Trung Quốc vừa công bố hợp đồng trị giá 23,5 triệu USD đóng một tàu hải cảnh sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) do nước này chiếm đóng trái phép.
Tập đoàn đóng tàu Vũ Xương trực thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Trung Quốc (CSIC) là đơn vị nhận hợp đồng.
Trang thông tin chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết tàu sắp đóng dài 102m, trọng lượng 1.900 tấn, vận tốc khoảng 18 hải lý/ giờ (tối đa 23 hải lý/ giờ), tầm hoạt động 6.000 hải lý. Thủy thủ đoàn gồm 50 người. Theo kế hoạch 5 năm tính từ năm 2016, lượng tàu thực thi pháp luật trên biển sẽ tăng từ 1 lên 20.
Giới phân tích nhận định tàu hải cảnh mới là một phần trong nỗ lực mở rộng hiện diện phi quân sự hòng tăng cường kiểm soát các vùng tranh chấp trên Biển Đông của chính quyền Bắc Kinh.
Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson từng đánh giá lực lượng tuần tra Trung Quốc khiến hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải mà họ thực hiện trở nên phức tạp. Ông còn đe dọa một khi xảy ra chạm trán thì tàu hải quân, tàu hải cảnh hay tàu đánh cá Trung Quốc đều sẽ bị hải quân Mỹ xử lý như nhau.
Trung Quốc hiện đang đàm phán với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử dùng trong trường hợp chạm trán không báo trước ở vùng biển tranh chấp. Tiến trình thương lượng khá chậm.
Hôm 13.5, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah chỉ trích yêu sách của Trung Quốc với Biển Đông là “quá đáng”. Nước này quyết định tìm cách giải quyết thông qua ASEAN thay vì tìm kiếm hiệp định song phương.
Giáo sư Hứa Lợi Bình đến từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) phân tích giới chức Bắc Kinh dùng cách tiếp cận song phương lẫn đa phương. Mỗi cách tiếp cận phục vụ cho mục đích khác nhau.
Cẩm Bình (theo SCMP)