Trong 3 tháng đầu năm, hơn 120.000 tấn thanh long ở Long An có nguy cơ chôn chân tại tỉnh này vì không có đường xuất khẩu sang Trung Quốc.
Chiều 11.2, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Long An đã có những báo cáo xoay quanh tình hình tiêu thụ trái thanh long của tỉnh này.
Theo báo cáo, Long An có trên 11.825 héc-ta trồng thanh long. Trong đó, diện tích đang cho trái khoảng 9.586 héc-ta với sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 317.900 tấn. Hiện Long An đang vào vụ thu hoạch thanh long, nhưng tình hình tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn do chịu tác động của dịch coronavirus.
Hầu như thanh long không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Hàng loạt chợ và cửa khẩu thông thương sang Trung Quốc đã thông báo dời thời gian mở cửa, các đối tác Trung Quốc mua thanh long cũng không nhận hàng.
Do đó, trong 3 tháng đầu năm sản lượng thanh long tồn đọng của Long An ước tính khoảng 121.330 tấn. Trong đó, có khoảng 30.000 tấn tồn kho không tiêu thụ được trong tháng 1.2020. Trong tháng 2 và 3.2020 lần lượt có khoảng 59.580 và 31.750 tấn.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Công ty cổ phần Lavifood, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), chuỗi siêu thị Co.op Mart, Quỹ khởi nghiệp xanh đã cam kết đồng hành cùng người nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam.
SCB sẽ hỗ trợ về tài chính cho nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, nhà máy, kho bãi, hệ thống dịch vụ hậu cần (logistics) nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với các biến động của thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT hoan nghênh tinh thần hỗ trợ người nông dân trong lúc khó khăn thông qua việc một số doanh nghiệp đẩy mạnh mua hàng. Bộ trưởng nói: “Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà máy, kho bãi và hệ thống logistics nhằm đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững, ứng phó với biến động thị trường là rất đáng biểu dương”.
Thanh Nguyên