Chuyển đổi số giúp ngành bảo hiểm Việt Nam trở nên hiện đại và chuyên nghiệp. Qua đó sẽ hồi phục và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo an sinh
Hiện tại, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam (ngành BHXH Việt Nam) đang có gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu của gần 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc.
Hệ thống đang kết nối liên thông với trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 500.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành. Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến là gần 70 triệu hồ sơ. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi cán bộ BHXH sẽ phải giải quyết khoảng 4.000 hồ sơ mỗi năm.
Để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đến năm 2025, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: "Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, BHXH Việt Nam quyết tâm phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người dân và người lao động".
Sau gần 1 năm công bố ứng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" trên thiết bị di động với việc cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, cả nước đã có hơn 23 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký và phê duyệt.
Đến hết tháng 9.2020, cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội ViệtNam đang quản lý 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; khoảng 13 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp; 87,6 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 90% dân số.
Nhờ chuyển đổi số, ngành BHXH đã giảm được 115 thủ tục hành chính xuống còn 27 thủ tục, các thủ tục hành chính này đều đã được quản lý và thực hiện trên các hệ thống phần mềm nghiệp vụ của ngành.
Hướng đến Chính phủ điện tử
Chuyên gia công nghệ thông tin Đỗ Hồng Đức đánh giá: Ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế và xã hội. Song, ông cho rằng ngành bảo hiểm vẫn cần phải có chiến lược để phát triển phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu của người lao động trong trạng thái bình thường mới.
Để thực hiện những điều trên, chuyên gia Đỗ Hồng Đức kiến nghị ngành BHXH nên xây dựng lộ trình chuyển đổi số với tầm nhìn dài hạn và tư duy chuyển đổi số là một hành trình, chuyển đổi BHXH Việt Nam thành một tổ chức hướng dữ liệu.
Theo đó, ngành bảo hiểm phải luôn coi dữ liệu là một nguồn tài nguyên, đẩy mạnh nâng cao chất lượng, khả năng chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là cần hướng đến sử dụng dữ liệu mở BHXH cho mọi đối tượng. Cùng với đó là luôn phải tăng cường an ninh bảo mật, đặc biệt là đảm bảo an toàn dữ liệu.
"Sự chuyên nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế cũng thể hiện rõ ràng ở việc xây dựng văn hóa tổ chức số của toàn bộ BHXH các cấp, nâng cao kỹ năng số của không chỉ cán bộ BHXH mà cả khách hàng của BHXH", chuyên gia Đỗ Hồng Đức nhấn mạnh
Với vai trò là đơn vị chủ quản của Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, vị chuyên gia này kiến nghị, ngành bảo hiểm cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đặc biệt là đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”