Vụ thảm sát tại Bình Phước đã có thêm tình tiết mới. Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, huyện Trà ôn, tỉnh Vĩnh Long, tạm trú phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) để điều tra về các hành vi "giết người" và "cướp tài sản".

Luật xử lý trường hợp “gây án hụt” như thế nào ?

Một Thế Giới | 12/08/2015, 08:52

Vụ thảm sát tại Bình Phước đã có thêm tình tiết mới. Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, huyện Trà ôn, tỉnh Vĩnh Long, tạm trú phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) để điều tra về các hành vi "giết người" và "cướp tài sản".

Công an Bình Phước: “Đó là chuẩn bị phạm tội”

Thoại bị tình nghi đã cùng Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) mang theo hung khí đến nhà ông Lê Văn Mỹ (47 tuổi, ngụ xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) mục đích cướp tài sản. Toàn bộ kế hoạch và quá trình chuẩn bị hung khí đều do Dương chủ mưu. Thoại tham gia sau khi được Dương rủ.

Cả hai mang theo hung khí đến nhà ông Mỹ để định gây án nhưng bất thành vì lý do ngoài ý muốn. Sau lần gây án thất bại này, Thoại đã không tham gia tiếp nên Dương rủ Vũ Văn Tiến tiếp tục kế hoạch. Tiến sau đó đồng phạm với Dương gây ra vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Mỹ vào sáng 7.7.

Tham sat Binh Phuoc
 Nghi can Trần Đình Thoại
Vì sao Thoại chưa gây án nhưng vẫn bị bắt? Đối tượng sẽ bị xử lý tội danh gì, mức hình phạt nào? Chiều 10.8, trả lời báo chí, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước khẳng định việc khởi tố hai tội danh giết, cướp của với bị can Trần Đình Thoại là có căn cứ. Đây là trường hợp chuẩn bị phạm tội, căn cứ theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự. Theo quy định, người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng (tội có mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 7 năm đến 15 năm tù) và tội đặc biệt nghiêm trọng (tội có mức cao nhất của khung hình phạt là trên 15 năm tù) thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện.

"Loại tội phạm này, dù chưa gây án nhưng anh ta có sự chuẩn bị, lên kế hoạch, mua sắm công cụ, phương tiện và bàn bạc với chủ mưu là bị can Nguyễn Hải Dương về việc đi cướp của, giết người. Hành vi như vậy là đã cấu thành tội phạm, với quy định như thế, trong quá trình phá án, có một số loại tội phạm được xác định khi có hành vi vi phạm chuẩn bị diễn ra là công an cũng bắt luôn rồi, không để người có ý định có cơ hội gây án", lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước phân tích.

Luật quy định thế nào là chuẩn bị phạm tội? Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, theo Điều 17 BLHS, chuẩn bị phạm tội là "tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm". Những hành động của Thoại rõ ràng đã đáp ứng đủ các mô tả của điều luật này.

Hình phạt với người chuẩn bị phạm tội

Bị can Thoại sẽ bị truy tố mức hình phạt bao nhiêu năm tù? Điều 52 BLHS quy định: "Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá 20 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định". Như vậy, Thoại có thể đối mặt với bản án đến 20 năm tù.

Một vấn đề khác nhiều người quan tâm: Để quyết định hình phạt người phạm tội chưa đạt, phải xét trên những căn cứ gì? Điều 52 BLHS quy định có bốn căn cứ: 1/Theo các điều của bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất; 2/Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi; 3/Mức độ thực hiện ý định phạm tội; 4/Và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.

Luật sư trên giải thích, bốn căn cứ này được áp dụng trong thực tiễn xét xử như sau (đặt ví dụ trong trường hợp bị can Thoại bị truy tố đúng như hai tội danh đã bị khởi tố là giết người và cướp tài sản):

1. Trước hết, tòa tuyên Thoại phạm 2 tội trên, giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

2. Để việc đánh giá tính chất và mức độ của nguy hiểm của hành vi chuẩn bị phạm tội, phải dựa vào các tình tiết có liên quan trong vụ án như sau:

-Tầm quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm hại (thực tế sau này 6 người bị giết);

-Hành vi chuẩn bị phạm tội thực hiện dưới hình thức gì (Thoại là đồng phạm, phạm tội có tổ chức với Dương);

-Phương pháp, thủ đoạn phạm tội của hành vi chuẩn bị phạm tội (công an đang điều tra).

3. Mức độ thực hiện ý định phạm tội: Nếu mức độ này càng tiến gần đến mục đích phạm tội thì hành vi càng nguy hiểm, hình phạt càng nghiêm khắc. Hành vi chuẩn bị xong càng ở dạng tinh vi, xảo quyệt, càng phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn (trong vụ án này, Thoại và Dương đã đến tận cổng nhà nạn nhân chuẩn bị gây án).

4. Những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng: Đó là những tình tiết khách quan xảy ra ngoài ý muốn của người phạm tội, còn bản thân người phạm tội vẫn có xu hướng ý chí thực hiện tội phạm đến cùng. Những tình tiết này có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ mức độ quyết tâm thực hiện tội phạm, nguy hiểm đến mức nào: Đó có thể là những tình huống bất ngờ mà người phạm tội không lường trước được; nạn nhân đã tránh được; người khác đã ngăn chặn được... (trong vụ này, lý do Thoại và Dương không phạm tội được là vì "nội gián" bên trong nhà đã không ra mở cửa).

Dự đoán về mức án dành cho nghi phạm thứ 3 này, luật sư trên nhận xét: "Có thể sẽ không hề nhẹ".

Nghi can thứ 3 bị phát giác như thế nào?

Trở lại với diễn biến vụ án mạng, sau khi không thể gây án, Dương và Thoại ra về. Sau đó Thoại đã từ chối tham gia tiếp, và Dương đã rủ Tiến tham gia gây án.

Như báo chí đã phản ánh, trưa 6.7, kẻ chủ mưu trong vụ án là Nguyễn Hải Dương, vì "hận tình" con gái ông Mỹ vẫn quyết tâm gây án. Dương hẹn Vũ Văn Tiến uống cà phê, rủ Tiến tham gia cướp tài sản gia đình ông Mỹ và được Tiến đồng ý tham gia. Nhằm chuẩn bị cho hành vi phạm tội, Dương đã mua 1 súng bắn bi giá 6 triệu đồng, 1 khẩu súng điện giá 2 triệu đồng, 1 con dao Thái Lan dài 30cm, 1 dao bấm lưỡi dài 7cm, mua 1 sim rác để liên lạc, mua găng tay, khẩu trang bịt mặt, mượn xe máy của dì Dương, lấy 10 dây rút nhựa, 1 cuộn băng keo dính.
Tham sat Binh Phuoc
Hai nghi can đã thực hiện vụ thảm sát kinh hoàng 
Để đột nhập vào nhà ông Mỹ, Dương biết trước nhà ông Mỹ đều có khóa trong nên đã lừa Dư Minh Vỹ (SN 2001, cháu ông Mỹ) là sẽ cho tiền và gà đá để Vỹ xuống mở cổng cho Dương và Tiến vào nhà. Theo đúng kế hoạch đã đặt ra, khoảng 2 giờ sáng 7.7, Dương và Tiến đến, khi Vỹ ra mở cổng Dương và Tiến đã khống chế Vỹ và giết ngay ở sân gần cổng ra vào.

Sát hại Vỹ xong, bọn chúng đã đột nhập lên lầu 1 bắt trói Lê Thị Ánh Linh (SN 1993, con gái ông Mỹ) và Dư Ngọc Tố Như (SN 1997, cháu ông Mỹ), dùng băng keo bịt miệng cả hai, trói vào cửa sổ. Chúng tiếp tục xuống tầng trệt bắt trói ông Mỹ và Lê Quốc Anh (SN 2000, con ông Mỹ) khống chế bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (vợ ông Mỹ) yêu cầu chỉ nơi cất giấu tiền và tài sản, bà Nga đã tự mở két sắt nhưng không có tiền và tài sản quý, bọn chúng đã lục soát trong phòng và cướp được hơn 4 triệu đồng.

Sau đó, bọn chúng trói bà Nga lại, dẫn cháu Quốc Anh để tra khảo tiền, tài sản. Cháu Quốc Anh trả lời không biết, bọn chúng đã giết cháu Quốc Anh. Sau khi giết Quốc Anh, bọn chúng quay trở lại phòng ông Mỹ giết bà Nga và ông Mỹ rồi tiếp tục lên lầu 1 tra khảo Linh và Như về tiền và tài sản nhưng không có nên bọn chúng giết chết cả hai cô gái; đồng thời lấy đi 5 điện thoại, 1 Ipad, cùng một số tài sản của các nạn nhân.

Hai đối tượng Dương và Tiến bị bắt sau đó ít ngày, nhưng cả tháng sau nghi can thứ 3 là Thoại mới bị bắt giữ. "Không phải Nguyễn Hải Dương dễ dàng khai ra đồng phạm đã kết hợp đi "gây án" hụt trước đó là Trần Đình Thoại mà chúng tôi phải đấu tranh khai thác cả tháng nay, phải có bằng chứng cụ thể thuyết phục mới làm cho Dương cúi đầu thừa nhận và khai ra Thoại. Trong vụ án này không thể bỏ sót bất cứ một đồng phạm nào", lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước chia sẻ.

Luật nước ngoài quy định thế nào về chuẩn bị phạm tội?
Bộ luật Hình sự của Trung Quốc quy định hình phạt có vẻ “nhẹ nhàng” hơn so với luật Việt Nam. Luật Hình sự nước này không quy định cụ thể về mức độ giảm nhẹ của hình phạt áp dụng cho các trường hợp chuẩn bị phạm tội, mà chỉ quy định nguyên tắc: Có thể quyết định hình phạt nhẹ hơn so với tội phạm hoàn thành; hoặc quyết định một hình phạt nhẹ; hoặc miễn hình phạt. “Hình phạt nhẹ” là quyết định hình phạt nhẹ hơn mức tối thiểu của khung hình phạt.

Bộ luật Hình sự của CHLB Đức thậm chí quy định “thoáng” hơn cả khi quy định chuẩn bị phạm tội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.


Theo Xa lộ pháp luật

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
6 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật xử lý trường hợp “gây án hụt” như thế nào ?