Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Make in Vietnam để giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển. Make in Vietnam để đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới, để làm chủ công nghệ...”.
Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số diễn ra ngày 23.12 ở tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2020 đã thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng của chúng ta làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2020 - Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Theo Bộ trưởng, đó là kết quả của lao động sáng tạo.
Vào tháng 6.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; trong đó nhấn mạnh tới sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, của Make in Vietnam là chuyển đổi số Việt Nam, là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài, vì vậy, Make in Vietnam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn.
Theo phân tích của Bộ trưởng, muốn Make in Vietnam thì phải làm chủ công nghệ. Lời giải cho làm chủ công nghệ của Việt Nam là công nghệ mở. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.
Năm 2021 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều và rất nhiều sản phẩm Make in Vietnam. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Make in Vietnam để giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển. Make in Vietnam để đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Make in Vietnam để làm chủ công nghệ. Make in Vietnam để bảo vệ Việt Nam; Make in Vietnam để Việt Nam hùng cường thịnh vượng”.
Hướng về công nghệ
Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, lực lượng làm CNTT của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam và cả các nước khác. Lấy dẫn chứng ngay tại FPT, ông Bình chia sẻ: “3 năm trước, FPT đã đi vào lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số là robot tự động hoá; FPT xây dựng akabot, giúp doanh nghiệp tự động hoá quy trình”.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank cho biết chuyển đổi số, hướng về công nghệ là định hướng ngay từ những ngày đầu của TPBank, đặc biệt khi có cổ đông là các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như FPT, Mobifone, Softbank. “TPBank định hướng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng công nghệ, ngân hàng số, vì không có sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn, lâu đời”, đại diện nhà băng chia sẻ.
Theo ông Hưng, ngân hàng trong thời đại mới chuyển dịch từ các lĩnh vực kinh doanh truyền thống như huy động, cho vay vốn sang coi khách hàng là trung tâm, dữ liệu là quan trọng. Sắp tới, một số nghiệp vụ của ngân hàng sẽ bị thay thế, chuyển từ mô hình truyền thống sang công nghệ mới, tự động hoá, sử dụng công nghệ, trí thông minh nhân tạo.
Tại TPBank, ngân hàng này có hệ thống Livebank giao dịch tự động 24/7 từ năm 2017, hiện có 330 điểm giao dịch toàn quốc. 3 Livebank có thể tương đương một chi nhánh, mang lại trải nghiệm chưa từng có cho khách hàng như mở tài khoản, phát hành thẻ... đảm đương 80% giao dịch truyền thống. Đặc biệt, hệ thống sử dụng Big Data, AI, Machine learning, dùng khuôn mặt và vân tay để giao dịch, không cần giấy tờ, tài liệu.