Mark Zuckerberg đã bày tỏ sự thận trọng trước việc thử nghiệm cấy ghép chip não trong thời điểm hiện tại.
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, đã thảo luận về giao diện não - máy tính trong một tập của podcast Morning Brew Daily.
Ông nói: “Một trong những điều thú vị hơn mà chúng ta đang nghiên cứu là giao diện não này. Ý tôi không phải là bạn gắn một chip vào não mình. Có thể trong tương lai ai đó sẽ làm điều này, nhưng tôi không muốn sử dụng phiên bản đầu tiên của nó. Tôi nghĩ bạn nên đợi cho đến khi nó thực sự hoàn thiện. Hãy đợi cho đến khi không cần phải nâng cấp thứ đó mỗi năm”.
Dù Mark Zuckerberg không nêu tên cụ thể công ty nào, cái tên dễ nhận biết nhất trong số những hãng làm việc về giao diện não - máy tính là Neuralink do Elon Musk điều hành.
Tháng trước, Elon Musk cho biết Neuralink đã lần đầu tiên cấy ghép chip của mình vào não một bệnh nhân.
Elon Musk nói rằng Neuralink muốn giải quyết chứng tự kỷ và tâm thần phân liệt, đồng thời giúp bệnh nhân sử dụng các thiết bị như điện thoại hoặc máy tính chỉ bằng cách nghĩ về chúng. Tự kỷ và tâm thần phân liệt được coi là rối loạn chứ không phải bệnh tật.
Các nhà khoa học nghiên cứu về não bộ nghi ngờ rằng công nghệ của Neuralink có thể giải quyết những dị thường trong não hoặc thay đổi cấu trúc phát triển của nó. Thay vào đó, họ tin rằng chip não có thể giúp những bệnh nhân bị liệt di chuyển dễ dàng hơn.
Với Meta Platforms, Mark Zuckerberg đã thảo luận về công việc của công ty trên chiếc vòng đeo kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và phản hồi cử chỉ tay để cho phép bạn thực hiện những việc như nhắn tin cho bạn bè.
Tỷ phú 39 tuổi người Mỹ nói: “Trong tương lai, về cơ bản, bạn sẽ có thể gõ và điều khiển thứ gì đó bằng cách suy nghĩ về cách muốn di chuyển bàn tay của mình”.
Neuralink không trả lời ngay lập tức khi được trang Insider đề nghị bình luận về vấn đề trên.
Cuối tháng 1.2024, Elon Musk cho biết bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép chip não từ Neuralink đang hồi phục tốt.
“Kết quả ban đầu cho thấy khả năng phát hiện đột biến tế bào thần kinh đầy hứa hẹn”, Elon Musk viết trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X.
Sản phẩm đầu tiên của Neuralink sẽ được gọi là Telepathy (Thần giao cách cảm), Elon Musk cho biết trong một bài đăng khác trên X.
Nhiều chuyên gia cho rằng có thể phải mất một thời gian nữa mới biết liệu chip não của Neuralink có thật sự hoạt động tốt hay không.
Bà Anne Vanhoestenberghe,giáo sư về cấy ghép y tế tại Đại học Nhà vua London (Mỹ), cho biết: “Tôi biết Elon Musk rất thành thạo trong việc tạo dựng uy tín cho công ty, nên chúng ta có thể mong đợi kết quả thử nghiệm trong thời gian gần. Theo tôi, thành công thực sự cần được đánh giá về lâu dài với mức độ ổn định được kiểm soát theo thời gian và nó mang lại lợi ích như thế nào cho người tham gia”.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào năm 2023 đã cho phép Neuralink, công ty khởi nghiệp do Elon Musk đồng sáng lập, tiến hành thử nghiệm đầu tiên về thiết bị cấy ghép chip não trên người.
Nghiên cứu PRIME của Neuralink là cuộc thử nghiệm giao diện não - máy tính không dây để đánh giá độ an toàn của bộ cấy ghép và robot phẫu thuật.
Theo trang web của Neuralink, nghiên cứu sẽ đánh giá chức năng của giao diện, cho phép những người bị liệt tứ chi hoặc liệt cả bốn chi điều khiển các thiết bị bằng suy nghĩ của họ.
Neuralink đã khởi động thử nghiệm nghiên cứu tuyển dụng vào tháng 9.2023.
Thời điểm đó, Neuralink cho biết vượt qua bài kiểm tra từ hội đồng đánh giá độc lập gồm các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành tại Mỹ, để được phép thử nghiệm cấy chip lên người bại liệt.
Tháng 11.2023, Ashlee Vance, người viết tiểu sử đầu tiên cho Elon Musk năm 2015, tiết lộ hàng ngàn người đã đăng ký tham gia thử nghiệm của Neuralink.
Trước đó, Ashlee Vance mô tả khi gắn chip não, bác sĩ phải mất vài giờ để thực hiện ca phẫu thuật cắt hộp sọ, sau đó cần 25 phút để robot đưa thiết bị vào cùng với bộ phận chip siêu mỏng gồm khoảng 64 sợi khác nhau. Các sợi mỏng đến mức chỉ bằng 1/14 chiều rộng của một sợi tóc người.
Neuralink từng phải đối mặt với những lời kêu gọi xem xét kỹ lưỡng về các giao thức an toàn của nó.
Đầu tháng 1.2024, Reuters đưa tin công ty đã bị phạt vì vi phạm các quy định của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT) liên quan đến việc vận chuyển các vật liệu nguy hiểm.
Tháng 11.2023, 4 nhà làm luật Mỹ đã yêu cầu Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) điều tra xem liệu Elon Musk có phạm tội gian lận chứng khoán bằng cách đánh lừa các nhà đầu tư về sự an toàn của thiết bị cấy ghép não đang được Neuralink phát triển hay không.
Trong thư gửi SEC, nhóm 4 nghị sĩ gồm ông Earl Blumenauer, Jim McGovern, Tony Cardenas và bà Barbara Lee yêu cầu xem xét kỹ lưỡng cách vận hành của Neuralink khi công ty chuẩn bị thử nghiệm chip cấy ghép vào não người lần đầu tiên thời điểm đó.
Bức thư trích dẫn hồ sơ thú y thu được từ các thí nghiệm Neuralink trên khỉ cho thấy chúng bị ảnh hưởng sức khỏe và suy nhược do cấy ghép chip, bao gồm các triệu chứng tê liệt, co giật và sưng não. Theo bức thư, khoảng 12 con khỉ khỏe mạnh chết do có phản ứng với bộ phận cấy ghép của Neuralink.
Tuy nhiên, Elon Musk phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa cái chết của khỉ và việc cấy ghép chip của Neuralink, khẳng định nhóm nghiên cứu chọn đối tượng thử nghiệm đều cận kề cái chết. Thử nghiệm trên động vật của Neuralink được tiến hành để xác nhận các giả thuyết khoa học và công ty có cam kết với việc chăm sóc tối đa cho động vật được thử nghiệm.
Trong khi đó, 4 nghị sĩ trên cho rằng việc động vật trong các thí nghiệm ở Neuralink chết liên quan trực tiếp đến tính an toàn của công ty. Do đó, tuyên bố từ Elon Musk có thể đã vi phạm các quy tắc của SEC.
Các nhà đầu tư cần được biết sự thật về khả năng tiếp thị sản phẩm của Neuralink. Năm 2022, nhân viên Neuralink tiết lộ với truyền thông rằng công ty đã gấp rút thực hiện các ca phẫu thuật không thành công trên khỉ, heo và cừu, khiến động vật chết nhiều hơn mức cần thiết.
Năm 2021, Neuralink từng cho một con khỉ được cấy chip trình diễn khả năng điều khiển con trỏ chuột máy tính và chơi game bằng tín hiệu não. Tuy nhiên, công ty đã bị cáo buộc hành hạ động vật và có nguy cơ khiến con người mắc phải các bệnh truyền nhiễm qua những thiết bị phần cứng bị ô nhiễm.
Theo hồ sơ hồi tháng 11.2023 của SEC, Neuralink đã huy động được hơn 280 triệu USD từ các nhà đầu tư bên ngoài. Công ty đã phát triển chip có hỗ trợ Bluetooth cấy vào não người nhằm mục đích kích hoạt khả năng ngoại cảm và khôi phục chức năng vận động cho người bị thương. Con chip có cổng USB-C, kết nối qua Bluebooth với một thiết nhỏ đeo trên tai và kết nối với smartphone.
Elon Musk đồng sáng lập Neuralink năm 2016 cùng 7 thành viên khác, nhưng đa số đã rời đi. Mục tiêu của công ty là phát triển thành công giao diện não - máy tính để cho phép con người hợp nhất với AI trong tương lai.
Neuralink hiện đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các công ty khởi nghiệp như Synchron và Onward. Thế nên, Ashlee Vance nói: "Elon Musk cảnh báo Neuralink phải tăng tốc giống như cách thế giới đối phó với ngày tận thế".
Chip não được Neuralink cấy ghép hoạt động thế nào?
Thiết bị Neuralink ghi lại hoạt động từ các điện cực được đặt bên cạnh các tế bào não riêng lẻ, giúp đọc ra các chuyển động người đó dự định thực hiện.
Neuralink cho biết đang tìm kiếm các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm lâm sàng, những người bị hạn chế chức năng ở cả bốn chi do ALS (xơ cứng teo cơ bên) hoặc đã bị chấn thương tủy sống ít nhất một năm trước nhưng chưa hồi phục đáng kể.
Các tình nguyện viên phải sẵn sàng cho phép robot R1 phẫu thuật cấy ghép vào một vùng não kiểm soát chuyển động dự định của cơ thể. Họ cũng phải đồng ý tham gia 6 năm đào tạo và các buổi theo dõi.
Phát minh của Elon Musk không giúp một người đi lại được. Để làm được điều đó, phải có sự can thiệp thứ hai.
Nhà thần kinh học nổi tiếng Grégoire Courtine cho biết: “Để khôi phục chuyển động cho một người tứ chi không vận động được, các vi điện cực đọc tín hiệu não phải được kết nối thông qua một 'cây cầu kỹ thuật số' dẫn đến tủy sống, sau đó kích thích chuyển động”.