Ai trao và ai xứng đáng nhận huân chương, những điều này quan trọng lắm. Nó không phải là chuyện của một người, một ngành, một cơ quan mà là chuyện công bằng, danh dự, đạo đức, trách nhiệm trước xã hội của người trao và người nhận. Đó là mặt phải của tấm huân chương.

Mặt phải tấm huân chương

24/11/2016, 14:24

Ai trao và ai xứng đáng nhận huân chương, những điều này quan trọng lắm. Nó không phải là chuyện của một người, một ngành, một cơ quan mà là chuyện công bằng, danh dự, đạo đức, trách nhiệm trước xã hội của người trao và người nhận. Đó là mặt phải của tấm huân chương.

Ảnh minh họa

Hôm qua vừa ăn cơm thì vợ bật tivi. Bảo " tắt đi, ăn cho ngon miệng" thì vợ lại nhủ "để tí nữa xem thời tiết". Thế là vừa ăn vừa lơ đãng nghe. Nhưng có một tin làm tôi phải dừng lại. Tivi đưa tin một ông "nguyên" nhận huân chương cao quý. Bình thường thì cũng chả quan tâm làm gì nhưng ông này đã bị cả kênh chính thống lẫn dư luận xã hội bất bình vì sự bổ nhiệm cán bộ ồ ạt lúc hoàng hôn nhiệm kỳ. Mà việc ấy chắc chả phải vô tư vì công việc rồi.

Ngẫm nghĩ một chút thấy không ít người hoặc cơ quan được nhận những danh hiệu rất cao quý như anh hùng, huân chương các loại, các giá trị tôn vinh khác nhưng hoặc chả có tác dụng gì, chả bao lâu sau khi nhận danh hiệu thì "ngã ngựa" do phát hiện ra thành tích không xứng, khai man hoặc che đậy các khuyết điểm, tai tiếng. Thậm chí có người còn bị tước danh hiệu. Cái danh lớn, đem lại lợi ích nhiều nên có những ông bà còn tự tạo ra thành tích, tự phong để sống với cái danh ấy mà làm ăn, mà lòe thiên hạ.

Các danh hiệu vinh danh là những bằng chứng cao quý, ghi nhận đóng góp của cá nhân cho xã hội. Tấm huân chương là bằng chứng về những đóng góp hơn người, xuất sắc của người được nhận huân chương. Bác Hồ đã viết: "Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất". Họ thi đua làm việc, cống hiến cho nước cho dân nên họ được nhà nước ghi nhận, xã hội tôn vinh, được mọi người tin yêu vì họ không chỉ lao động giỏi mà còn vì nhân cách của họ. Thế nên nhiều người trong số họ đã phấn đấu hết mình, cống hiến hết mình, lập bao kỳ tích nhưng không nhận một sự tôn vinh nào. Bác Hồ đã từ chối nhận Huân chương Sao Vàng cao quý khi Quốc hội muốn trao cho Bác vì Người thấy mình chưa hoàn thành được tâm nguyện của dân tộc, thấy mình chưa xứng đáng được đeo tấm huân chương cao quý này và muốn đến ngày thống nhất, đồng bào miền Nam sẽ thay mặt nhân dân cả nước trao cho Bác. Vậy ai trao và ai xứng đáng nhận huân chương, những điều này quan trọng lắm. Nó không phải là chuyện của một người, một ngành, một cơ quan mà là chuyện công bằng, danh dự, đạo đức, trách nhiệm trước xã hội của người trao và người nhận. Đó là mặt phải của tấm huân chương.

Thế mà người ta đã trao huân chương cho cả người bị kết luận tham nhũng, quản lý yếu kém, bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước lúc nghỉ hưu, bị xã hội lên án thì không phải là trớ trêu mà là bất chấp nghị quyết của Đảng, các quy định về phòng chống tham nhũng, xem thường dư luận xã hội. Ai đã làm việc này? Phải là cơ quan quản lý đương sự, cơ quan chủ quản, cơ quan xem xét việc khen thưởng và người ký quyết định trực tiếp. Họ không phải không biết gì về những kết luận của các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội về đối tượng mà họ khen thưởng. Không phải vô cớ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ đạo phải xem xét ai và vì sao đã trao danh hiệu anh hùng cho một đơn vị làm ăn không ra gì, để tham những, yếu kém gây tổn hại cho đất nước nhiều nghìn tỉ đồng mà người chịu trách nhiệm vẫn ngang nhiên trả lời "khen thưởng như thế là xứng đáng". Hay họ muốn dùng bàn tay che kín mặt trời, họ tự cho mình có quyền đứng trên tất cả, muốn ban phát cho ai, cái gì là quyền của họ? Trao huân chương cho các tập thể và cá nhân có nhiều bê bối, đang làm nghèo đất nước, đang đi chệch hoặc ngược với quyền lợi dân tộc thì, xin nói thật, họ và những vị làm cái việc ban phát ấy cũng dạng một đồng một cốt cả. Các vị muốn làm gì thì làm nhưng xin đừng nhân danh đất nước, nhân dân mà hành xử như vậy. Các vị luôn miệng nhắc phải học tập Bác Hồ mà các vị làm thế thì các vị mắc tội với Bác đấy.

Người ta nói chạy chức chạy quyền khiến cho vàng thau lẫn lộn, phải trái bất minh, giá trị đảo lộn, đạo đức xuống cấp. Xin người trao và người nhận huân chương hãy xem lại mình, hành xử cho đúng. Nhìn những hình ảnh này trên tivi, phản cảm lắm. Cũng xin nhà đài, dành thời lượng phát sóng cho việc khác, ích nước lợi dân hơn kiểu đưa tin về những chuyện chỉ gây thêm bức xúc cho xã hội.

Các vị trao và nhận mới chỉ nhìn thấy lợi ích vật chất của việc được tặng huân chương nhưng vấn đề không chỉ có thế. Mặt phải đã bất minh rồi, mặt trái còn nhiều chuyện lắm. Lời nói thẳng, khó nghe. Nhưng cứ lắng nghe dư luận đi, lời này mới chỉ là một góc nhỏ xíu của tâm thế xã hội trước việc làm của các vị thôi.

Phạm Quang Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mặt phải tấm huân chương