thách thức quyền lực Mỹ

21/03/2018, 17:29

Các chuyên gia nói việc hai lãnh đạo Nga - Trung Quốc dễ dàng thắng ở các cuộc bầu cử chức vụ, sẽ giúp hai nước này mở rộng tầm ảnh hưởng cấp toàn cầu và cải thiện khả năng quân sự, vào lúc nhiều nước khác quay lưng với trật tự thế giới kiểu phương tây thường do Mỹ dẫn đầu.

Hai vị lãnh đạo Nga - Trung gặp nhau năm 2017 - Ảnh: Getty Images

Hôm 20.3, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói Nhà Trắng không chúc mừng ông Putin trúng cử tổng thống Nga, nhưng ông nói thêm “không cần phải xem đây là một động thái không thân thiện của Mỹ. Ngài Putin vẫn mở lòng bình thường hóa quan hệ với đối tác Mỹ. Tổng thống đã nhận nhiều lời chúc mừng của lãnh đạo các nước khác. Một số vị không thể gọi điện thoại vì lịch làm việc quá bận, những vị khác có các lý do khác”.

Vài giờ sau, Điện Kremlin ra tuyên bố, cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện chúc mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin, và hai lãnh đạo Nga - Mỹ bàn nhiều vấn đề quốc tế gồm Ukraine, Syria, kinh tế và năng lượng.

Theo Newsweek, các nước phương tây không nói gì nhiều về hai cuộc thắng cử của các ông Putin, Tập Cận Bình, vì họ khẳng định hai hệ thống chính trị Nga - Trung ngay từ đầu đã tạo điều kiện dễ dàng để các ông Putin, Tập Cận Bình chiến thắng.

Nhưng nhà nghiên cứu cấp cao Charles A. Kupchan của Hội đồng quan hệ đối ngoại (thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) nói với Newsweek: các nhà quan sát chớ nên bác bỏ uy tín trong nước của hai nhà lãnh đạo Nga - Trung, do sự khác biệt trong cách hai vị duy trì quyền lực.

Ông Kupchan nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng nên nhấn mạnh là dù có sự dàn xếp kết quả chăng nữa, các lãnh đạo Nga - Trung vẫn nhận được sự ủng hộ của người dân của họ, và đó là sự khác biệt sâu sắc với những gì đã xảy ra ở nhiều xã hội phương tây”.

Ngày 18.3, ông Putin nhận được 76,6 % số phiếu để thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Ngày 17.3, Quốc hội Trung Quốc nhất trí bầu ông Tập Cập Bình làm Chủ tịch nước, và trước đó hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh này, đồng nghĩa ông Tập có thể nắm quyền suốt đời.

Vào tháng 6 tới, Trung Quốc sẽ tiếp đón Tổng thống Nga dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 20.3 báo cáo Quốc hội Trung Quốc: Bắc Kinh và Moscow sẽ tiếp tục hợp tác song phương, gồm tăng quan hệ thương mại lên 100 tỉ USD.

Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh, ông tin tưởng sự phát triển ổn định mối quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác Nga - Trung đều có lợi cho cả hai nước và cho cả toàn thế giới.

Hai ông Putin - Tập Cận Bình lãnh đạo hai cường quốc đặt nhiều thách thức nhất cho Mỹ, ở tầm ảnh hưởng chính trị và sức mạnh quân sự. Moscow - Bắc Kinh đều muốn kiểm soát những tham vọng của Mỹ ở các nước khác, nên đã tăng cường hợp tác với nhau và sau khi liên tục thắng cử, hai ông Putin - Tập Cận Bình chúc mừng nhau trước tiên.

Trong công điện gởi ông Tập Cận Bình ngày 17.3, ông Putin viết: “Quyết định của Quốc hội Trung Quốc cho thấy một sự công nhận nỗ lực của ngài để bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội năng động của đất nước và bảo vệ quyền lợi quốc gia ở vũ đài thế giới”.

Một ngày sau, ông Tập Cận Bình chúc mừng ông Putin thắng cử lớn. Công điện viết: “Hiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung - Nga ở cấp độ tốt nhất trong lịch sử, công bằng và công lý, hợp tác và đạt kết quả tất cả các bên cùng có lợi.

Ông Tập Cận Bình còn viết: “Trung Quốc sẵn lòng làm việc với Nga, để nâng quan hệ Trung - Nga lên tầm cao hơn, trở thành động lực chính cho sự phát triển quốc gia của mỗi nước, cổ động sự ổn định và hòa bình khu vực và thế giới”.

Theo Newsweek, ông Putin đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc từ năm 2001, nhưng quan hệ Nga - Trung chỉ được củng cố từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền lực hồi năm 2013.

Mỹ cùng các quyền lực châu Âu đều cáo buộc Nga can thiệp chuyện nội bộ nước mình, gồm can thiệp các cuộc bầu cử nhưng Moscow phủ nhận.

Trong lúc NATO và Nga chạy đua vũ trang và tập trận rầm rộ, Nga đã ký được nhiều hợp đồng béo bở với các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Nga cũng thắng những nỗ lực quân sự Mỹ ở Syria.

Như ông Putin, ông Tập Cận Bình cũng chủ trương hiện đại hóa quân đội, và tiến hành dự án cơ sở hạ tầng Vành Đai và Con Đường trị giá hàng tỉ USD để có những thỏa thuận thu gom nguồn tài nguyên của khắp thế giới, nhất là ở châu Á và châu Phi.

Quân đội Trung Quốc cũng đã bắt đầu tập triển khai xa khỏi lãnh thổ, chú trọng vào những khu vực đem lại lợi ích kinh tế cho Bắc Kinh.

Binh lính Nga -Trung tham gia tập trận chung - Ảnh: AP

Dù ngân sách quốc phòng Mỹ hiện vẫn lớn hơn so với Nga - Trung, nhưng từ việc Mỹ chuyển tầm ảnh hưởng lên chính trị và kinh tế từ phương tây sang phương đông, Nga -Trung đã có được những phần lợi, như ông Putin đã khoe nhiều loại vũ khí mạnh có thể gắn đầu đạn hạt nhân trong bài diễn văn liên bang hồi đầu tháng 3.

Nhà nghiên cứu Kupchan nói với Newsweek: “Bối cảnh kinh tế đã ngang bằng trong khi bối cảnh quân sự lại không như thế. Vấn đề ngành quốc phòng Nga - Trung bắt đầu bắt kịp tầm ảnh hưởng hoàn cầu chỉ còn là thời gian”.

Ông Kupchan cũng nói chính sách đối ngoại tự cô lập của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng góp phần khiến Mỹ không còn quan tâm đến các quyền lợi ở nước ngoài: “Chúng ta tự rút khỏi cuộc chơi và họ nhảy vào”.

Nhà nghiên cứu Torrey Taussig ở Viện Brookings mô tả sự hợp tác của hai ông Putin -Tập Cận Bình là “một cuộc hôn nhân của lý trí”, nhưng bà cũng nói hai vị lãnh đạo đã tranh thủ được việc vài năm qua, phương tây bị lọt vào sự suy yếu kinh tế và bất ổn chính trị, người dân đã bày tỏ sự bất tín nhiệm các thể chế và các đảng phái.

Trong khi đó, hai ông Putin - Tập Cận Bình củng cố được quyền lực trong nước và đang mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế - quân sự ra khỏi bờ cõi Nga - Trung. Những dòng chảy này dẫn đến cảm giác tầm ảnh hưởng chính trị đã chuyển từ phương tây sang phương đông, theo bà Taussig.

Tuy nhiên, phương tây và nhất là Mỹ đều xem sự trỗi dậy của Nga - Trung là một yếu tố gây bất ổn. Trong Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) được công bố hồi cuối năm 2017, ông Trump kết luận “Nga - Trung thách đố tầm ảnh hưởng, quyền lợi và quyền lực của Mỹ, toan tính làm xói mòn sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ. Họ quyết tâm ngăn chặn kinh tế tự do và công bằng, phát triển quân sự và kiềm soát thông tin - dữ liệu nhằm đàn áp xã hội của họ và bành trướng tầm ảnh hưởng của họ”.

Nga - Trung đều có cách đối phó với dòng tư tưởng của ông Trump, nói Nga - Trung đã nâng cao vai trò trong các vấn đề của thế giới để tạo ra một môi trường quốc tế đa dạng hơn. Hai nước này thường cáo buộc Mỹ bấu víu mãi vào tư tưởng Chiến tranh Lạnh và tìm cách thống trị các diễn đàn đối thoại đa phương.

Bảo Vĩnh (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
7,2 tỉ USD có thể chảy vào Việt Nam ngay khi thị trường chứng khoán được nâng hạng
3 giờ trước Tài chính và đầu tư
Ước tính, khoảng 7,2 tỉ USD vốn gián tiếp nước ngoài sẽ chảy vào thị trường Việt Nam ngay sau khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Việc này cũng mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo Nga-Trung thắng lớn, thách thức quyền lực Mỹ