Đối với Mỹ, tiêu diệt một mối đe dọa khủng bố mà không có lực lượng tại chỗ là nhiệm vụ khó nhưng không phải bất khả thi.
Cuối tuần qua Mỹ đã chứng minh năng lực quân sự của mình: tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahri bằng máy bay không người lái (UAV) mang tên lửa.
Nhiều đợt không kích trong quá khứ khiến cả dân thường thiệt mạng. Lần này Mỹ cẩn thận dùng đến tên lửa Hellfire để giảm thiểu nguy cơ xảy ra thương vong không đáng có, giới chuyên gia đoán rằng phiên bản được lựa chọn sử dụng là Hellfire R9X cực kỳ bí mật với nhiều biệt danh chẳng hạn như “quả bom dao” hay “Ginsu bay” (Ginsu là tên một loại dao nổi tiếng).
Nhà phân tích tình báo Klon Kitchen thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận xét quyết định dùng R9X cho thấy Mỹ muốn tiêu diệt al-Zawahri với rủi ro gây thiệt hại nhân mạng lẫn tài sản ở mức hạn chế. Ngoài ra Washington cũng cân nhắc vài lý do chính trị khác.
Tên lửa Hellfire
Hellfire ban đầu được thiết kế như tên lửa chống tăng vào những năm 1980, là vũ khí cơ quan quân sự lẫn cơ quan tình báo Mỹ sử dụng suốt hai thập kỷ qua cho nhiệm vụ tấn công nhiều mục tiêu ở Iraq, Afghanistan, Yemen…
Tên lửa dẫn đường chính xác này có thể được gắn trên máy bay trực thăng hay UAV. Mỹ cùng không ít quốc gia đã mua hơn 100.000 quả Hellfire. Nhà phân tích Ryan Brobst thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ cho biết: “Tên lửa gây đủ sát thương để tiêu diệt hầu hết mục tiêu như xe cộ hay nhà cửa, nhưng không đủ để phá hoại các khu vực trong thành phố hoặc gây ra thương vong đáng kể với dân thường”.
Quân đội Mỹ thường xuyên dùng Hellfire tiêu diệt mục tiêu hàng đầu, trong đó có một thủ lĩnh cấp cao của al Qaeda ở Syria vào năm ngoái và nhân vật tuyên truyền cho al-Qaeda Anwar al-Awlaki ở Yemen vào năm 2011.
Tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahri
Mỹ có rất nhiều phương án: sử dụng Hellfire phiên bản truyền thống, thả bom từ máy bay có người lái hoặc rủi ro hơn là dùng lực lượng đặc nhiệm như SEALS (thuộc hải quân Mỹ) từng ngồi trực thăng đến Pakistan và đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.
Lần này Cục tình báo trung ương (CIA) chọn một cuộc tấn công bằng UAV. Giới chức Mỹ cho biết hai tên lửa Hellfire đã được bắn vào ban công tòa nhà nơi al-Zawahri đang sống ở Kabul (Afghanistan).
Hình ảnh sau tấn công cho thấy chỉ có ban công bị hư hại, tòa nhà vẫn đứng vững và không hư hại nặng.
Khác với các phiên bản khác của Hellfire, R9X không mang đầu đạn nổ mà có 6 lưỡi dao xoay bật ra khi va chạm mục tiêu. Theo nhà phân tích Kitchen, một trong những điểm lợi hại của R9X là vượt qua vật cản tiếp cận mục tiêu mà không cần đầu đạn nổ.
Chưa đầy 1 năm trước, quân đội Mỹ từng sử dụng tên lửa Hellfire thông thường tấn công một ô tô Toyota Corolla màu trắng ở Kabul khiến 10 dân thường đứng gần xe thiệt mạng. Washington thừa nhận đây là “sai lầm bi thảm”.
Qua việc dùng R9X lần này, Mỹ cho thấy nỗ lực giảm thiểu rủi ro gây thiệt hại nhân mạng không đáng có. Đây là vũ khí rất chính xác có thể tấn công một khu vực nhỏ.
Khả năng Mỹ cấp Hellfire cho Ukraine
Dù đã cấp nhiều gói viện trợ quân sự, nhưng Mỹ vẫn lo ngại số vũ khí chuyển giao có thể bị Ukraine sử dụng tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, qua đó làm leo thang căng thẳng và lôi Mỹ vào tham chiến.
Vì vậy không có khả năng Mỹ giao Hellfire hay UAV mang được Hellfire cho Ukraine. Thay vào đó Washington cung cấp máy bay không người lái cảm tử như Switchblade và Phoenix Ghost – phát nổ khi va chạm mục tiêu.