Nếu vườn địa đàng có thật ở trần gian này, chắc chắn ở đó bông hoa đẹp nhất sẽ mang gương mặt người phụ nữ.
Phụ nữ là… “thượng đế”
Không ai có thể tưởng tượng, một ngày kia thức giấc, trên trái đất này không còn một bóng hồng nào. Sự tệ hại ấy là một hiểm họa khủng khiếp không khác gì từ trời cao đã đổ xuống trận mưa, mà mỗi hạt mưa giấu trong đó một mầm bom nguyên tử.
Lại nghĩ, mọi thứ hay ho nhất trên đời này, từ thơ ca, nhạc, họa đến điêu khắc kiến trúc v.v… cũng đều lấy cảm hứng từ phụ nữ.
Hình thể, nhan sắc của họ đã nuôi dưỡng cho hàng triệu triệu thiên tài từ cổ chí kim, niềm hưng phấn tuyệt vời, cảm xúc bay bổng nhất để có thể sáng tạo các tác phẩm bất hủ.
Chưa hết, trong thời đại @ này (và cả sau này nữa), người phụ nữ luôn chiếm giải quán quân về tần số xuất hiện trong lãnh vực tiếp thị, PR. Đố có doanh nhân nào khi quảng cáo sản phẩm mới dám loại trừ hình ảnh xinh tươi cỡ Thúy Kiều, Thúy Vân...
Tôi hùng hồn nói thế, bởi biết rằng dù có quảng cáo đến tính năng hiện đại nhất của súng đạn, vũ khí, tên lửa hạt nhân đi nữa thì hình ảnh của họ cũng không thể vắng bóng.
Bất kỳ thời đại nào, từ Đông sang Tây thì trong tâm thức đàn ông, vai trò của người phụ nữ luôn đứng ở vị trí đầu tiên. Chính họ đã là nơi gìn giữ, cưu mang “báu vật” tột cùng của sự sống tiếp nối đời đời.
Xem tượng của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhiều người giật mình khi nhìn thấy lúc họ mang nặng đẻ đau không khác gì đang sở hữu hình ảnh trái đất nhỏ nhoi ngay trong bụng của mình.
Có lẽ không có hình ảnh nào cao quý hơn, hướng thiện hơn lúc người phụ nữ đang hoài thai mầm sống. Đành rằng, để có thể hoàn thiện chức duy trì nòi giống rất thiêng liêng ấy, phái đẹp cần có sự đóng góp của người đàn ông.
Phụ nữ chỉ là… “cái máy đẻ”?
Đã có nhiều đàn ông sau vài cú thất tình gì gì đó bèn bạo mồm dạn miệng tuyên bố sẽ sống độc thân suốt đời, nhưng rồi cuối cùng họ lại quỳ mọp dưới chân các thần Vệ nữ để tìm lại nguồn vui sống.
Không có phụ nữ, sống làm gì nữa hỡi trời cao đất dày? Đúng quá. Nếu không có phụ nữ chẳng khác gì trái đất chìm nghỉm vào bóng đêm. Câu ví von ấy chẳng mới mẻ gì nhưng luôn phù hợp với mọi thời đại.
Nói tắt một lời, trái đất này chỉ trở thành hành tinh xanh khi có sự xuất hiện của nữ giới.
Quái quỷ cho đàn ông, nói thì nói thế, nghĩ thì nghĩ thế nhưng rồi người phụ nữ đứng ở vị trí nào trong nhận thức của họ?
Đứng ở đâu tự mỗi người tìm câu trả lời nhưng chắc chắn rằng, đã có không ít người có suy nghĩ: vợ/người tình không khác gì… cái máy đẻ.
Mà phải biết đẻ ra con trai cơ! Quan niệm lạc hậu ghê gớm đó đè nặng trong óc “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. 1 trai là có, 10 gái vẫn là không. Nhà nào có nhiều đào, lan, mai, cúc, huệ thường bị giễu cợt bằng tên gọi “lũ vịt giời”! Vô lý chưa?
Khi mang nặng đẻ đau cũng là lúc người phụ nữ phải đối mặt với chính mạng sống của mình. “Người chửa cửa mả”. Ấy mà, khi đứa con ra đời, người đàn ông lại phủi sạch trơn trách nhiệm.
Đã có thể ngoác mồm ra mà rằng: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” chứ hoàn toàn không phải do họ đấy nhá! Nhìn nhận vai trò người vợ ở vị trí thấp hơn mình, đối xử với vợ như Osin mà khi cần đáp ứng nhu cầu bản năng lại lôi Osin lên giường mà không thèm quan tâm đến cảm xúc của người bạn đời.
Sau đó, đàn ông lại khôn ngoan và cũng thật láu cá trút hết nhiệm vụ nuôi dạy con cho người đầu ấp tay gối. Vô lý chưa?
Ông trời hay thật, dù bất công thế nhưng rồi phụ nữ cũng vui vẻ chấp nhận, không than vãn gì bởi nghĩ cho cùng đó cũng chính nghĩa vụ thiêng liêng mà tạo hóa đã dành cho họ.
Lê Minh Quốc