Việc Kunlun - một công ty Trung Quốc - sở hữu Grindr đã bị chính phủ Mỹ đánh giá là "hiểm họa an ninh quốc gia". Chính vì thế, công ty này buộc phải tìm kiếm người mua khác.
Ra mắt vào năm 2009, Grindr do Joel Simkhai phát triển dựa trên ý tưởng giúp liên kết những người đồng tính và song tính nam có nhu cầu kết bạn, hẹn hò hoặc quan hệ tình dục khi họ ở trong cùng một khu vực. Chỉ sau vài năm, nó đã nhanh chóng trở thành ứng dụng hẹn hò trực tuyến lớn nhất dành cho người đồng tính nam trên thế giới.
Tính đến năm 2017, số lượng người dùng của Grindr đã cán mốc 27 triệu và hiện có khoảng 4,3 triệu người dùng truy cập hằng ngày. Thành công của Grindr đã tạo tiền đề cho sự ra đời của nhiều ứng dụng tương tự như Jack’d, Growlr, Hornet, DaddyHunt…
Joel Simkhai
Tháng 6 năm 2016, Joel Simkhai bán 60% cổ phần của Grindr cho Kunlun – một công ty chuyên về công nghệ có trụ sở đặt tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) – với giá 93 triệu USD. Ông tiếp tục bán số cổ phần còn lại vào tháng 1 năm 2018 với giá 158 triệu USD và hoàn toàn rời khỏi Grindr.
Thương vụ này sau đó đã mang đến nhiều thay đổi lớn cho Grindr bao gồm việc bổ nhiệm Scott Chen – một người Đài Loanvà đàn ông dị tính – cho vị trí giám đốc công nghệ. Do CEO thường xuyên vắng mặt, Scott Chen đảm nhận luôn nhiệm vụ của một CEO và điều phối mọi hoạt động của Grindr mặc dù chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Cuộc điều tra của chính phủ Mỹ
Việc Grindr – một ứng dụng thường xuyên thu thập thông tin người dùng - được bán cho một công ty Trung Quốc đã khiến cho Bộ Ngân khố Mỹ quan ngại. Đầu năm 2018, một cuộc điều tra đã được thực hiện bởi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) nhằm đánh giá đường lối hoạt động của Grindr cũng như nguy cơ của nó gây ra cho an ninh quốc gia.
Tuy không bắt buộc nhưng Grindr khuyến khích người dùng cung cấp nhiều thông tin cá nhân nhất có thể để tìm được đối tượng hẹn hò phù hợp
Ban đầu, các nhân viên của Grindr không biết gì về cuộc điều tra mà chỉ phát hiện có vài cá nhân lạ mặt xuất hiện trong những cuộc họp quan trọng mang tính nội bộ. Scott Chen đã không đưa ra bất kỳ thông báo nào. Chỉ đến khi Reuters đưa tin vào tháng 5 năm nay thì mọi việc mới được biết đến rộng rãi.
Trong lúc cuộc điều tra đang diễn ra trong im lặng, Buzzfeed News cũng đưa tin vào tháng 4 rằng Grindr đã chia sẻ thông tin của khách hàng bao gồm tình trạng sức khỏe (HIV/AIDS), nơi ở, ảnh chân dung, xu hướng tính dục, sắc tộc, số điện thoại và email cho bên thứ ba mà cụ thể là hai công ty Apptimize và Localytics. Hai thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ - Edward Markey và Richard Blumenthal - đã ngay lập tức viết thư yêu cầu Grindr giải trình.
Grindr sau đó đã tuyên bố việc tiết lộ thông tin sẽ chấm dứt trong lần cập nhật sắp tới và khẳng định “niềm tin của người dùng chính là nền tảng của Grindr”.
Lủng củng nội bộ
Theo Buzzfeed News, nhiều nhân viên của Grindr đã bắt đầu nghi ngờ khả năng lãnh đạo của Scott Chen cùng 2 trợ lý vốn là cựu kỹ sư của Facebook do cả 3 đều là người dị tính. Họ không có đủ kiến thức và sự đồng cảm để phác thảo tương lai cho Grindr – một ứng dụng dành riêng cho người đồng tính.
Scott Chen
Scott Chen không quan tâm đến những báo cáo của người dùng về tình trạng phân biệt đối xử dựa trên cân nặng, màu da, ngoại hình trên Grindr. Thậm chí, ông còn công khai dè bỉu Kindr – một chiến dịch được Grindr triển khai trước đó nhằm kêu gọi người dùng nên tử tế với nhau hơn.
“Scott không hiểu vì sao chúng tôi lại muốn tôn vinh những người mà anh ta cho là ''béo ú''. Theo quan điểm của Scott, tình dục là phương tiện kiếm tiền hiệu quả nhất”, một cựu nhân viên Grindr nói với Buzzfeed News.
Cũng theo một nguồn tin nội bộ, nhóm quản lý của Grindr đã phớt lờ và xóa 500.000 khiếu nại từ người dùng với nhiều nội dung khác nhau – từ vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng cho đến quấy rối.
Bài viết gây tranh cãi của Scott Chen
Đỉnh điểm, Scott Chen đã viết trên mạng xã hội Facebook vào tháng 12 năm 2018 trong bối cảnh Đài Loan vừa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giớirằng: “Nhiều người tin rằng hôn nhân là chuyện giữa đàn ông và đàn bà. Tôi cũng vậy. Thế nhưng đó không phải là việc của chúng ta. Nhiều người tin rằng kết hôn là để sinh con đẻ cái bằng chính DNA của mình. Và đây cũng không phải là việc của chúng ta”.
Việc người đứng đầu Grindr phát ngôn như vậy đã tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng LGBT và rất nhiều trong số đó là nhân viên của Grindr.
Mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc
Kể từ khi CFIUS bắt đầu điều tra, Grindr đã có những động thái làm dịu tình hình như thuê các công ty tư vấn bên ngoài để hỗ trợ. Scott Chen thường xuyên bay sang Đài Loan và kết quả là thành lập một văn phòng công nghệ gồm 20 nhân viên. Bên cạnh nhân công giá rẻ, động thái này được xem là nhằm hạn chế sự liên kết với chính quyền Bắc Kinh.
Grindr hiện được sở hữu hoàn toàn bởi Kunlun - một công ty Trung Quốc trực thuộcKunlun Group
Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2018, NBC News đưa tin Scott Chen đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc bằng cách chia sẻ dữ liệu HIV của người dùng Grindr với một nhà nghiên cứu Trung Quốc, mặc dù biết rõ về cuộc điều tra của CFIUS và những lo ngại về quyền riêng tư trước đó.
“Họ quan tâm đến việc xuất bản và nghiên cứu. Họ bị thu hút bởi thương hiệu, sức ảnh hưởng và dữ liệu của chúng ta”, Scott Chen viết trong một email gửi cho cấp dưới vào đầu tháng 7 năm 2018 và được chia sẻ với Buzzfeed News. “Chúng ta không nên để người khác nghĩ rằng đây là hành động chia sẻ dữliệu người dùng với chính phủ Trung Quốc”.
Mặc dù vậy, trong thông cáo chính thức gửi cho báo chí, đại diện phát ngôn của Grindr phủ nhận có bất kỳ liên quan nào với chính phủ Trung Quốc.
Tương lai bất định
Tháng 2 năm nay, Grindr đã đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh vì lo ngại tin đồn bán dữ liệu cá nhân của người dùng như bài báo đầu tiên của Reuters. Sau đó, vào tháng 3, CFIUS đã thông báo cho Kunlun rằng quyền sở hữu Grindr của họ chính là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ và họ sẽ phải bán công ty này với hạn chót là tháng 6 năm 2020.
Một nguồn tin thân cận cho biết quyết định của CFIUS đã phá hủy cơ hội lên sàn của Grindr. Chính vì thế, Kunlun buộc phải tìm kiếm một công ty khác mua lại Grindr. Vài cái tên triển vọng có thể kể đến như Match Group (sở hữu Tindr) hay Badoo (sở hữu Bumble). Thế nhưng, cả hai công ty này đều từ chối trả lời.
Theo Buzzfeed News, vài nhân viên của Grindr đã trao đổi với FBI dù FBI từ chối đưa ra bình luận. Điều này đã khiến cho nhiều nhân viên Grindr cảm thấy lo lắng cho tương lai của công ty.
“Thất bại của Grindr là một mất mát lớn đối với cộng đồng LGBT”, một cựu nhân viên Grindr đã nói với BuzzFeed News. “Đây là một thương hiệu quan trọng và chỉ vì những quyết định sai lầm, nó đã trở nên kém hiệu quả hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân viên lạc quan. Grindr đã đạt doanh thu 50 triệu USD vào năm ngoái do đó nó vẫn là một cái tên đáng giá. Họ hi vọng rằng Grindr sẽ tìm được một công ty mẹ có tầm nhìn cao và xa hơn.
Mai Thảo