Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21.3 đã nhất trí thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm khuyến khích các nước bảo vệ nhân quyền, dữ liệu cá nhân và giám sát rủi ro của AI.
Khoa học - công nghệ

LHQ thông qua nghị quyết ngăn chặn trí tuệ nhân tạo chi phối toàn cầu

Hoàng Vũ (theo Reuters) 22/03/2024 18:25

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21.3 đã nhất trí thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm khuyến khích các nước bảo vệ nhân quyền, dữ liệu cá nhân và giám sát rủi ro của AI.

Theo Reuters, nghị quyết AI do Mỹ đề xuất và được Trung Quốc cùng hơn 120 quốc gia khác đồng bảo trợ, thông qua bằng hình thức đồng thuận mà không cần bỏ phiếu.

ai-2.jpg
Trí tuệ nhân tạo đang là đề tài nóng tại các diễn đàn quốc tế và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trên thế giới - Ảnh: Reuters

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Hôm nay, tất cả 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã cùng lên tiếng và cùng nhau lựa chọn quản lý trí tuệ nhân tạo thay vì để nó chi phối chúng ta”.

Nghị quyết này là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến của các chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI, trong bối cảnh lo ngại nó có thể được sử dụng để phá vỡ các quy trình dân chủ, gian lận, ảnh hưởng tới việc làm, sinh kế của nhân loại, cùng nhiều tác hại khác.

“Việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo không đúng cách hoặc có ác ý… gây ra những rủi ro có thể… làm suy yếu việc bảo vệ, thúc đẩy, tận hưởng các quyền con người và quyền tự do cơ bản”, Reuters dẫn tuyên bố của nghị quyết trên.

Vào tháng 11 năm ngoái, Mỹ, Anh và hơn chục quốc gia khác đã công bố thỏa thuận quốc tế chi tiết đầu tiên về cách đảm bảo an toàn AI trước những kẻ lừa đảo, đồng thời thúc đẩy các công ty tạo ra các hệ thống AI “an toàn ngay trong bước thiết kế”.

Châu Âu đang đi trước Mỹ, với việc các nhà lập pháp EU thông qua một thỏa thuận tạm thời trong tháng này để giám sát công nghệ AI. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã và đang thúc ép các nhà lập pháp về quy định về AI, nhưng quốc hội Mỹ hiện phân cực và rất khó để đạt được bước tiến mới.

Nhà Trắng đã tìm cách giảm thiểu rủi ro AI cho người tiêu dùng, người lao động và các nhóm thiểu số, đồng thời củng cố an ninh quốc gia bằng lệnh hành pháp mới vào tháng 10.2023.

Trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định việc thông qua nghị quyết là một bước ngoặt, đồng thời nhấn mạnh “trong bối cảnh công nghệ AI phát triển nhanh chóng, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế và ứng phó với những tác động sâu rộng của công nghệ AI”.

Ông Sullivan cho biết phải mất gần 4 tháng để đàm phán giải pháp, nhưng nó đã mang lại cho thế giới “một bộ nguyên tắc cơ bản để hướng dẫn các bước tiếp theo trong việc phát triển và sử dụng AI”.

Khi được hỏi liệu các nhà đàm phán có gặp phải sự phản đối từ Nga hay Trung Quốc không, giới chức Mỹ thừa nhận đã có “rất nhiều cuộc đối thoại nảy lửa... nhưng chính quyền Biden đã tích cực thương lượng với Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác có quan điểm khác.

“Chúng tôi tin rằng nghị quyết này tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc thúc đẩy phát triển hơn nữa đồng thời tiếp tục bảo vệ nhân quyền”, một quan chức Mỹ giấu tên cho Reuters biết.

Bài liên quan
Apple tái đàm phán với OpenAI về các tính năng AI tạo sinh cho dòng iPhone 16
Bloomberg đưa tin Apple tái khởi động các cuộc thảo luận với OpenAI về việc sử dụng công nghệ AI tạo sinh của công ty khởi nghiệp này để hỗ trợ một số tính năng mới trên dòng iPhone 16.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
LHQ thông qua nghị quyết ngăn chặn trí tuệ nhân tạo chi phối toàn cầu