Chuyện quận 1 (TP.HCM) muốn đề xuất lát đá hoa cương lên các tuyến vỉa hè chính trung tâm thành phố khiến dư luận xôn xao những ngày qua.

Lát đá hoa cương nhưng dân vẫn tè bậy thì sao

01/04/2016, 07:26

Chuyện quận 1 (TP.HCM) muốn đề xuất lát đá hoa cương lên các tuyến vỉa hè chính trung tâm thành phố khiến dư luận xôn xao những ngày qua.

Con số 1.000 tỉ cho dự án này khiến nhiều người cảm thấy có điều gì đó không hợp lý. Không ít ý kiến phản đối cho rằng trong lúc đất nước khó khăn, người dân miền Tây còn đang vất vả chịu hạn mặn... thì đem 1.000 tỉ lát vỉa hè có vẻ hơi lãng phí.

Ở chiều ngược lại, có ý kiến ủng hộ dự án táo bạo này. Lý do đây là tiền mà quận 1 có từ đầu tư của doanh nghiệp và sau đó lấy ngân sách của quận để chi trả chứ không xin từ thành phố hay trung ương xu nào. Nếu quận 1 có thể tự cáng đáng được khoản ngân sách lát vỉa hè mà không cho thì rất bất công cho quận số 1 của thành phố lớn nhất Việt Nam. Còn việc các huyện ngoại thành lo chống triều cường, các tỉnh khác lo chuyện ngập mặn thì đó không phải là việc mà quận 1 cần lo lắng. Điều mà quận 1 cần là tạo bộ mặt thật chỉn chu để thu hút du lịch, mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước.

Suy nghĩ này cũng không hẳn là sai. Một đất nước cũng giống như một cơ thể, không thể cào bằng. Trên cơ thể chúng ta, có chỗ thì phải chịu lấm lem bùn đất, một nắng hai sương nhưng dù thế nào thì khuôn mặt thì phải luôn sạch sẽ, tô điểm kỹ càng nhất. Quận 1 trung tâm của TP.HCM cũng ví như bộ mặt của Việt Nam thì nếu có chi tiền nghìn tỉ để trang điểm cho dễ coi cũng là điều hợp lý.

Nhưng quận 1 trước khi muốn tô son trang điểm thì cũng nên soi gương cho kỹ để biết chỗ nào nên tô đậm, nơi nào nên tô nhạt. Không cần soi đâu xa mà chỉ cần lật ngược lại thời điểm một vài ngày trước khi có đề xuất lát vỉa hè nghìn tỉ. Từ ngày 8.3.2016, Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1, TP.HCM đã tiến hành chiến dịch cao điểm truy tìm những người tè bậy, không đúng nơi quy định. Tổng cộng 2 tuần cao điểm xử lý được 34 trường hợp, trong đó có 19 trường hợp bị phạt 200.000 đồng.

Nhưng sau 2 tuần cao điểm rồi thì không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu chỉ cần 2 tuần cao điểm mà dẹp được thói quen xấu này thì chắc cả TP.HCM và cả nước nên học theo quận 1.

Quay trở lại chuyện những người tè bậy tại quận 1. Ngoài lý do ý thức kém thì phải thấy rằng hệ thống nhà vệ sinh công cộng của quận 1 cũng không đáp ứng được nhu cầu của người dân chứ chưa nói gì đến việc ghi điểm với khách du lịch quốc tế.

Báo điện tử VTC dẫn thống kê từ Công ty dịch vụ Công ích quận 1 cho biết, hiện đơn vị này đang quản lý 30 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, số nhà vệ sinh này không đáp ứng đủ nhu cầu và nhiều nơi đã xuống cấp, hư hỏng.

Đã vậy, phần lớn các nhà vệ sinh này nằm trong các khu chợ, khu dân cư, công viên… và đang xuống cấp nhưng vẫn thu phí khiến nhiều người cũng không mặn mà. Trong khi số ít nhà vệ sinh xã hội hóa, sạch sẽ luôn có đông người nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Nếu 1.000 tỉ được dùng xây nhà vệ sinh công cộng thì chắc ít nhất cũng phải được cả trăm nhà vệ sinh chất lượng cao phủ kín địa bàn của quận, làm vui lòng người dân và du khách. Điều khiến du khách nước ngoài sợ nhất khi đến Việt Nam là các nhà vệ sinh kinh khủng chứ không phải là vỉa hè xấu, mấp mô. Còn nếu đem 1.000 tỉ làm vỉa hè cho đẹp mà người dân tè bậy thì đá hoa cương dù đắt mấy cũng vẫn bốc mùi, đem ấn tượng buồn với du khách.

Suy cho cùng, 1.000 tỉ nên làm gì cho hợp lý và để thiên hạ khỏi xì xào thì quận nên thử đưa ra hỏi ý kiến người dân. Cũng sắp đến thời điểm bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp rồi.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lát đá hoa cương nhưng dân vẫn tè bậy thì sao