TikTok biết rằng Giám đốc điều hành Meta Plaforms - Mark Zuckerberg đang tân trang ứng dụng Facebook và Instagram để giống với dịch vụ video ngắn phổ biến của họ. Thế nhưng, TikTok không có hứng thú với việc bắt chước Facebook.
“Facebook là một nền tảng xã hội. Họ đã xây dựng tất cả các thuật toán của mình dựa trên biểu đồ xã hội. Đó là năng lực cốt lõi của họ. Của chúng tôi thì không phải vậy”, Blake Chandlee, Chủ tịch phụ trách các giải pháp kinh doanh toàn cầu của TikTok, nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn.
Từng làm việc 12 năm tại Facebook trước khi gia nhập TikTok vào 2019, Blake Chandlee cho biết Mark Zuckerberg có thể sẽ gặp rắc rối nếu cố gắng sao chép TikTok và cuối cùng sẽ cung cấp trải nghiệm kém hơn cho người dùng lẫn thương hiệu.
Facebook đã tung ra Instagram Reels vào năm 2020 như là bước đột phá thực sự đầu tiên vào thị trường video dạng ngắn. Năm ngoái, công ty đã đưa Reels lên ứng dụng Facebook cốt lõi của mình.
Blake Chandlee nói: “Chúng tôi là một nền tảng giải trí. Sự khác biệt là đáng kể. Đó là một sự khác biệt lớn".
Tom Alison, Giám đốc ứng dụng Facebook, nói với The Verge tuần này rằng ông thấy TikTok ngày càng chiếm lấy lượt chia sẻ từ mạng xã hội lớn nhất thế giới. Facebook có kế hoạch sửa đổi nguồn cấp dữ liệu chính của mình để trông giống TikTok hơn bằng cách đề xuất nhiều nội dung hơn, bất kể nội dung đó có được bạn bè chia sẻ hay không.
Tom Alison nói với The Verge: “Tôi nghĩ rằng điều mà chúng ta có thể chưa hoàn toàn nắm bắt hoặc không thấy là định dạng này có thể mang tính xã hội như thế nào”.
Hiệu suất gần đây của Facebook đã chứng minh điều đó. Giá cổ phiếu Meta Plaforms giảm 52% trong năm nay. Vào tháng 4, Meta Plaforms cho biết doanh thu trong quý 2/2022 có thể giảm lần đầu tiên so với một năm trước đó.
Đầu năm, Mark Zuckerberg thừa nhận áp lực cạnh tranh gia tăng từ TikTok và nói: “Đây là lý do tại sao sự tập trung của chúng tôi vào Reels rất quan trọng trong dài hạn”.
TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, một công ty tư nhân có trụ sở ở Bắc Kinh.
Blake Chandlee cho biết lịch sử không đứng về phía Mark Zuckerberg và so sánh vấn đề hiện tại của TikTok với thách thức mà Google từng phải đối mặt khi cố gắng cạnh tranh cùng Facebook trong lĩnh vực của riêng họ.
“Bạn còn nhớ khi Google tạo Google+. Tại Facebook, chúng tôi có những phòng chiến sự vào thời điểm đó. Đó là một việc lớn. Mọi người đều lo lắng về điều đó”, Blake Chandlee kể.
Song dù có đổ bao nhiêu tiền vào các nỗ lực mạng xã hội của mình, Google cũng không thể cạnh tranh với Facebook, vốn trở thành nơi mặc định để nhiều người kết nối với bạn bè và chia sẻ ảnh cũng như cập nhật nội dung.
Blake Chandlee nói: “Rõ ràng giá trị của Google là tìm kiếm và Facebook thực sự giỏi về mạng xã hội. Bây giờ tôi cũng thấy điều tương tự. Chúng tôi thực sự giỏi những gì chúng tôi làm. Chúng tôi mang đến những xu hướng văn hóa này và trải nghiệm độc đáo mà mọi người có trên TikTok. Họ sẽ không có điều đó trên Facebook, trừ khi Facebook hoàn toàn rời bỏ các giá trị xã hội của nó, điều mà tôi không nghĩ là họ sẽ làm được”.
Facebook không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về vấn đề trên.
Blake Chandlee nói thêm rằng ông ấy rất tôn trọng Mark Zuckerberg và coi cả Facebook lẫn Google là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng TikTok có một loạt các đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới, bao gồm cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát trực tiếp (livestream).
Blake Chandlee cho biết ông chưa thấy chi tiêu quảng cáo trên TikTok chậm lại, bất chấp những gì được báo cáo bởi các công ty như Snap. Snap nói với các nhà đầu tư rằng doanh thu quảng cáo đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và mối đe dọa suy thoái. Cổ phiếu Snap đã mất gần 3/4 giá trị trong năm nay.
“Tôi nghe nói rằng thị trường quảng cáo sắp có sự suy giảm, từ 2% đến 6%, nhưng chúng tôi chưa thấy điều đó. Chúng tôi không nhìn thấy những luồng gió ngược mà một số người khác đang thấy", Blake Chandlee chia sẻ với CNBC.
Reuters: TikTok lên kế hoạch đẩy mạnh chơi game trên ứng dụng, thử nghiệm ở Việt Nam
TikTok đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm để người dùng có thể chơi game trên ứng dụng chia sẻ video của hãng này ở Việt Nam.
Đây là một phần trong kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực chơi game của TikTok, bốn người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với Reuters.
Các game trên nền tảng của TikTok sẽ tăng doanh thu quảng cáo cũng như lượng thời gian người dùng dành cho ứng dụng. TikTok hiện là một trong những ứng dụng phổ biến nhất thế giới với hơn 1 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng.
Tự hào với dân số hiểu biết về công nghệ, Việt Nam là thị trường hấp dẫn với các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, Facebook của Meta Platforms và YouTube của Google.
TikTok cũng có kế hoạch triển khai game rộng rãi hơn ở Đông Nam Á, theo những nguồn tin của Reuters. Hai trong số họ cho biết động thái đó có thể đến sớm nhất là trong quý 3/2022.
Các nguồn tin từ chối nêu tên vì thông tin vẫn chưa được tiết lộ công khai.
Một đại diện của TikTok cho biết công ty đã thử nghiệm đưa các game HTML5, dạng minigame phổ biến, vào ứng dụng của mình thông qua hợp tác với các nhà phát triển game và studio bên thứ ba như Zynga. Thế nhưng, TikTok từ chối bình luận về kế hoạch của mình ở Việt Nam hoặc tham vọng về game rộng hơn của mình.
"Chúng tôi luôn tìm cách làm phong phú nền tảng của mình, thường xuyên thử nghiệm các tính năng và tích hợp mới mang lại giá trị cho cộng đồng của chúng tôi", người đại diện TikTok cho biết trong tuyên bố gửi qua email cho Reuters.
ByteDance đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.
Reuters chưa tìm hiểu kế hoạch của TikTok về việc tung ra tính năng chơi game ở các thị trường khác. Dù người dùng TikTok có thể xem các game đang được phát trực tuyến, nhưng ở hầu hết các khu vực, họ không thể chơi game trong ứng dụng.
Tại Mỹ, chỉ vài game dường như có sẵn trên TikTok như Disco Loco 3D của Zynga (thử thách âm nhạc và khiêu vũ), Garden of Good (người chơi trồng rau để kích hoạt sự đóng góp của TikTok cho tổ chức phi lợi nhuận Feeding America).
Theo hai nguồn tin, TikTok có kế hoạch chủ yếu dựa trên bộ game của ByteDance.
Dù công ty sẽ bắt đầu với các mini game, có xu hướng chơi đơn giản và thời gian chơi ngắn, nhưng tham vọng về game của TikTok còn vươn xa hơn thế, theo một trong những người có kiến thức trực tiếp về vấn đề này.
TikTok sẽ cần có giấy phép để giới thiệu các game trên nền tảng của mình tại Việt Nam. Nguồn tin cho biết quá trình này dự kiến sẽ diễn ra suôn sẻ vì các game được lên kế hoạch không gây tranh cãi.
Người dùng Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, đã có thể chơi game trên nền tảng này kể từ năm 2019.
Các game của TikTok có khả năng hiện quảng cáo ngay từ đầu, với sự phân chia doanh thu giữa ByteDance và các nhà phát triển game, một nguồn tin riêng cho biết.
Sự đột phá của TikTok vào game phản ánh những nỗ lực tương tự của các hãng công nghệ lớn đang tìm cách giữ chân người dùng. Facebook đã ra mắt Instant Games vào năm 2016 và Netflix gần đây cũng thêm game vào nền tảng của mình.
Động thái này cũng đánh dấu nỗ lực mới nhất của ByteDance trong việc khẳng định mình là một ứng cử viên lớn trong lĩnh vực chơi game. ByteDance đã mua lại studio game Moonton Technology có trụ sở tại Thượng Hải vào năm ngoái, đưa nó vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với Tencent - hãng game lớn nhất Trung Quốc.
Ngay cả khi không cho chơi game, TikTok đã chứng kiến doanh thu quảng cáo tăng đột biến.
Theo công ty nghiên cứu Insider Intelligence, doanh thu quảng cáo của TikTok có thể sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay lên hơn 11 tỉ USD, vượt quá doanh thu kết hợp của Twitter và Snap.
Debra Aho Williamson, nhà phân tích tại Insider Intelligence, cho biết: “Cơ sở người dùng của TikTok đã bùng nổ trong vài năm qua và lượng thời gian người dùng dành cho ứng dụng là rất lớn".
Twitter và Snapchat dự kiến sẽ tạo ra lần lượt 5,58 tỉ USD và 4,86 tỉ USD doanh thu quảng cáo cho năm 2022, với tổng giá trị vẫn thấp hơn 11 tỉ USD dự kiến cho TikTok.
Gần 6 tỉ USD doanh thu quảng cáo của TikTok năm nay dự kiến đến từ Mỹ, bất chấp mối lo ngại về việc dữ liệu người dùng từ Mỹ được chuyển sang Trung Quốc.