Theo các nhà khoa học Anh và Ireland, việc thay thế lúa mì bằng đậu Hà Lan trong sản xuất rượu gin lợi cả đôi đường, vừa rẻ hơn vừa không gây tác động đến môi trường. Ngoài ra, còn có thể dùng phụ phẩm để làm thức ăn gia súc.
Theo Environment International, một nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Anh và Ireland đã phát hiện ra rằng về tác động đối với biến đổi khí hậu, việc chúng ta uống 50ml rượu gin tương tự như đi một km trên một chiếc xe chạy xăng. Các nhà khoa học đã đề xuất thay thế lúa mì bằng đậu Hà Lan trong sản xuất loại đồ uống này.
Các quá trình diễn ra trong suốt chu kỳ sản xuất rượu gin, bao gồm canh tác lúa mì, sản xuất men rượu, nhiệt, điện, vật liệu đóng gói và vận chuyển, tất cả đều dẫn đến phát thải khí nhà kính. Một công trình nghiên cứu mới cho thấy lượng carbon dioxide hình thành tương đương với lượng khí thải từ các xe ô tô có động cơ xăng. Hóa ra một chai rượu gin 0,7l nấu từ hạt lúa mì tạo ra lượng khí thải carbon là 2,3kg CO2 và một ly rượu gin 50ml thải160gram khí nhà kính. Nếu chúng ta so sánh với lượng khí thải của một chiếc xe chạy xăng thì một chai rượu sẽ có lượng khí thải tương đương với chiếc xe chạy xăng trên quãng đường hơn 14km.
Các nhà khoa học đề xuất dùng đậu Hà Lan thay thế cho lúa mì để sản xuất rượu gin. Nhà nghiên cứu Pietro Ianetta ở Viện James Hutton giải thích rằng các nhà khoa học nhận thấy rằng tác hại về mặt sinh thái của việc dùng hạt đậu Hà lan trong sản xuất rượu gin thấp hơn đáng kể so với lúa mì qua 12 trong số 14 thông số phản ánh tác động môi trường từ gây biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước và không khí đến tiêu hao khoáng sản.
Theo Mike Williams, giáo sư tại Trinity College ở Dublin, rễ của đậu Hà Lan sản sinh ra phân bón hữu cơ với sự trợ giúp của loài vi khuẩn đặc biệt. Vì vậy, đậu Hà Lan cũng không cần đến phân đạm tổng hợp gây ô nhiễm môi trường vốn được sử dụng nhiều trong nông nghiệp. Ngoài ra, các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất một lít rượu gin bằng đậu Hà Lan còn có thể thay thế cho 0,66kg thức ăn đậu nành dùng cho chăn nuôi.
Vũ Trung Hương