LS.Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng thẩm quyền điều tra, tố tụng nên giao cho cơ quan điều tra chuyên ngành, không nên giao thẩm quyền cho cơ quan thuế, công chức thuế.

Lo lạm quyền, chồng chéo khi cho phép cơ quan thuế khởi tố như công an

Trí Lâm | 07/05/2018, 14:15

LS.Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng thẩm quyền điều tra, tố tụng nên giao cho cơ quan điều tra chuyên ngành, không nên giao thẩm quyền cho cơ quan thuế, công chức thuế.

Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra dự thảovề luật Quản lý Thuế (sửa đổi). Theo đó, cơ quan thuế, công chức thuế sẽ được xử lý vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn. Trường hợp có căn cứ về hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, cán bộ thuế có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm.

Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.

Sẽ nâng cao vị thế của cơ quan thuế

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) ủng hộ đề xuất này. Ông Thịnh cho rằng, từ trước đến nay, các cơ quan thuế không có thẩm quyền về mặt điều tra thuế cũng như các hoạt động tố tụng mang tính chất thuế. Điều này làm cho các hoạt động về quản lý thuế có kẽ hở khiến các chủ thể trong nền kinh tế lợi dụng, trốn thuế, chậm nộp thuế…

“Việc cơ quan thuế có quyền điều tra, tố tụng khá phổ biến ở các nước phát triển, tạo thêm sức nặng buộc các chủ thể phải thực hiện nghiêm túc việc nộp thuế”, ông Thịnh nói.

Theo ông, Việt Nam đi lên từ nền kinh tế chậm phát triển và phần nào có tính làng, xã. Sự chây ì trong nộp thuế, trốn thuế vốn mang nặng tính chất của nền sản xuất nhỏ. Do đó, việc đưa thẩm quyền điều tra và tố tụng của cơ quan thuế dần trở thành điều bắt buộc để nâng cao vị thế của cơ quan thuế, cũng như nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trong việc đóng thuế.

Ông cho rằng việc trao quyền cho cơ quan thuế không liên quan đến việc điều tra của các cơ quan chuyên trách khác. Ví dụ việc chậm nộp thuế của các đơn vịnếu chuyển qua cơ quan công an sẽ mất rất nhiều thời gian. Cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm xem xét hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế.

“Một đơn vị muốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì phải báo cáo đầu ra, đầu vào cho cơ quan thuế. Nếu cơ quan thuế thấy điều gì bất thường thì cơ quan thuế có thể điều tra, theo dõi và thực hiện tố tụng trong lĩnh vực thuế. Nếu sai phạm lớn trong lĩnh vực này thì cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ hơn những sai phạm”, ông Thịnh nói.

Trao đổi vớibáo chí, LS.Trương Quốc Hòe -Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận địnhthực trạng các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của các cá nhân, tổ chức tại nước ta ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến cho cơ quan thuế và Bộ Tài Chính khó có thể kiểm soát và điều tra để ngăn chặn kịp thời.

Ví dụtheo luật Quản lý thuế hiện hành, thời hạn thanh tra bị giới hạn trong phạm vi 45 ngày nên khi phát sinh những hành vi trốn thuế phức tạp, cần thời gian điều tra lâu dài thì cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn.

Vì thế, ông Hòe cho rằngđối với hành vi vi phạm pháp luật thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự nên việc để một cơ quan có chuyên môn như cơ quan thuế phụ trách điều tra hành vi trốn thuế cũng là một đề xuất có tính sáng tạo, tạo công cụ nhằm tăng cường giải pháp chống trốn thuế, gian lận thuế để việc quản lý thuế được tốt hơn.

“Khi bổ sung chức năng này có thể giúp cho quá trình điều tra, xử lý, khởi tố vụ án được tăng lên và tính chất răn đe đối với tội phạm thuế được nâng cao”, ông Hòe nói.

Lo ngại sự lạm quyền, chồng chéo

Cũng trao đổivới Một Thế Giớinhưng vớigóc nhìn khác, LS.Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng thẩm quyền điều tra, tố tụng nên giao cho cơ quan điều tra chuyên ngành chứ không nên giao thẩm quyền cho cơ quan thuế, công chức thuế.

“Lý do là trao quyền cho cơ quan thuế sẽ không bảo đảm sự khách quan trong chuyên môn và nghiệp vụ và có thể dẫn tới lạm quyền. Cơ quan thuế, công chức thuế theo tôi chỉ được quyền làm văn bản kiến nghị, tố cáo... chứ không nên giao thẩm quyền này”, ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, LS.Hùng nhấn mạnh: “Không những có thể lạm quyền mà còn có thể làm cho vụ việc không khách quan, không minh bạch. Điều này làm khó doanh nghiệp thêm nhiều vấn đề bởi bản chất hiện nay nhiều doanh nghiệp đã bị làm khó bởi các cơ quan thuế và họ đã vốn chịu nhiều áp lực sẵn rồi, nếu giao tiếp thẩm quyền này cho cơ quan thuế, công chức thuế thì doanh nghiệp còn bị áp lực hơn”.

Thêm nữa, ông Hùng còn nóinếu thẩm quyền này cho cho cơ quan thuế, công chức thuế thì vô tình chồng chéo lên thẩm quyền của cơ quan điều tra mà bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định. Lúc này lại phải sửa đổi, bổ sung luật tố tụng hình sự.

Cũng theo ông, nếu luật này được thông qua thì luật Tố tụng hình sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn, các văn bản, luật về Thẩm quyền chức năng của cơ quan điều tra và các văn bản liên quan đều phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

LS.Trần Minh Hùng lo ngại lạm quyền khi trao quyền tố tụng cho cơ quan thuế

Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh lại cho rằng, bản thân cơ quan quản lý thuế đã có tính chất của hoạt động điều tra và tố tụng rồi. Ví dụ như trước đây cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và theo dõi đầu ra, đầu vào, các khoản giảm trừ… Nếu doanh nghiệp không áp dụng đúng thì cơ quan thuế sẽ nhắc nhở doanh nghiệp phải làm. Việc này không có chế tài nên khi doanh nghiệp cố tình không thực hiện, cơ quan thuế rất khó xử lý.Khi cơ quan thuế có thẩm quyền tố tụng thì doanh nghiệp dây dưa thì sẽ có biện pháp cưỡng chế và yêu cầu thực thi.

“Nếu cán bộ thuế mà lạm quyền, nhũng nhiễu thì đã có các quy định khác để xử lý”, ông Thịnh nói.

Nên cân nhắc

Góp ý về đề xuất trên, Bộ TT-TT đề nghị không bổ sung chức năng điều tra thuế vì hiện nay chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế. Việc điều tra thuế nên để một cơ quan độc lập với cơ quan quản lý thuế thực hiện để đảm bảo tính minh bạch và đúng với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu bổ sung thêm chức năng điều tra thuếthì cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.

Giải trình trước các góp ý trên, Bộ Tài chính cho rằngở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán…

Cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế, không trực tiếp quản lý thông tin về lĩnh vực này nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo lạm quyền, chồng chéo khi cho phép cơ quan thuế khởi tố như công an