Một tiết lộ gần đây cho biết hầu hết các giáo viên mới được thuê giảng dạy tại một trường trung học ở Trung Quốc đều có bằng tiến sĩ đã gây ra một cuộc tranh luận trái chiều về thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh gay gắt cũng như phản ánh nỗi ám ảnh về trình độ học vấn tại đất nước này.
Trong số 7 ứng cử viên cho vòng phỏng vấn cuối cùng cho vị trí giáo viên sinh học tại một trường trung học thì có 4 người có bằng tiến sĩ. Gou Xiaoxue, tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, người đã được phỏng vấn cho vị trí này vào tháng trước cho biết: “Sự cạnh tranh rất khốc liệt. Tôi nghe nói rằng đối với vị trí giáo viên hoá học, tất cả các ứng viên đều phải có bằng tiến sĩ”.
Theo Gou, ngôi trường này đã thuê 4 người dạy sinh học, 3 người trong số họ đều có bằng tiến sĩ. Cô nói thêm rằng một số giáo viên tại các cơ sở dạy thêm đã bị sa thải trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc cấm dạy thêm trong những tháng gần đây, điều này cũng đã làm tăng số lượng người nộp đơn và cạnh tranh cho các vị trí giảng dạy.
Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã nhắc lại chủ trương cấm dạy thêm ở quy mô nhỏ, được ngụy trang dưới nhiều tên gọi khác nhau như: dạy một thầy một trò, dịch vụ giúp việc gia đình cao cấp, hay dạy thêm gây quỹ cộng đồng.
Việc cấm dạy thêm tư nhân là một phần trong sáng kiến của Trung Quốc nhằm giảm gánh nặng bài tập về nhà của học sinh tiểu học và trung học cơ sở do đào tạo ngoại khóa, được gọi tắt là chính sách “hai giảm”.
Câu chuyện của Gou Xiaoxue nhanh chóng trở thành tin tức được tìm kiếm nhiều nhất trên weibo, với 130 triệu lượt xem và hơn 14.000 bình luận.
Một người viết: “Tôi không nghĩ rằng một người có học vị càng cao thì càng dạy tốt. Điều quan trọng là liệu những ứng viên này có cách giảng dạy học sinh tốt không?”.
“Thật khó tin khi họ xin việc vì tình yêu với nghề dạy học. Tôi nghĩ họ bị thu hút bởi mức lương cao mà trường đưa ra”, một người khác bình luận.
“Các trường hàng đầu ở các thành phố lớn đều yêu cầu người xin việc phải có bằng cấp cao.Tôi ở Tây An (tỉnh Thiển Tây, Trung Quốc) và các trường tiểu học công lập ở đây chỉ thuê học sinh tốt nghiệp có bằng cử nhân trở lên từ các trường đại học danh tiếng”, một người khác chia sẻ.
Gần đây, việc giáo viên tiểu học và trung học ở Trung Quốc có bằng cấp cao hơn bằng cử nhân là điều bất thường.
Vào cuối năm ngoái, có thông tin tiết lộ rằng Tập đoàn trường ngoại ngữ Nam Sơn Thâm Quyến đã thuê 29 sinh viên tốt nghiệp từ hai trường đại học hàng đầu của Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa và 21 người khác từ các trường nổi tiếng ở nước ngoài bao gồm Đại học Columbia, New York (Mỹ), Đại học London (Anh) và Đại học Hồng Kông.
Giáo sư Ma Hemin từ Khoa Giáo dục tại Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc cho biết là ngày càng nhiều trường tiểu học và trung học phổ thông thuê giáo viên có bằng cấp cao. “Nó hữu ích cho sự nghiệp giáo dục của Trung Quốc. Đó chắc chắn không phải là sự lãng phí tài năng. Những sinh viên tốt nghiệp nên định hướng cho mình trở thành một giáo viên yêu học sinh, yêu nghề. Hơn nữa, họ nên tận dụng nền tảng học vấn cao của mình để sáng tạo ra những cách dạy học độc đáo để ươm mầm những tài năng”, ông Ma nói với tờ South China Morning Post.
Wang Yixin, chuyên gia tư vấn cấp cao tại trang web tuyển dụng zhaopin.com cho biết sinh viên tốt nghiệp có bằng cấp cao hơn đã chọn làm việc trong các trường học vì tính chất ổn định cho việc giảng dạy. “Làm giáo viên đã trở thành một trong 10 công việc lý tưởng cho những người trẻ tuổi. Thời hậu đại dịch, nhiều người xin việc dạy học cho ổn định. Nền tảng của chúng tôi cho thấy 40% người dùng thích sự ổn định hơn là thu nhập cao”.
Sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trên khắp đất nước đã tăng lên 9,09 triệu người trong năm nay.
Truyền thông Trung Quốc đã đưa tin rằng trong những năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp đại học đã nhận những công việc mà những sinh viên tốt nghiệp trước đó không mặn mà như giúp việc, đại lý bất động sản, công nhân dây chuyền lắp ráp trong các nhà máy và công nhân trong các trang trại chăn nuôi lợn.