Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng việc tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 không những không hạn chế được thép Trung Quốc mà còn tạo cơ hội để lượng thép nhập từ Trung Quốc gia tăng.

Lo ngại thép giá rẻ Trung Quốc tuồn vào vì tăng thuế

tuyetnhung | 12/09/2019, 18:06

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng việc tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 không những không hạn chế được thép Trung Quốc mà còn tạo cơ hội để lượng thép nhập từ Trung Quốc gia tăng.

Lo ngại trước nguy cơ thép giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.

Tuy nhiên, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng biện pháp này không những không hạn chế được, mà còn làm gia tăng thêm lượng thép nhập từ Trung Quốc. Đồng thời làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường thép Việt Nam, tạo cơ hội cho độc quyền thị trường.

Phân tích cụ thể hơn, VSA cho biết Trung Quốc và Việt Nam đều tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) nên HRC nhóm 72.08 từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% theo hiệp định này. Do đó, nếu tăng MFN từ 0% lên 5% thì HRC nhóm 72.08 của Trung Quốc sẽ vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất 0% theo ACFTA.

Số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2019 cho thấy, Việt Nam nhập khẩu HRC từ Trung Quốc chiếm 35%, tiếp theo là Ấn Độ và Đài Loan chiếm 32% tổng lượng nhập khẩu, còn lại là từ các nước khác. Nếu theo đề xuất tăng MFN của Bộ Tài chính, lượng HRC nhập khẩu từ Ấn Độ, Đài Loan, Brazil… sẽ phải chịu mức MFN là 5% thay vì 0% như hiện nay (do Việt Nam chưa có FTA với những nước này hoặc đã ký nhưng không cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi), dẫn đến không cạnh tranh được với thép Trung Quốc.

Khi đó lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng ít nhất 70-80% tổng lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam. Như vậy, việc tăng MFN đối với HRC nhóm 72.08 không những không đạt được mục tiêu ngăn chặn thép Trung Quốc, mà vô hình chung lại ngăn chặn các nguồn nhập khẩu hợp lý từ các thị trường khác như Ấn Độ, Đài Loan, Brazil.

Đặc biệt, việc tăng MFN sẽ gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất cán nguội, tôn mạ và ống thép trong bối cảnh các ngành sản xuất này đang gặp khó khăn. Trong 7 tháng năm 2019, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất cán nguội, tôn mạ và ống thép giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Hầu hết doanh nghiệp các ngành này đã phải cắt giảm sản xuất, dừng dây chuyền, giảm lao động, chỉ đang hoạt động khoảng 60% công suất thiết kế, nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn đang trong tình trạng thua lỗ.

Đó là một phần hệ quả mà các doanh nghiệp sản xuất cán nguội, tôn mạ và ống thép đang phải gánh chịu từ hàng rào phòng vệ thương mại của nhiều nước trên thế giới đến những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh của các sản phẩm tương tự nhập khẩu vào Việt Nam (dưới hình thức tạm nhập tái xuất…).

Do đó, VSA cho rằng, nếu tăng thuế MFN thì các doanh nghiệp sản xuất cán nguội, tôn mạ và ống thép còn phải đối mặt thêm với những khó khăn nữa. Cụ thể, làm hạn chế nguồn cung nhập khẩu trong khi sản lượng sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu.

Hiện nay nhu cầu vào khoảng 10 - 11 triệu tấn/năm, nhưng công suất sản xuất thép cán nóng nội địa chỉ khoảng 4 triệu tấn/năm, mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Bên cạnh đó, việc tăng thuế sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất thép trong nước. Theo VSA, hiện nay doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước đang có thị trường tiêu thụ thuận lợi nên chưa cần thiết phải tăng MFN để hỗ trợ.

Hơn nữa, Việt Nam cũng chỉ mới sản xuất được một vài mặt hàng HRC trong nhóm 72.08 và năng lực sản xuất cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, kể cả khi dự án thép Dung Quất cho ra sản phẩm thì ngành sản xuất Việt Nam cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu nội địa. Vì vậy, việc tăng MFN làm giảm khả năng cạnh tranh của đa số doanh nghiệp sản xuất tôn mạ. Thậm chí, điều này có thể làm thị trường HRC nội địa xáo trộn và tác động tiêu cực đến định hướng phát triển của ngành thép Việt Nam…

Theo đó, VSA kiến nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế suất MFN đối với sản phẩm này. Đồng thời, Bộ Công Thương chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 nói chung.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại thép giá rẻ Trung Quốc tuồn vào vì tăng thuế