Hai sự việc xảy ra cách nhau chừng nửa tháng trời, cùng có điểm chung là hành vi huỷ hoại tài sản nhưng duy chỉ có anh Cường và anh Hùng trong vụ đập 7 hộp sữa ở siêu thị Tú Bắc bị khởi tố hình sự còn người phá hủy 7 cây cầu được cho là tiện cho... việc đi lại của quan huyện là vẫn im ỉm, không có khởi tố vụ án, không có khởi tố bị can.

Luật nào cho quan, luật nào cho dân?

09/08/2016, 11:15

Hai sự việc xảy ra cách nhau chừng nửa tháng trời, cùng có điểm chung là hành vi huỷ hoại tài sản nhưng duy chỉ có anh Cường và anh Hùng trong vụ đập 7 hộp sữa ở siêu thị Tú Bắc bị khởi tố hình sự còn người phá hủy 7 cây cầu được cho là tiện cho... việc đi lại của quan huyện là vẫn im ỉm, không có khởi tố vụ án, không có khởi tố bị can.

Hình ảnh anh Cường đập phá sữa tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

Thế nhưng, Điều 16, Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

Chính bởi vậy, ta phải khẳng định rằng nếu anh Nguyễn Cảnh Cường (xã Nghi Phú, TP.Vinh) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) khởi tố bị can với tội “huỷ hoại tài sản" khi đập 7 hộp sữa của siêu thị Tú Bắc thì những người phá hỏng lan can của 7 cây cầu ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ để... tiện đường ô tô "quan huyện" đi cũng phải bị khởi tố với tội danh như anh Cường.

Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra, ngay cả khởi tố vụ án thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phong Điền cũng chưa có quyết định khởi tố.

Trở lại câu chuyện của anh Nguyễn Cảnh Cường, cho rằng con mình do uống sữa mua tại siêu thị Tú Bắc nên đã bị đi ngoài phải đi viện, sau nhiều lần “nói chuyện phải quấy”, ngày 14.7, anh Cường đến siêu thị Tú Bắc tại số 77, đường Đinh Công Tráng, TP.Vinh , tỉnh Nghệ An lấy 7 hộp sữa mang ra đường đập phá.

Sau khi vào cuộc xác minh, điều tra, ngày 21.7 được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Công an TP.Vinh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh huỷ hoại tài sản, ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Cảnh Cường và Nguyễn Văn Hùng để điều tra về hành vi hủy hoại tải sản.

Báo chí chưa nguôi vụ việc anh Cường bị khởi tố thì mới đây, Báo điện tử Một Thế Giới cũng như các cơ quan ngôn luận khác đã cùng phản ánh về việc lan can của cả 7 cây cầu tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ bị đập phá để... tiện cho “xe quan huyện" qua lại?

7 hộp sữa bị phá hoại đã được định giá với giá trị 3,745 triệu đồng. Còn lan can của 7 cây cầu tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền bị đập phá thì chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra con số thiệt hại là bao nhiêu. Nhưng, người viết tin chắc rằng con số thiệt hại sẽ lớn hơn 3,745 triệu đồng kia. Đây lại là tài sản công, được đầu tư xây dựng từ ngân sách.

2 sự việc xảy ra cách nhau chừng nửa tháng trời, cùng có điểm chung là hành vi huỷ hoại tài sản nhưng duy chỉ có anh Cường và anh Hùng trong vụ đập 7 hộp sữa ở siêu thị Tú Bắc bị khởi tố hình sự còn người phá hủy 7 cây cầu được cho là tiện cho... việc đi lại của quan huyện là vẫn im ỉm, không có khởi tố vụ án, không có khởi tố bị can.

Phải chăng cơ quan chức năng, mà cụ thể là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ chậm chạp, không rốt ráo hay vẫn chưa nắm được sự việc? Hay phải chăng, sự việc liên quan tới “cán bộ" thì chỉ kiểm điểm “xuề xoà" và thực hiện việc làm kinh điển là rút “sợi dây kinh nghiệm"?

Đó là những nguyên nhân mà dư luận đặt ra câu hỏi, những hoài nghi về việc áp dụng luật pháp có sự đối xử phân biệt giữa “quan” với “dân”?

Chắc hẳn chẳng ai không biết tới vụ án 2 chàng thanh niên cướp bánh mì với tổng giá trị lên tới... hẳn 45.000 đồng bị phạt án tù. Trong khi đó, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex và Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự nhưng lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì... khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu.

Hành vi trộm cướp của 2 thanh niên và việc vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự của ông Bình cùng các đối tượng khác cũng đã được cơ quan chức năng đánh giá thiệt hại. Với vụ vỡ đường ống nước Sông Đà, chủ đầu tư đã phải bỏ ra hơn 13 tỉ đồng để sửa chữa các điểm vỡ (14 lần vỡ) và phải đầu tư đường ống mới với hơn 1.000 tỉ đồng.

Thiệt hại rõ ràng gấp cả tỉ lần, nhưng các “cựu cán bộ" vẫn thoải mái ngoài vòng pháp luật.? Hà cớ gì, liên quan tới “quan" là lại nhẹ nhàng?

Như vậy, việc thực thi pháp luật đã được nghiêm minh? Quyền bình đẳng trước pháp luật có được tôn trọng?

Càng là quan, là công bộc của dân thì càng phải gương mẫu thì dân mới nghe. Càng là người có chức, có quyền vi phạm pháp luật thì càng phải chừng trị nghiêm khắc thì mới có tính răn đe. Chứ đừng đi ngược lại, chà đạp lên luật pháp, làm phương hại đến lòng tin của dân chúng thì ắt nhận hậu họa khôn lường.

Nam Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật nào cho quan, luật nào cho dân?