Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm tại các dự án điện mặt trời mái nhà quy mô lớn trên cả nước.

Loạt dự án điện mặt trời mái nhà quy mô lớn mắc sai phạm

Tuyết Nhung | 28/03/2022, 06:33

Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm tại các dự án điện mặt trời mái nhà quy mô lớn trên cả nước.

Loạt sai phạm từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý

Bộ Công Thương vừa có kết luận rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời còn tồn tại một số bất cập như: Các nhà đầu tư phát triển tập trung ở một số địa phương có cường độ bức xạ cao, số giờ nắng trung bình trong năm lớn, trong khi hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải; Lĩnh vực năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới được phát triển trong thời gian gần đây, trong đó có lĩnh vực điện mặt trời và đặc biệt là điện mặt trời mái nhà; Phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư.

lap-dat-dmtmn-evnhcm-6513-1598627706.jpg
Nhiều sai phạm tại các dự án điện mặt trời mái nhà

Do đó, trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường... mà chủ yếu tập trung và quan tâm đến việc đấu nối chuyên ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành để đưa vào phát điện.

Ngoài ra, việc phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian vừa qua không đồng đều ở các địa phương, tập trung nhiều ở những vùng phụ tải thấp, dẫn đến không phù hợp nhu cầu sử dụng điện, làm mất cân đối trong quá trình điều độ và vận hành hệ thống điện, ảnh hưởng độ tin cậy cung cấp điện.

Tại Tổng công ty Điện lực miền Nam, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra một số đơn vị điện lực có số lượng và quy mô điện mặt trời mái nhà đưa vào vận hành trước ngày 1.1.2021 lớn là: Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai; Công ty Điện lực Bình Dương; Công ty Điện lực Bình Phước; Công ty Điện lực Long An; Công ty Điện lực Ninh Thuận; Công ty Điện lực Bình Thuận.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai mắc nhiều sai phạm như: Thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; Ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định. Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà Cao Capital, Xuân Phú Đông, Công ty TNHH Quang Trung. Do đó, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai phải chịu trách nhiệm việc đã công nhận vận hành, ký hợp đồng và thanh toán tiền mua điện phần quá công suất cho chủ đầu tư của các hệ thống điện mặt trời mái nhà nêu trên.

Công ty Điện lực Bình Dương, Công ty Điện lực Bình Phước có thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu là trái với quy định. Thời gian trả lời, giải quyết cho khách hàng vượt quá thời hạn quy định.

Công ty Điện lực Ninh Thuận: Thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; Ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong đơn đăng ký phát triển, thỏa thuận đấu nối là trái quy định; Thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện không đúng đối tượng là hệ thống điện mặt trời mái nhà (30% tấm quang điện được lắp đặt trên khung giá đỡ nhưng không có mái nhà).

Công ty Điện lực Bình Thuận: Trình tự thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà trái với quy định; Nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối.

Bộ Công Thương đề nghị Công ty Điện lực Long An rà soát tất cả việc thỏa thuận đấu nối, ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng, áp dụng giá mua/bán điện các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Tổng công ty Điện lực miền Trung, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra một số đơn vị điện lực cụ thể là Công ty Điện lực Gia Lai; Công ty Điện lực Đắk Nông; Công ty Điện lực Đắk Lắk. Đoàn kiểm tra cũng tiến hành kiểm tra Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

Trong đó, Công ty Điện lực Gia Lai: Thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; Trình tự thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà trái với quy định; Chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 và ký hợp đồng mua bán điện trái với quy định.

Công ty Điện lực Đắk Nông: Thời gian giải quyết cho khách hàng trong việc thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; Chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải là trái quy định; Chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 là chưa phù hợp với quy định; Thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu đưa vào vận hành và ký hợp đồng mua bán điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống lưới điện.

Công ty Điện lực Đắk Nông đã thỏa thuận, yêu cầu nhiều khách hàng đầu tư, lắp đặt 2 hệ thống đo đếm (02 TU, 02 TI), dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà của các doanh nghiệp, trái với quy định.

Công ty Điện lực Đắk Lắk: Thời gian giải quyết cho khách hàng trong việc thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; Nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối; Thỏa thuận đấu nối có điều kiện (theo báo cáo của Công ty là 101 khách hàng), nghiệm thu đưa vào vận hành và ký hợp đồng mua bán điện của hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống lưới điện.

Công ty Điện lực Đắk Lắk thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà không đúng với hiện trạng lưới điện, thiếu minh bạch; Chốt chỉ số công tơ, đưa vào vận hành nhưng không có sản lượng phát điện trong năm 2020 và ký hợp đồng mua bán điện. Công ty cũng đã thỏa thuận, yêu cầu nhiều khách hàng đầu tư, lắp đặt 2 hệ thống đo đếm (02 TU, 02 TI), dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà của các doanh nghiệp

Trong khi đó, Bộ Công Thương đề nghị Tổng công ty Điện lực TP.HCM rà soát tất cả việc thỏa thuận đấu nối, ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng, áp dụng giá mua/bán điện các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với UBND cấp tỉnh được kiểm tra, Bộ Công Thương cho biết, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và TP.HCM chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền.

Cụ thể: Một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1.1.2021 nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định. Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt…), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1.1.2021 nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chưa đầy đủ quy định dẫn đến các đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà. Doanh nghiệp ủy quyền cho các đơn vị thực hiện nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời, dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải lưới điện quốc gia.

Kiến nghị xử lý

Bộ Công Thương yêu cầu các Công ty Điện lực kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình phát triển các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà như chấp thuận, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, đưa vào phát điện, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện theo đúng, đủ quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để xử lý các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì xử lý các hệ thống điện mặt trời mái nhà, các tổ chức và cá nhân có liên quan đã vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà.

Chỉ đạo, kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình thực hiện phát triển các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các Công ty Điện lực trên toàn quốc theo đúng, đủ quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, đề nghị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó là yêu cầu các đơn vị điện lực rà soát điều kiện kinh doanh của các chủ đầu tư dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà trong lĩnh vực phát điện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Bài liên quan
"Kỳ quan" điện mặt trời dưới chân núi Cấm
Bằng lăng kính chiến lược tầm vĩ mô của nhà đầu tư và sự giúp sức nhiệt thành từ cấp Trung ương đến địa phương, bức họa đồ sơn thủy khô cằn của vùng biên thùy Tây Nam dần được thay thế bởi những điều kỳ vĩ của dự án điện mặt trời dưới chân núi Cấm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạt dự án điện mặt trời mái nhà quy mô lớn mắc sai phạm