Thông qua các con đập ở thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc được cho là đang kiểm soát dòng chảy, tích trữ nhiều nước và hạn chế xả ra, gây ra những thay đổi thất thường đối với mực nước ở hạ nguồn, trong đó có tình trạng hạn hán dẫn đến nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng chục triệu người bị đe dọa nghiêm trọng.

Lo ngại đập của Trung Quốc đe dọa an ninh lương thực ở hạ lưu sông Mekong

11/05/2020, 13:25

Thông qua các con đập ở thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc được cho là đang kiểm soát dòng chảy, tích trữ nhiều nước và hạn chế xả ra, gây ra những thay đổi thất thường đối với mực nước ở hạ nguồn, trong đó có tình trạng hạn hán dẫn đến nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng chục triệu người bị đe dọa nghiêm trọng.

Một ngư dân Thái Lan đang đánh bắt cá dọc bờ sông Mekong - Ảnh: AFP

Ngư dân ở vùng Đông Bắc Thái Lan cho biết sản lượng thủy sản khai thác trên sông Mekong sụt giảm, trong khi nông dân ở Việt Nam và Campuchia đang lao đao tìm việc làm ở các thành phố khi không thể thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác do tình trạng hạn hán kéo dài. Theo các nhà phân tích, một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là mực nước thất thường trên sông Mekong - con sông dài thứ 3 châu Á (khoảng 4.300km).

Báo cáo của nhiều tổ chức phi chính phủ gần đây dựa trên dữ liệu nghiên cứu từ vệ tinh của Công ty Eyes on Earth Inc. (EoE, Mỹ) chỉ ra rằng 11 đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng ở thượng lưu sông Mekong, với 5 con đập trong số này hoạt động từ năm 2017, đã phá vỡ dòng chảy của sông, giữ nước ở thượng nguồn trong mùa mưa, gây hạn cho khu vực hạ lưu, đe dọa an ninh lương thực cũng như cuộc sống của hơn 60 triệu dân ở các quốc gia trong lưu vực.

Theo EoE, mực nước tại thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên mức trung bình vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, mực nước ở hạ lưu sông Mekong vào cùng thời điểm này có lúc thấp hơn 3m so với mức cần thiết, cùng lúc phải chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy. Ngoài ra, kể từ khi Trung Quốc hoàn thành đập Nọa Trác Độ năm 2012, cả 11 đập cùng lúc giữ lại nhiều nước hơn so với giai đoạn 20 năm trước, lượng xả ra ngày càng ít.

Trích dẫn những phát hiện nói trên, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (Mỹ) cho hay các đập Trung Quốc đã "khóa chặt van nước" trên sông Mekong.

Trong khi đó, ông Teerapong Pomun, Giám đốc Viện Cộng đồng Mekong, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về quản lý tài nguyên nước có trụ sở tại Chiang Mai, Thái Lan cho hay: "Theo quy luật tự nhiên, mực nước sông Mekong tăng và giảm chậm từ 3 đến 4 tháng giữa mức cao nhất và mức thấp nhất. Nhưng giờ đây mực nước sông dao động từ 2-3 ngày và tình trạng này diễn ra mỗi năm vì những con đập của Trung Quốc làm cản trở dòng chảy”.

Giám đốc điều hành mạng lưới 3S Rivers Protection Network, một tổ chức phi chính phủ ở Campuchia, ông Bunleap Leang cho biết, trong nhiều năm qua năng suất cây trồng và vật nuôi, nhất là nguồn lợi thủy sản ở vùng hạ lưu sông Mekong bị giảm đáng kể ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân lưu vực vì cuộc sống của họ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.

Đáng chú ý, mực nước sông Mekong đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 50 năm vào tháng 7 năm ngoái, khiến Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho 5 tỉnh ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm hơn một nửa sản lượng lúa gạo của đất nước. Chính quyền địa phương đã cảnh báo hạn hán có thể kéo dài đến tháng 5 hoặc lâu hơn. Tháng trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo năm 2020 năng suất lúa tại Việt Nam sẽ giảm 3,3% so với các tính toán trước đó do hạn hán và xâm nhập mặn, khiến sản lượng lúa có thể thấp hơn 0,9% trong năm nay.

“Nông dân là đối tượng đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề khi mực nước giảm, họ phải mất nhiều tiền để mua thêm nhiên liệu để bơm nước hoặc mua nước tưới, sinh hoạt khiến chi phí sinh hoạt tăng mạnh vào đúng thời điểm tồi tệ khi diễn ra đại dịch COVID-19. Tình trạng này đã đẩy người nông dân ra khỏi cánh đồng lúa để đi tìm công việc khác, trong khi ngư dân Thái Lan cũng đang kéo những mẻ lưới trống rỗng”, Giám đốc Viện Cộng đồng Mekong, ông Pomun nói.

Theo báo cáo của Ủy ban Sông Mekong (MRC) được cập nhật hồi tháng 1 năm ngoái, sản lượng cá có thể giảm 40% trong năm 2020 và giảm tới 80% vào năm 2040 trên sông Mekong do sự kết hợp của việc xây dựng các con đập, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp và biến đổi khí hậu. Báo cáo cho thấy khi dân số được dự báo sẽ tăng dọc theo lưu vực sông Mekong, trữ lượng cá có khả năng sụt giảm thông qua sự tác động của các con đập, tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp và biến đổi khí hậu.

Trong một tuyên bố vào ngày 21.4, MRC khẳng định lượng nước ở thượng nguồn sông Mekong tại Trung Quốc cao hơn bình thường trong mùa khô 2019 và 2020, nhưng cho biết sẽ là rất cần thiết để có thêm nhiều bằng chứng khoa học nhằm kết luận rằng hạn hán hồi năm ngoái phần lớn là do việc trữ nước ở các đập.

Về phần mình, phía Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc các đập ở nước này khiến mực nước sông Mekong thất thường, trong đó có dữ liệu nghiên cứu của EoE khi cho rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn ở thượng nguồn. Chính quyền Bắc Kinh lập luận rằng nghiên cứu ấy đã không đề cập lượng mưa thấp trong năm 2019 gây ra hạn hán nặng nề nhất trong khu vực suốt 50 năm qua.

Trung Quốc hồi tháng 2 cũng đã thông báo sẽ xả nước các đập thủy điện của mình trên sông Mekong để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với tình trạng hạn hán kéo dài, đồng thời bổ sung sẽ xem xét chia sẻ thông tin về thủy văn để hỗ trợ thêm trong tương lai.

Phát biểu trong cuộc họp của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Lan Thương (LMC) lần thứ 5 với sự tham dự của những người đứng đầu Bộ Ngoại giao các nước gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết mưa ít là lý do chính gây khô hạn và chính Trung Quốc cũng đang chịu thiệt hại từ điều này.

"Trung Quốc đã vượt qua khó khăn của riêng mình và tăng dòng chảy của sông Mekong để giúp các nước thuộc lưu vực sông đối phó với khô hạn và giảm thiểu hạn hán. Chúng tôi cũng đồng ý nâng cao hợp tác như vậy trong khuôn khổ LMC để đảm bảo sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước”, ông Vương cho hay.

Được biết tham vọng xây dựng đập của Trung Quốc trên sông Mekong bắt đầu từ những năm 1950, khi các kỹ sư tiến hành khảo sát con sông dọc theo tỉnh Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc.

Từ những năm 1980, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng đập thủy điện trên các dòng sông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế của nước này bắt đầu giai đoạn tăng trưởng. Tổng cộng có 11 đập của Trung Quốc hiện đang hoạt động với những con đập khác đã được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng ở lưu vực sông Mekong.

Sự tàn phá sông Mekong trong những năm đây đã tạo ra những lo ngại về thiệt hại môi trường, biến động xã hội và kinh tế.

“Tình hình ở sông Mekong rất đáng lo ngại khi hạn hán kéo dài gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho các nước trong khu vực từ nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là về an ninh lương thực. Chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong", chuyên gia Zhang Hongzhou thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS, Singapore) cảnh báo.

Ông Harris Zainul, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Malaysia, cho rằng đại dịch COVID-19 có thể trở thành một yếu tố tác động tiêu cực trong cuộc tranh cãi về sông Mekong. “Các quốc gia, bao gồm cả hạ lưu sông Mekong, sẽ nhạy cảm hơn với những tác động bất lợi phát sinh từ mực nước thấp hơn trên sông, rất dễ có thể kéo theo phản ứng mạnh mẽ đối với Trung Quốc”, ông Harris cảnh báo, đồng thời kêu gọi hành động kịp thời.

Giám đốc Viện Cộng đồng Mekong, ông Pomun cho biết một phần nguyên nhân của vấn đề là sự thiếu minh bạch và thiếu hợp tác từ Trung Quốc và sự mất cảnh giác từ cộng đồng ở hạ lưu sông Mekong trước một vụ xả nước bất ngờ từ các đập ở Trung Quốc. Khi xả đập mà không có cảnh báo, đất trồng trên các bờ sông bị ngập lụt.

"Đó là lý do chúng ta đòi hỏi sự minh bạch vì chúng ta cần tìm hiểu mức độ hạn hán cụ thể do các con đập gây ra cũng như từ tác động của biến đổi khí hậu", ông Pomun nhấn mạnh và bày tỏ lo ngại đại dịch COVID-19 có thể làm tình hình tồi tệ hơn khi các quốc gia hướng nội để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. “Họ sẽ giữ nước cho mình nhiều hơn, để sản xuất điện cho nền kinh tế, cho đất nước của chính họ”, ông nói thêm.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Hậu Giang tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hậu Giang, Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024 sẽ diễn ra từ ngày 22 - 24.5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại đập của Trung Quốc đe dọa an ninh lương thực ở hạ lưu sông Mekong